Số ca sinh sống tại Liên minh châu Âu (EU) năm 2022 chạm mức thấp nhất kể từ năm 1960, theo dữ liệu EU công bố đầu năm 2024. Chỉ 3,88 triệu trẻ sơ sinh chào đời tại khu vực này vào năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên, con số xuống dưới 4 triệu.
Tỷ lệ sinh (số trẻ mỗi phụ nữ sinh ra) cũng giảm xuống, gần bằng mức của hai thập kỷ trước. EU hiện có tỷ lệ sinh thuộc nhóm thấp nhất thế giới, 1,5 trẻ trên mỗi phụ nữ trong khi con số lý tưởng là 2,1.
Italy từ lâu có tỷ lệ sinh thấp nhất. Tình trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng hơn các quốc gia thành viên khác. Trung bình, số trẻ mỗi phụ nữ sinh ra đã giảm từ 1,24 vào năm 2022 xuống 1,2 năm 2023. Các chuyên gia cho rằng nếu cuộc khủng hoảng dân số tiếp diễn, dân số 59 triệu người của Italy có thể giảm gần một triệu người vào năm 2030.
Theo Sabrina Prati, Tổng giám đốc Viện Thống kê Quốc gia Italy (INIS), cuộc khủng hoảng đã kéo dài trong nhiều năm: "Từ năm 2008 đến nay, quốc gia giảm khoảng 200.000 trẻ sơ sinh. Hai phần ba trong số đó là do các cặp đôi - bậc cha mẹ tiềm năng, không chịu sinh con".
Tỷ lệ sinh của các nước châu Âu giảm trong thời gian dài. Ảnh: Pexel
Tại Đức, tỷ lệ sinh giảm từ 1,57 con trên một phụ nữ năm 2021 xuống còn khoảng 1,36 vào mùa thu năm 2023. Viện Nghiên cứu Dân số Liên bang (BiB) đánh giá sự sụt giảm mạnh xảy ra hai năm liên tiếp là bất thường. Trước đây, tình trạng giảm sinh thường có xu hướng diễn ra chậm hơn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng một loạt các cuộc khủng hoảng như Covid-19, chiến tranh ở Ukraine, lạm phát và biến đổi khí hậu là những nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh giảm. Đồng tác giả nghiên cứu, Martin Bujard từ BiB, giải thích: "Trong thời điểm khủng hoảng đa chiều như vậy, nhiều người không thực hiện được mong muốn có con, hoặc không có ý định sinh con".
Tỷ lệ sinh ở Đức vẫn ổn định trong giai đoạn đầu của đại dịch, nhưng đã giảm xuống 1,4 khi Covid-19 diễn biến phức tạp. Các tác giả cho rằng nhiều phụ nữ ban đầu đã trì hoãn kế hoạch sinh con để tiêm vaccine, vì vaccine chưa được phê duyệt cho phụ nữ mang thai vào thời điểm đó. Tỷ lệ sinh phục hồi trở lại vào giữa năm 2022, nhưng giảm mạnh khi trong tình trạng lạm phát mùa thu.
Pháp không nằm ngoài cuộc khủng hoảng tỷ lệ sinh. Năm 2023, 678.000 trẻ em chào đời tại nước này, giảm 6,7% so với năm 2020 và 16% so với năm 2010. Tỷ lệ sinh hiện ở mức trung bình 1,68 con trên một phụ nữ, mức thấp nhất kể từ năm 1945.
Năm ngoái, tỷ lệ sinh ở Pháp lao dốc không rõ nguyên nhân. Nước này không trải qua xung đột chính trị hay khủng hoảng kinh tế lớn như Mỹ. Các chuyên gia cũng cho rằng tình trạng này không liên quan đến đại dịch. Tỷ lệ sinh của quốc gia suy giảm ổn định đến năm 2023.
Nguyên nhân chính là sự thay đổi trong mối quan hệ giữa hai giới tính. Các phụ nữ có trình độ học vấn cao ít khi chấp nhận vừa làm việc, vừa chăm sóc gia đình. Điều này khiến độ tổi trung bình khi sinh con của phụ nữ tiếp tục tăng, một lần nữa khiến tỷ lệ sinh giảm.
Tác động của cuộc khủng hoảng ngày càng rõ rệt. Tình trạng già hóa dân số gây ra nhiều vấn đề cho hệ thống y tế và lương hưu. Một trong những mục tiêu cốt lõi của các chính phủ là giải quyết vấn đề này.
Chỉ trong năm 2023, chính phủ Italy đã phân bổ khoảng một tỷ euro để thực hiện các biện pháp hỗ trợ phụ nữ làm mẹ và làm việc. Tuy nhiên, Ardiano Bordingnon, Chủ tịch Diễn đàn Gia đình Quốc gia (NFF), cho rằng điều này là chưa đủ. EU cần có sự can thiệp sâu sắc hơn.
Các quốc gia khác cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc trẻ em, giảm thuế và kéo dài thời gian nghỉ thai sản vẫn hưởng lương cho nhân viên. Một số công ty buộc phải tạo giờ làm việc linh hoạt cho lao động đang chăm sóc con nhỏ, mở nhà trẻ tại nơi làm việc.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng các chính sách như trên có thể làm chậm sự suy giảm nhưng không có cơ hội "lội ngược dòng". Bởi khi học vấn nữ giới càng cao, tham gia tích cực vào lực lượng lao động, có tài sản tích trữ thì cuộc sống của họ càng tốt hơn. Chị em không muốn đánh đổi thu nhập và triển vọng nghề nghiệp chỉ để làm mẹ. Vì thế, họ muốn có ít con hơn, thậm chí từ chối sinh đẻ.
Thục Linh (Theo Vox, Euronews, Lemonde, Polytechnique)