"Hiện em rất khỏe mạnh, hạnh phúc khi được sống với lá phổi mới và tràn đầy năng lượng trong từng nhịp thở", cô gái nói tại lễ xuất viện ngày 29/3, thêm rằng sẽ tiếp tục công việc học hành bị dang dở trước đó. Bệnh nhân cũng cảm ơn các y bác sĩ, điều dưỡng đã luôn tận tâm, chăm sóc cô suốt mấy tháng qua.
"Em rất biết ơn, sẽ cố gắng sống một cuộc sống thật tốt để xứng đáng với bao nỗ lực của các bác sĩ và của người đã hiến tặng lá phổi", cô nói thêm.
Cô gái quê Bắc Kạn trước đó phải bỏ học vì bệnh phổi đục lỗ. Đây là bệnh hiếm gặp, tạo các kén khí trong hai lá phổi, lan tỏa và làm mất chức năng phổi. Tình trạng này khiến cô gái phải thở oxy dài hạn tại nhà, luôn cần người hỗ trợ cho các hoạt động hằng ngày. Nếu không được ghép phổi, khả năng tử vong chỉ trong vòng vài tháng.
Cô may mắn được ghép phổi trong ca mổ 12 tiếng kéo dài đến đêm giao thừa 2024. Người cho tạng là nam thanh niên 26 tuổi chết não do tai nạn giao thông.
Cô gái (thứ hai từ phải sang) xuất viện ngày 29/3 sau hai tháng ghép phổi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
TS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, chia sẻ hành trình ghép phổi cứu sống cô gái này mang đến cho những thầy thuốc vô vàn cảm xúc. Ngay khi nhận được thông tin có người hiến tạng từ Bệnh viện 108, bệnh viện đã huy động gần 100 nhân lực trực tiếp tham gia ca ghép, phối hợp nhiều đơn vị khác.
Ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt. Bác sĩ phải đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận rất chặt chẽ. Quy trình lấy phổi và ghép phổi phức tạp đòi hỏi kỹ thuật cao từ khâu bảo quản, vận chuyển, kiểm soát nhiễm khuẩn, gây mê hồi sức, tim mạch, phẫu thuật lồng ngực, dược, huyết học, miễn dịch, phục hồi chức năng, dinh dưỡng... Quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng là yếu tố quyết định sự sống của người bệnh.
"Ca ghép thành công là dấu mốc lớn ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc, mở ra cơ hội cứu được hàng nghìn người bệnh mà chỉ thay phổi mới cứu chữa được", TS lượng nói.