Nguyễn Phương Ngân, 24 tuổi, cao 1,54 m, bị tăng cân nhanh sau thời gian điều trị u nang, phải dùng nhiều thuốc nội tiết. Ngân bị lên mụn chi chít ở mặt, tái đi tái lại kèm nhiều bệnh nền nguy hiểm như gan nhiễm mỡ, thường xuyên đau lưng, đau khớp gối, "đến mức không thể leo thang bộ". Vòng eo hơn 100 cm khiến cô gái nhiều lúc không thể mua quần áo, chỉ trung thành với áo phông rộng, tối màu.
"Cuộc sống bị xáo trộn nhiều, thỉnh thoảng bất lực vì không dám ra đường", Ngân nói, thêm rằng giai đoạn này liên tục mất ngủ, thường thức giấc nửa đêm, rồi khóc một mình vì tổn thương nên càng ăn uống không kiểm soát.
Lúc này, Ngân nhận ra sức khỏe đang sa sút ở độ tuổi trẻ, khỏe nhất. "Phải giảm cân thôi", cô tự nhủ và bắt đầu tìm phương pháp phù hợp với mình.

Hành trình 'lột xác' sau khi giảm cân của Phương Ngân. Video: Thùy An
"Hành trình bắt đầu cuối năm 2023, với nhiều biến cố và cả sai lầm", Ngân chia sẻ. Đầu tiên, cô cắt tối đa tinh bột, giảm calo nạp vào ở mức thấp nhất thay vì cho cơ thể làm quen. Chế độ ăn không phù hợp khiến Ngân mệt mỏi, không tập trung, rệu rã, bị ngất khi đi làm vì suy kiệt.
Ngân áp dụng phương pháp giảm cân khác như Keto, nhịn ăn gián đoạn 16:8... vẫn không hiệu quả. Cô cũng không tập thể dục, chỉ cắt giảm chế độ ăn để giảm cân nhanh. "Mình tập trung vào số cân, nên liên tục bị áp lực khi chững cân, cân giảm chậm", Ngân nói. Càng vội vàng, cô càng ăn nhiều, cân nặng tiếp tục tăng.
Đến tháng 1/2025, Ngân nhận ra giảm cân là tự nguyện, "như thói quen, thay vì ép bản thân vào thử thách hay quy tắc khắt khe".
Do đó, Ngân thay đổi giờ giấc sinh hoạt, ngủ từ 22h và thức dậy lúc 5h, thay vì 2h-3h sáng mới đi ngủ. Theo nghiên cứu từ ĐH Chicago cho thấy ngủ thêm một tiếng mỗi đêm giúp cải thiện thói quen ăn uống. Đối với phụ nữ, những đêm thiếu ngủ có thể làm giảm GLP-1, một loại hormone báo hiệu cảm giác no. Thiếu ngủ có sự thay đổi trong hoạt động của não. Vùng não liên quan đến nhiệm vụ tìm kiếm niềm vui, phần thưởng sẽ phản ứng mạnh hơn với đồ ăn như kẹo, bánh, pizza, tạo sự thôi thúc mạnh mẽ hơn trước các thức ăn gây béo. Mất ngủ còn làm giảm hoạt động ở các bộ phận khác của não, khiến con người khó kiểm soát bản thân hơn.
Về chế độ ăn, Ngân vẫn ăn cơm trắng cùng với gia đình, bổ sung thêm nhiều chất xơ, ăn rau trước, sau đó đến protein, tinh bột. "Đây là quy tắc ăn bàn tay, rất phù hợp với người khó giảm cân như mình", cô nói. Ngân ăn đủ đạm, chất béo, bổ sung thêm trái cây, sữa để cơ thể khỏe mạnh, thay gì nhịn ăn như trước.
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhịn ăn là điều 99% người muốn giảm cân nghĩ đến đầu tiên. Đây là cách cắt giảm calo dễ nhận thấy nhất và cũng đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, nhịn ăn không đúng cách sẽ gây nguy hại khôn lường, ảnh hưởng sức khỏe.
Quy tắc giảm cân là lượng calo nạp vào cơ thể phải ít hơn hoặc bằng lượng calo tiêu thụ. Calo nạp vào cơ thể (calo in) một ngày gồm thức ăn, đồ uống. Calo tiêu thụ (calo out) là quá trình trao đổi chất, các hoạt động thông thường (kể cả hít thở hoặc ngủ) và việc tập thể dục.
Nếu áp dụng chế độ ăn uống thiếu khoa học như cắt giảm một trong 6 nhóm chất có thể dẫn đến hậu quả tức thời, gồm mệt mỏi, hạ đường huyết, ngất xỉu. Ngoài ra, hành động này còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy lâu dài, dẫn đến cơ thể thiếu hụt vitamin, khoáng chất, suy giảm hệ miễn dịch.

