Minh tinh Đài Loan Từ Hy Viên vừa qua đời ở tuổi 49 do cúm và viêm phổi khi cùng gia đình du lịch Nhật Bản. Hàng năm, toàn cầu ghi nhận hàng trăm nghìn ca tử vong liên quan cúm mùa, như cô Từ.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, giải thích cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các loại virus cúm gây ra. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm cơ tim... Trong đó, viêm phổi diễn tiến rất nhanh và nặng, có thể cướp đi sinh mạng người bệnh, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, người già, người mắc bệnh nền, bệnh tự miễn, người làm việc quá sức, phụ nữ mang thai...
Tùy từng loại virus, cúm có thể gây những triệu chứng, diễn tiến nặng nhẹ khác nhau, theo bác sĩ Hùng. Ba chủng virus cúm ảnh hưởng tới người là cúm A, B, C. Trong đó, cúm A thường gặp nhất và gây biến chứng nguy hiểm, dẫn đến nhiều trận dịch, đại dịch ở các quốc gia. Chủng cúm này thường tổ hợp giữa các kháng nguyên H và N tạo ra các tác nhân gây bệnh như H5N1, H3N2, H1N1... Cúm A thường xuất hiện các biến chủng mới, thay đổi hàng năm, khả năng lây nhiễm cao.
Cuối năm ngoái, Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong sau khi mắc cúm A. Họ đều trên 50 tuổi, có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, nhập viện muộn. Trước đó, nam sinh 21 tuổi ở Khánh Hòa cũng tử vong do mắc cúm A/H5N1, từng đi bẫy chim hoang dã - là yếu tố dịch tễ có thể lây nhiễm bệnh.
Chủng cúm B cũng thường gây các vụ dịch lẻ tẻ, song không nặng như cúm A. Còn cúm C rất hiếm gặp, thường chỉ gây các triệu chứng nhẹ như sổ mũi, đau họng, tự khỏi sau một vài ngày.
"Trên lâm sàng, bác sĩ rất khó phân biệt được bệnh nhân nhiễm chủng cúm nào bởi triệu chứng ban đầu thường đều là viêm long đường hô hấp gây sốt cao đột ngột, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, ớn lạnh, đau họng, ho khan, chảy nước mũi, nước mắt, chán ăn", bác sĩ Hùng nói.
Hầu hết triệu chứng này tự biến mất sau khoảng 7-10 ngày. Thường khi bệnh nhân diễn tiến nặng, vào viện vì đau tức ngực, khó thở, bác sĩ làm xét nghiệm đánh giá mới xác định được tác nhân là chủng cúm nào.
Minh tinh Từ Hy Viên. Ảnh: Next Apple
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM, lưu ý người bệnh cúm cần vào viện ngay, không nên chủ quan trước các dấu hiệu chuyển biến nặng như sốt cao liên tục, thở mệt, hụt hơi. Ngoài biến chứng viêm phổi, người mắc bệnh cúm còn dễ tử vong vì bội nhiễm các vi khuẩn, virus nguy hiểm khác.
Cúm lây lan qua đường hô hấp, qua không khí giọt nhỏ, các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa virus cúm qua ho, hắt hơi. Virus vào cơ thể qua đường mũi họng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo phòng ngừa cúm bằng cách chích ngừa hàng năm, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ cao. Sát khuẩn, vệ sinh hầu họng, giữ vệ sinh răng miệng hàng ngày. Đeo khẩu trang, tránh những nơi quá đông người, tránh tiếp xúc những người có nguy ngờ bệnh cúm. Vệ sinh tay thường xuyên. Ăn uống nghỉ ngơi hợp lý để có sức đề kháng, tránh nhiễm lạnh ở người cao tuổi.
Khi mắc cúm, cần uống nhiều nước, đảm bảo đủ dinh dưỡng, dành thời gian nghỉ ngơi để tăng sức đề kháng chống chọi bệnh.
Lê Phương