4 bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc của Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà, huyện Thạch Hà, trong tình trạng đau đầu, khó thở, ý thức lơ mơ, nôn mửa. Bác sĩ chẩn đoán họ bị ngộ độc khí CO do đặt nồi than sưởi ấm trong phòng kín.
Hiện 4 bệnh nhân đã tỉnh táo, song sức khỏe còn yếu, được theo dõi tích cực.
Người nhà cho biết tối 15/12 người chồng đốt than hoa bỏ vào nồi đất rồi đặt trong phòng ngủ rộng khoảng 15 m2 để sưởi ấm. Thời điểm này người vợ vừa sinh con thứ hai được 10 ngày.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe của người vợ. Ảnh: Hùng Lê
Gần khuya, người chồng đóng kín cửa phòng rồi cùng vợ và hai con đi ngủ. Sáng 16/12, khi tỉnh giấc, hai vợ chồng cùng con gái 6 tuổi phát hiện đầu đau ran, ý thức lơ mơ, bé sơ sinh 10 ngày tuổi liên tục khóc. Họ lập tức gọi điện thoại cho người thân đến hỗ trợ đưa cả gia đình tới bệnh viện cấp cứu.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà cho biết rất may các bệnh nhân bị ngộ độc khí CO ở giai đoạn nhẹ, kịp nhận biết được tình trạng cơ thể để tới bệnh viện chữa trị kịp thời. Nhiều trường hợp nếu hít phải khí CO trong thời gian dài sẽ bất tỉnh, ảnh hưởng tính mạng.
Tại Hà Tĩnh, hai hôm nay trời trở rét, nền nhiệt dao động ở mức 13-17 độ C.
Đốt than, củi hoặc dùng bếp gas sẽ sản sinh ra lượng lớn khí carbon monoxide (CO), một loại khí độc được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng". Khí CO không màu, không mùi, không vị, do đó con người không thể tự nhận ra cho đến khi có triệu chứng sớm của ngộ độc CO như đau đầu, buồn nôn, khó thở, đau ngực, lú lẫn.
Mỗi năm vào mùa lạnh, Việt Nam ghi nhận nhiều ca ngạt khí do đốt củi, than hoa, than tổ ong, dùng bếp gas... trong phòng kín, nhiều trường hợp tử vong. Các vụ ngạt khí thường xảy ra ở vùng núi, nông thôn miền Bắc và Trung, nơi mùa đông nhiệt độ xuống thấp, người dân có thói quen dùng bếp đốt để sưởi ấm.
Chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không đặt các loại bếp củi, than hoặc gas trong phòng ngủ. Trường hợp dùng bếp để nấu ăn, nên đặt ngoài trời hoặc gần cửa ra vào, cửa sổ mở để đảm bảo thông gió.
Đức Hùng