Chiều ấy, trời ngả một màu xám bạc, u uất như một bức màn chuẩn bị khép xuống cho một buổi kịch buồn. Anh bước vào phòng khám, chống nạng. Đôi mắt anh không buồn, nhưng cũng chẳng còn ánh hy vọng. Khi vén ống quần lên, tôi lặng người.

Bàn chân phải của anh… không giống bất kỳ bàn chân nào khác tôi từng thấy trong suốt những năm làm nghề. Nó phù, nhưng không phải kiểu phù nước thông thường. Các ngón chân xoè ra như những bông hoa, cảm giác "múp" như những cánh hoa một cách khó hiểu. Bởi bên trong đó... không còn xương - các xương ngón chân của anh đã tự tiêu dần hết.

47066383588813973519745567139240359880772972n-17454790494561489651794-1745486083933-1745486084272178435690-1745496945290-1745496948666822076619.jpg

Hình ảnh bàn chân của bệnh nhân

Anh kể, hơn ba năm trước, chỉ sau một chấn thương nhỏ trong lúc đi bộ, bàn chân anh bắt đầu đau âm ỉ. Khi đi khám, người ta phát hiện một mảnh xương bàn chân tách rời. Họ mổ lấy ra, băng bó cẩn thận. Nhưng từ đó, cuộc đời anh rẽ sang một ngả khác.

Tình trạng phù của anh không giảm, cứ tăng đều. Và điều nghiêm trọng hơn là các xương cứ tiêu dần dần từ dưới lên trên. Nó đã lan đến cẳng chân.

Đã 3 năm anh chạy đua với các cuộc chữa trị mà không biết thủ phạm gây ra. Từ quê Kon Tum xa xôi, anh đi dọc Bắc Nam nhưng các bác sĩ lắc đầu. Lẽ nào y học đã bó tay?

Nhiều lần chụp MRI, X-quang, siêu âm mạch máu, tất cả chỉ ghi nhận một tình trạng viêm xương mạn, có thiểu dưỡng xương! Không có gì chỉ ra thủ phạm. Không u, không tắc mạch, không tổn thương thần kinh... nhưng xương vẫn cứ tan biến như thể bị "ăn mòn" bởi một thứ vô hình.

Không tìm được thủ phạm gây tiêu xương, không ai biết sẽ phải làm gì với anh ấy, cứ để cho chuyện quái quỷ này diễn tiến. Cảm giác thật bất lực!

47069908788813774019765513690946763201014223n-1745479060436955608627-1745486156286-17454861565261784521301-1745496949349-17454969494951805559588.jpg47064600788813766819766238767455242896953685n-17454790848072104249542-1745486157619-1745486157787830284212-1745496950063-17454969505381434680460.jpg

Hình ảnh chụp X-quang bàn chân của bệnh nhân

Bắt đầu lại, từ hai dấu vết duy nhất…

Tiếp nhận ca bệnh, tôi bắt đầu từ 2 "đầu mối" quan trọng.

Thứ nhất, tiêu xương không tạo xương mới. Đây là điều kỳ lạ nhất. Tổn thương tiêu xương của anh rất kỳ lạ, nó chỉ có tiêu xương đơn thuần, mà không hề có phản ứng tạo xương bù trừ (viền đặc xương) xung quanh. Điều này cho thấy, đã có 1 lý do gì đó, khiến cho xương ở khu vực này kích hoạt mạnh tế bào huỷ xương (osteoclasts), mà ức chế hoạt động tế bào tạo xương (osteoblasts). Ngoại trừ trong một số loại ung thư đặc biệt (đã loại trừ trên sinh thiết), nó phản ánh vi môi trường ở đây "độc hại" với xương.

Thứ hai, phù chân phải cố định suốt ba năm. Đây là phù khu trú, không toàn thân - cho thấy bất thường cục bộ, không liên quan tới tim, gan hay thận. Nhưng mạch máu không có gì lạ, vậy cái gì đang chặn dòng dịch ở chân phải? Anh đã làm kiểm tra động tĩnh mạch nhiều lần nhưng không thấy bất thường gì. Sau khi hỏi han kỹ hơn, tôi phát hiện khi anh đưa chân phải lên cao, sẽ có một khối "phồng" lên ở mặt trong đùi chân phải.

… và "kẻ giấu mặt" lộ diện

"Có bất thường giải phẫu nào khác ta bỏ qua không?", tôi nghĩ. Và rồi tôi nhận ra, đó là MẠCH BẠCH HUYẾT.