Trước khi giảm cân, Ngân thường tự ti, mặc cảm, stress. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ngân ăn, nhai chậm, thay vì ăn vội, nhiều để cảm thấy no lâu hơn. Cô tiêu thụ tất cả món mình thích nhưng chỉ ăn một nửa để hạn chế cơn thèm ăn. "Chẳng hạn, khi ăn bánh ngọt, mình chỉ ăn một nửa chiếc bánh, phần còn lại cất vào tủ lạnh để đánh lừa cơ thể", Ngân nói.
Hoặc khi đi ăn nhà hàng, cô thường gọi nửa phần để dễ kiểm soát, "vừa ăn ngon, vừa không bị tăng cân". Khi đói, Ngân bổ sung thêm các loại quả có hàm lượng đường thấp như dưa chuột, củ đậu, bưởi, thanh long, táo và hạn chế xoài, sầu riêng.
Bí quyết khác, Ngân thay đổi cách chế biến thực phẩm, ưu tiên luộc, hấp, áp chảo và hạn chế món ăn dầu mỡ, nhiều chất béo.
"Muộn phiền ôm bệnh tật, mình thấy mình chỉ đang thay đổi cách sống lành mạnh, khoa học chứ không phải cuộc chiến giảm cân như mọi người nghĩ", Ngân nói.
Ngoài ăn uống, Ngân tập gym 1-2 tiếng mỗi ngày để đốt mỡ nhanh hơn. Khi tập, cô lắng nghe cơ thể, tăng dần thời gian tập thay vì tập nặng ngay từ đầu.

Ngân từng áp dụng nhiều phương pháp giảm cân sai lầm, khiến cơ thể mệt mỏi, stress nặng nề hơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hiện, Ngân muốn học thêm kiến thức về dinh dưỡng để chăm sóc sức khỏe cho mình và gia đình tốt hơn. Cô duy trì cân nặng 58 kg, mục tiêu giảm xuống 54-55 kg. Gần đây, Ngân chia sẻ hành trình của mình trên mạng xã hội để truyền động lực đến mọi người.
"Những kinh nghiệm này đều là trải nghiệm cá nhân, hy vọng mọi cô gái vượt qua vùng an toàn để trở thành phiên bản tốt nhất", Ngân chia sẻ.
Với Ngân, hành trình này chỉ vất vả thời gian đầu, thường dễ bỏ cuộc. "Mình mất hơn một năm để nghiêm túc và lựa chọn phương pháp hiệu quả nhất", cô nói. Ngân cảm thấy cơ thể ngày càng khỏe mạnh hơn, không còn bị ốm vặt, không đau mỏi vai gáy, giảm mụn, da đẹp hơn. Cô ngủ ngon và sâu giấc, leo cầu thang không còn bị hụt hơi sau khi giảm gần 30 kg.

Giảm cân thành công, Ngân chia sẻ hành trình của mình lên mạng xã hội, được mọi người ủng hộ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thùy An