Bệnh Alzheimer là một trong những nguyên nhân gây chứng giảm trí nhớ ở người già. Bệnh đặc trưng bởi sự mất dần các neuron thần kinh, synap trong vỏ não và một số vùng dưới vỏ. Bệnh có xu hướng nặng dần gây ảnh hưởng xấu tới các hoạt động hàng ngày và tư duy của người bệnh.
Theo nhiều khảo sát cho thấy, bệnh thường xuất hiện ở những người từ 60 tuổi trở lên. Nhưng căn bệnh này đang dần trẻ hóa trong xã hội hiện đại do lối sống không lành mạnh, cơ thể chịu áp lực từ nhiều phía.
Bệnh Alzheimer đang dần trẻ hóa trong xã hội hiện đại do lối sống không lành mạnh.
Thống kê cho thấy trên thế giới có ít nhất 50 triệu người đang sống chung với bệnh Alzheimer hoặc các hội chứng sa sút trí tuệ khác. Theo Liên Hợp Quốc, nếu không có những đột phá trong việc chẩn đoán và hạn chế bệnh, tỷ lệ này có thể vượt quá 152 triệu người vào năm 2050.
Dấu hiệu khi tắm cảnh báo bệnh Alzheimer
Mới đây, một nghiên cứu của trường Đại học Chicago (Mỹ) đã xác định được một số dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer, nhằm lên tiếng cảnh báo cho người dân phòng tránh loại bệnh này. Bệnh này hiện tại chưa có cách chữa trị, nhưng nếu phát hiện sớm sẽ hạn chế tiến triển của bệnh.
Cụ thể hơn, các nhà khoa học phát hiện rằng khứu giác của người mắc bệnh Alzheimer thường bị suy giảm mạnh, cho nên đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo sớm. Triệu chứng này thường dễ nhận thấy nhất khi bạn đang tắm – lúc mà cơ thể đang có nhiều mùi hương từ các sản phẩm chăm sóc da.
Nếu không ngửi thấy mùi sữa tắm khi tắm, hãy cẩn thận bệnh Alzheimer đang phát triển.
Hay nói cách khác, nếu khi tắm mà bạn không thể ngửi thấy được mùi sữa tắm, hoặc mùi dầu gội hoặc những thứ liên quan… thì hãy cẩn thận kẻo bệnh Alzheimer phát triển. Các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu khứu giác ở 515 người lớn tuổi, từ đó đưa ra được kết luận đầy hữu ích này.
"Nghiên cứu này đã chứng minh khứu giác có thể cảnh báo sớm một số loại bệnh, cụ thể là bệnh Alzheimer. Nhiều người hay bị nghẹt mũi và cảm cúm vào trời lạnh, không thể ngửi thấy gì nên hay bỏ qua dấu hiệu này. Nếu bạn vẫn không ngửi thấy mùi sữa tắm khi tắm, dù cơ thể khỏe mạnh không bệnh tật gì thì phải cẩn thận với Alzheimer" - Giáo sư Jayant M Pinto, một chuyên gia tại Đại học Chicago, chia sẻ.
Tắm cũng là lúc bạn nhìn kỹ bản thân mình, từ đó phát hiện sớm nhiều loại bệnh nguy hiểm.
Phòng tránh bệnh Alzheimer như thế nào?
Mặc dù, không có cách nào để hồi phục hay điều trị dứt điểm Alzheimer, nhưng với một số thói quen sinh hoạt gợi ý dưới đây có thể giúp bạn không chỉ phòng ngừa và cải thiện trí nhớ, mà còn góp phần giúp chất lượng cuộc sống tốt hơn:
- Chế độ ăn lành mạnh: Ăn một chế độ ăn giàu omega-3, chất chống oxy hóa và các loại thực phẩm tốt cho não bộ như rau xanh, hạt, cá hồi, dầu ôliu có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Tránh ăn quá nhiều thực phẩm chứa cholesterol cao và đường ngọt.
- Thường xuyên vận động: Duy trì lịch trình tập thể dục đều đặn có thể giúp cải thiện lưu thông máu đến não bộ, tăng cường trí nhớ và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Bạn có thể đi bộ, bơi lội, yoga hoặc aerobic... đều là các lựa chọn tốt.
- Giữ trí não hoạt động: Hãy cho trí não luôn hoạt động bằng việc học hỏi những điều mới, chơi giải đố, đọc sách, học một ngôn ngữ mới... Việc này giúp não bộ phát triển và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Nếu không mắc bệnh gì nhưng vẫn không ngửi thấy mùi sữa tắm, hãy cẩn thận Alzheimer.
- Giữ tinh thần lạc quan: Tránh căng thẳng, lo lắng quá mức và giữ cho tinh thần lạc quan có thể giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Nếu quá buồn phiền và áp lực, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc chuyên gia nếu cần thiết.
- Luôn ngủ đủ: Ngủ đủ mỗi đêm giúp cơ thể và não bộ có thời gian để phục hồi, làm mới bản thân. Thiếu ngủ có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần và tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Theo Dailystar, Healthline