Ngày 30/11, bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết việc gắp dị vật rất khó khăn do đỉa còn sống, có khả năng di chuyển và nằm ở vị trí hẹp, sâu. May mắn, dị vật được lấy ra thuận lợi, người bệnh tỉnh táo, dừng chảy máu mũi, xuất viện trong ngày.

Theo thông tin từ bệnh viện, bệnh nhân cho biết từ hồi tháng 8, bà đi rừng lấy măng, đã dùng nước ở khe suối. Trở về nhà, người phụ nữ bị nôn, khạc ra máu, chảy máu mũi. Bà đến khám tại một cơ sở y tế tư nhân, được chẩn đoán viêm xoang và kê thuốc điều trị. Sau hai tháng, tình trạng chảy máu không giảm, bà đến bệnh viện tỉnh kiểm tra.

AnhDaiDien-1802798577-2535-1669794094.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dbywPBRegPULcvrlNwJc0Q

Con đỉa sống trong mũi bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ cho biết, đỉa sống trong môi trường nước tại các khe suối, chui vào cơ thể người tắm hoặc uống trực tiếp nước suối. Chúng ký sinh bằng cách hút máu và to dần lên.

Khi bị đỉa chui vào mũi, biểu hiện thường gặp là cảm giác nhột trong lỗ mũi, xì, nghẹt, chảy máu mũi, đa số bị một bên. Các triệu chứng này dễ nhầm với viêm mũi dị ứng, viêm xoang. Đỉa to dần lên sẽ chèn ép đường thở, hút máu, ảnh hưởng sức khỏe.

Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên bơi lội, tắm hay uống nước tại khe suối hoặc môi trường nước không an toàn. Nếu có các dấu hiệu bất thường, cần đến bệnh viện khám sớm. Tuyệt đối không được tự ý gắp hay xử lý tại nhà có thể khiến dị vật mắc sâu hơn hoặc tổn thương đường thở.

Minh An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022