Bệnh sa bàng quang độ 2 khiến âm đạo người phụ nữ phồng lên mỗi khi đi lại nhiều, rặn hoặc ngồi xổm. Bệnh còn làm chị đi tiểu nhiều lần trong ngày, phải điều trị bằng laser âm đạo và tập cơ sàn chậu. Trong lần khám mới đây, chị gặp ThS.BS Huỳnh Đoàn Phương Mai, quyền Trưởng Khoa Niệu nữ - Niệu chức năng, Bệnh viện Bình Dân. Bác sĩ cho biết tình trạng sa bàng quang đã cải thiện, nhưng chị cần tránh táo bón, không ngồi xổm, không mang vác vật nặng để tránh tái phát và có thể quan hệ vợ chồng bình thường.
Khi nghe bác sĩ dặn dò, chị Trang ngạc nhiên và hỏi lại, bởi người phụ nữ cho rằng bệnh này là do quan hệ vợ chồng, nên chị thường xuyên tránh gần gũi bạn đời. Bác sĩ Mai giải thích cơ chế khiến bàng quang sa xuống âm đạo không phải do quan hệ, mà có thể do mang thai, sinh con, mang vác nặng hoặc táo bón, khiến dây chằng và cơ sàn chậu nâng đỡ bàng quang bị suy yếu...
Lúc này, chị không kìm được nước mắt. "Nếu tôi biết điều này sớm hơn, có lẽ cuộc hôn nhân đã không rơi vào tình trạng như bây giờ", người phụ nữ chia sẻ với bác sĩ Mai.
Bác sĩ Mai tư vấn tại Phòng khám Tư vấn chuyên sâu niệu nữ. Ảnh: Lê Phương
Theo bà Mai, trường hợp như của chị Trang không hiếm gặp. Phụ nữ khi có trục trặc về đời sống tình dục thường âm thầm chịu đựng, ngại chia sẻ, ít khi đến bệnh viện khám. Chưa kể, hiện chưa có nhiều nơi điều trị bệnh lý rối loạn tình dục nữ, đa số bác sĩ cũng chưa quan tâm đến vấn đề này để kịp thời tư vấn.
Rối loạn tình dục là những vấn đề xảy ra trong chu kỳ đáp ứng tình dục của chị em. Chu kỳ này gồm 4 pha: ham muốn, hưng phấn, cực khoái và hồi phục. Mọi bất thường ở một trong những giai đoạn này đều có thể khiến phụ nữ cảm thấy không thỏa mãn trong quan hệ. Các rối loạn thường gặp bao gồm giảm ham muốn, rối loạn cực khoái và giao hợp đau.
Nguyên nhân gây rối loạn tình dục nữ có thể được chia thành ba nhóm chính. Thứ nhất, nguyên nhân thực thể, bao gồm các bệnh lý về tiết niệu sinh dục, rối loạn nội tiết, bệnh tim mạch, các vấn đề về thần kinh và hội chứng tiền mãn kinh. Thứ hai, sự mất cân bằng trong việc dẫn truyền thần kinh, ảnh hưởng đến cả ham muốn và đáp ứng tình dục. Cuối cùng, các yếu tố tâm lý xã hội như căng thẳng, lo âu trong cuộc sống cũng có thể tác động đến sự cân bằng thần kinh, từ đó gây rối loạn tình dục.
Như trường hợp của chị Hà, 42 tuổi, là một người mẹ bận rộn chăm sóc ba con nhỏ và đối mặt với áp lực công việc. Trong khi đó, chồng chị lại thờ ơ, không quan tâm, khiến người phụ nữ dần mất hứng thú với chuyện gối chăn và gặp phải cơn đau khi quan hệ. Sau vài lần tránh né gần gũi, chồng chị cũng không còn mặn mà với vợ. Mối quan hệ giữa họ ngày càng trở nên lạnh nhạt, không còn sự gần gũi chia sẻ như trước.
Các thống kê trên thế giới ước tính khoảng 40-50% phụ nữ ở mọi độ tuổi gặp ít nhất một rối loạn tình dục, trong đó Đông Nam Á là nơi có tỷ lệ cao nhưng còn gặp rất nhiều rào cản. Không phát triển như mảng nam khoa, đến nay Việt Nam vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về rối loạn tình dục nữ. Theo một nghiên cứu hiếm hoi do TS.BS Ngô Thị Yên, nguyên Trưởng Đơn vị Tư vấn tình dục nữ, Bệnh viện Từ Dũ, thực hiện vào năm 2013, hơn 34% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị rối loạn tình dục. Trong đó, nhiều phụ nữ đã có đến 4-5 người con nhưng vẫn chưa biết "cực khoái", "thăng hoa" là gì.
