Thông tin trên được Tiến sĩ Dương Khánh Vân, Cán bộ kỹ thuật, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ trong Chương trình tập huấn nâng cao nghiệp vụ báo chí và truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em, ngày 10/10, thêm rằng Việt Nam hiện vẫn là quốc gia có tỷ lệ tử vong do đuối nước ở mức cao, đặc biệt là trẻ em.
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đuối nước ở trẻ em xuất phát từ nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về vấn đề này còn hạn chế, trong khi trẻ thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ. Các bé dưới 5 tuổi có nhiều khả năng bị đuối nước ở gần hoặc sát nhà mình, trong các ao hồ, sông suối, kênh rạch, kể cả các vũng nước ở công trình đang thi công hoặc bể chứa nước.
Sử dụng phương tiện di chuyển đường thủy không an toàn hoặc quá đông mà không có phương tiện bảo hộ như phao, áo phao cũng dẫn đến tai nạn đuối nước. Nhiều trẻ chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước, đồng thời chưa nhận thức về sự nguy hiểm của việc lấy nước, tắm sông, chơi gần bờ sông, ao hồ.
Ngoài ra, nhiều địa phương còn thiếu cơ sở vật chất và giáo viên dạy bơi, đặc biệt tại địa phương nghèo, vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, tỷ lệ trường học tổ chức dạy bơi cho học sinh còn rất thấp, thiếu bể bơi, thiết bị. Số khác còn bị đuối nước do thiên tai, thảm họa tự nhiên như lũ lụt.
Tiến sĩ Vân phát biểu tại buổi tập huấn. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp
Theo WHO, trong thập kỷ vừa qua, đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người trên toàn cầu. Ước tính, mỗi năm có hơn 300.000 người tử vong do đuối nước.
WHO khuyến nghị 6 biện pháp can thiệp để phòng, chống đuối nước ở Việt Nam. Đó là làm hàng rào để cảnh báo, kiểm soát việc trẻ tiếp cận nguồn nước. Tạo môi trường an toàn, tránh xa nguồn nước cho trẻ lứa tuổi mầm non. Dạy cho trẻ độ tuổi tiểu học trở lên kỹ năng bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Đào tạo người dân kỹ năng cứu hộ và sơ cứu. Xây dựng và thực thi các quy định về an toàn giao thông đường thủy. Đồng thời, xây dựng khả năng chống chịu và quản lý rủi ro, cũng như các hiểm họa khác ở cấp độ địa phương và quốc gia.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, cho rằng một trong biện pháp cần thiết và hiệu quả là phổ cập dạy bơi cho trẻ. Đây là giải pháp đã triển khai thành công ở các nước như Trung Quốc, Bangladesh, Thái Lan, Philippines, Malaysia... Đặc biệt, tại Trung Quốc, bơi là môn học giáo dục thể chất bắt buộc cho học sinh, từ đó nhanh chóng giảm tỷ lệ tử vong do đuối nước.
Tại Việt Nam, chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ tại cộng đồng được triển khai từ 2018 đến nay, bằng cách dạy bơi tại một số tỉnh có nguy cơ như Đồng Tháp, An Giang, Đà Nẵng...
Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia Tổ chức Campaign For Tobacco - Free Kids (Đơn vị Vận động Chính sách Y tế toàn cầu) cho biết từ khi triển khai chương trình, đến nay có 44.398 trẻ 6-15 tuổi được học bơi an toàn; 52.250 trẻ từ ở độ tuổi này được học kỹ năng an toàn dưới nước; 30.204 cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên mầm non được hướng dẫn về phòng chống đuối nước trẻ em...
Theo đánh giá độc lập, tỷ lệ đuối nước ở trẻ tại địa bàn can thiệp giảm 30% với xu hướng giảm đều. Tỷ lệ này trung bình toàn quốc giảm 7,7% sau 4 năm thực hiện.
Việt Nam đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 50% trẻ 6-15 tuổi biết bơi; 60% trẻ được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước trong hai năm 2024-2025.
Mỹ Ý