Sau khi máu động mạch từ tim mang oxy và dưỡng chất đến các mô, nó sẽ chia nhỏ thành các mao mạch, với các lỗ li ti ở trên thành mạch, từ đó thoát ra một lượng lớn dịch và các quá trình trao đổi giữa trong, ngoài lòng mạch.

Không phải toàn bộ, mà chỉ tầm 1/3 lượng dịch này sẽ quay lại trong lòng mạch để tập hợp về tĩnh mạch quay ngược về tim. 2/3 trong số đó, sẽ vẫn ở lại mô, còn gọi là "mô kẽ", đây là nơi mà hệ miễn dịch và môi trường "đụng chạm nhau" nhiều nhất.

Các vi trùng khi lấn vào cơ thể cũng xâm nhập vào mô kẽ đầu tiên. Cho nên, dịch ở đây chủ yếu là bạch cầu. Tạo nên một chất dịch màu trắng, có tên là "bạch mạch".

cautaovachucnangcuahebachhuyet19d79758f36-17454792904471041132823-1745486084878-17454860849641480136311-1745496951148-1745496951258607825473.jpg

Hệ bạch huyết trong cơ thể

Ít người để ý đến mạch bạch huyết, vì nó không có hình thù rõ ràng như động mạch hay tĩnh mạch. Nó là không gian lỏng lẻo giữa các tế bào - nơi chứa dịch kẽ, nơi hệ miễn dịch chạm mặt kẻ thù đầu tiên.

Chỉ 1/3 dịch mô quay lại tĩnh mạch, còn lại sẽ đi theo con đường bí ẩn này - dòng bạch mạch, mang theo bạch cầu, xác vi khuẩn, protein thừa… Nếu hệ này tắc nghẽn, dịch sẽ ứ đọng, mô sẽ viêm, xương sẽ chết vì thiếu dưỡng chất và đầy độc tố.

Tôi bắt đầu nghi ngờ một dị dạng bạch mạch, và may mắn có sự hỗ trợ từ một chuyên gia hình ảnh học bạch mạch tại bệnh viện.

Chúng tôi thực hiện chụp bạch mạch với thuốc cản quang - gần 10 mũi tiêm vào cả hai bàn chân và 4 giờ theo dõi chậm rãi từng giọt dịch.

Kết quả làm cho chúng tôi vỡ oà: Bạch mạch vùng chân phải ứ đọng rõ rệt trong mô, trải dài từ bàn chân đến mặt trong đùi phải, so sánh với bên trái hoàn toàn bình thường.

Và rồi, cái tên cuối cùng cũng hiện ra…

Vậy là anh đã được chẩn đoán xác định một bệnh lý rất hiếm: Bệnh Gorham-Stout - do chính dị dạng bạch mạch, làm ứ đọng lưu thông bạch huyết ở khu vực này. Một phần làm giảm dinh dưỡng nuôi xương, một phần là các bạch cầu ứ đọng sẽ kích hoạt trong vùng này bởi sự hiện diện của vi sinh vật hoặc chính các sản phẩm thải không được dọn dẹp kịp thời. Đấy chính là nguyên nhân khiến xương của anh bị tiêu liên tục.

Bệnh Gorham-Stout (GSD), còn được gọi là bệnh xương biến mất, tiêu xương hàng loạt và hơn nửa tá thuật ngữ khác trong tài liệu y khoa, là một rối loạn xương hiếm gặp đặc trưng bởi tình trạng mất xương tiến triển (tiêu xương) và sự phát triển quá mức (tăng sinh) của các mạch bạch huyết.

Hành trình tiếp theo... và bệnh nhân không có "cơ hội bị tàn phế"

Không còn là bí ẩn, nhưng giờ là cuộc đua với thời gian.

Giải pháp cho anh bây giờ là phải bằng mọi cách khai thông dòng bạch mạch này, bằng cách phẫu thuật nối bạch mạch với tĩnh mạch hoặc hạch bạch huyết lân cận; kèm dùng thuốc chống tiêu xương và chống tăng sinh mạch. Chặng đường tiếp cũng không dễ dàng gì, nhưng anh còn cơ hội để không bị tàn phế!

Đêm đó, tôi ngồi lại một mình, nhìn phim X-quang cũ. Tôi chợt nghĩ, y học chưa bao giờ hết lạ kỳ. Có những căn bệnh không đến để giết chết bệnh nhân mà chỉ để thử thách niềm tin vào sự sống!

(Chia sẻ của BS Trúc Phan - BV Đa khoa Vinmec)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022