PGS.TS Nguyễn Quang, Chủ tịch Hội Y học Giới tính Việt Nam, cho rằng rất ít bệnh viện có chuyên khoa điều trị rối loạn tình dục nữ. Chủ đề này thường bị lãng quên, thiếu nghiên cứu và thường không được nói đến trong các cuộc thảo luận. Trong khi đó, sức khỏe tình dục phụ nữ là một phần không thể tách rời của sức khỏe tổng thể, tác động qua lại lẫn nhau, ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống, mối quan hệ và hạnh phúc gia đình.
Theo ông Quang, vấn đề này cần được quan tâm và đầu tư tương xứng như bất kỳ lĩnh vực y tế nào khác, để đảm bảo phụ nữ ở Việt Nam cũng như trên thế giới được chăm sóc đầy đủ mà không cần phải sợ hãi, e ngại sự phán xét, kỳ thị từ người khác.
Không chỉ thiếu những "địa chỉ vàng" dành cho chị em, tâm lý của người bệnh cũng khiến họ ngần ngại đối mặt và chia sẻ. Theo bác sĩ Yên, khoảng 75% phụ nữ đến viện do được các phòng khám sản phụ khoa hoặc hiếm muộn chuyển đến, rất ít người khám trực tiếp vấn đề này.
Đơn cử, tại Bệnh viện Bình Dân, rất hiếm bệnh nhân đến khám vì lý do "không có hứng thú" hoặc chủ động nói về các vấn đề tình dục với các bác sĩ. Chỉ một số ít tìm đến khi gặp phải các vấn đề như nhiễm trùng, đau hoặc khó khăn khi quan hệ. Đến khi bác sĩ tại Phòng khám Tư vấn chuyên sâu niệu nữ hỏi kỹ về nguyên nhân sau khi điều trị đợt bệnh cấp, họ mới nhận ra một trong những lý do gây đau, nhiễm trùng tái đi tái lại là do các rối loạn tình dục đi kèm.
Minh họa bệnh rối loạn tình dục. Ảnh: Pexels
GS Annamaria Giraldi, nguyên Chủ tịch Hội Y học Giới tính Thế giới, cho rằng mỗi người đều có quyền về đời sống tình dục khỏe mạnh và hài lòng, nhưng không phải ai cũng đạt được điều này. Trước đây, các nghiên cứu chủ yếu là về nam giới, gần đây mới bắt đầu có những mối quan tâm dành cho phụ nữ. Những vấn đề chị em thường gặp là thiếu ham muốn, khó hưng phấn, không đạt được cực khoái, bị đau khi quan hệ.... Các rối loạn này xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt, độ tuổi càng cao thì tỷ lệ gặp tình trạng này càng tăng lên.
Trong điều trị rối loạn tình dục nữ, việc phối hợp đa ngành và sự kết nối giữa các chuyên gia là điều cần thiết. Tùy theo từng trường hợp cụ thể và nguyên nhân gốc rễ, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, bác sĩ cần tư vấn tâm lý để giúp người bệnh cởi mở hơn, nhận thức rõ vấn đề họ gặp phải, thay đổi tư duy và cải thiện mối quan hệ vợ chồng.
"Thường mất ít nhất 2-3 tháng để đạt được kết quả tốt, vì rối loạn tình dục không phải là vấn đề cấp tính", bác sĩ Mai nói. Một số trường hợp có thể kéo dài hơn, tùy theo mức độ và nguyên nhân của rối loạn.
Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên thăm khám sớm khi gặp trục trặc trong quan hệ. Khi vấn đề còn ở giai đoạn đầu, việc giải quyết sẽ dễ dàng hơn. Nếu để tình trạng kéo dài và ảnh hưởng đến mối quan hệ, việc khắc phục sẽ tốn nhiều thời gian và đôi khi không thể cứu vãn được hôn nhân.
Đôi khi, những rối loạn tình dục ở nam giới cũng xuất phát từ vấn đề ở nữ giới. Khi phụ nữ gặp khó khăn trong việc giảm đáp ứng, nam giới cũng dễ gặp phải các vấn đề như rối loạn cương dương hay khó xuất tinh. Vì vậy, việc điều trị rối loạn "chuyện ấy" cần phối hợp đồng bộ giữa cả hai phía. Các cặp đôi nên tìm đến những cơ sở y tế có chuyên khoa nam học và khoa niệu nữ để được các chuyên gia phối hợp chẩn đoán và điều trị toàn diện.
Lê Phương