Trả lời:
Đột quỵ có liên quan đến chế độ ăn uống theo nhiều cách. Bổ sung thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol và natri có thể tăng yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, bao gồm huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường và béo phì. Ngược lại, tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và hợp chất thực vật bảo vệ có thể giúp giảm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, thúc đẩy sức khỏe tim mạch.
Một số loại thực phẩm cần hạn chế, bao gồm thịt chế biến sẵn, đồ uống có đường, thực phẩm nhiều natri, đồ chiên rán, rượu bia. Trong đó, đồ uống có đường như nước ngọt có gas, bánh, kẹo ngọt, góp phần gây ra bệnh béo phì, tiểu đường type 2; thực phẩm nhiều natri như thức ăn nhanh, đồ ăn đóng gói, gây ra huyết áp cao; đồ chiên rán gây ra tình trạng cholesterol cao và viêm, đều là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
Một số thực phẩm hỗ trợ ngăn ngừa đột quỵ, bao gồm rau lá xanh, quả óc chó, trái cây họ cam, cá béo. Quả óc chó là nguồn cung cấp axit alpha-linolenic (ALA), một loại axit béo omega-3 được chứng minh là có tác dụng giảm viêm, cải thiện lưu lượng máu và hạ huyết áp, làm giảm nguy cơ đột quỵ. Rau lá xanh giàu nitrat, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa nitrat thành oxit nitric, một phân tử đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa lưu lượng máu và huyết áp.
Trái cây họ cam chứa flavonoid là hợp chất thực vật có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm có thể giúp bảo vệ chống lại đột quỵ. Cá béo như cá hồi, cá ngừ và cá thu có hàm lượng axit béo omega-3 cao, có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ bằng cách cải thiện lưu lượng máu và giảm viêm.
Một số cách khác để giảm nguy cơ đột quỵ như hoạt động thể chất thường xuyên, duy trì cân nặng, kiểm soát căng thẳng và các tình trạng sức khỏe như tiểu đường, huyết áp cao và cholesterol cao, bỏ thuốc lá.
Đồ chiên rán gây ra tình trạng cholesterol cao, yếu tố gây đột quỵ. Ảnh minh họa: Bùi Thủy
Bác sĩ Đoàn Thu HồngViện Y học Ứng dụng Việt Nam