Ngày 23/5, Công an tỉnh Lào Cai xác định hai cơ sở dùng hóa chất độc hại 6-Benzylaminopurine (6-BAP) - nguyên chất, để sản xuất giá đỗ, bán ra thị trường hàng trăm tấn mỗi năm. Chủ hộ đã khai nhận dùng chất 6-BAP pha với nước vôi trong để ngâm ủ giá đỗ nhằm làm cho giá đẹp, không ra rễ, sản lượng thu hoạch cao.
Tháng trước, công an tỉnh Nghệ An bắt 4 chủ cơ sở ở TP Vinh vì sản xuất 3.500 tấn giá đỗ có sử dụng "nước kẹo" - tên khoa học là 6-Benzylaminopurine (6-BAP) - nguyên chất, và 150 lít dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ.
PGS.TS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết 6-BAP thúc đẩy sự phát triển của cây, giúp giá đỗ mọc nhanh, mập đẹp. Tuy nhiên, chất này không được phép sử dụng cho thực phẩm do nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.
Tiếp xúc với 6-BAP có thể gây kích ứng niêm mạc tiêu hóa, dẫn đến buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhất là ở trẻ nhỏ hoặc người có bệnh dạ dày. Về lâu dài, chất này tiềm ẩn nguy cơ gây dị tật bẩm sinh nếu thai phụ tiếp xúc thường xuyên, trẻ nhỏ cũng dễ bị ảnh hưởng. Mặc dù chưa xác định được liều lượng cụ thể tồn dư trong giá đỗ, song sử dụng lâu dài có thể tăng nguy cơ ung thư.
Tại Việt Nam, 6-BAP không nằm trong danh mục được phép sử dụng cho thực phẩm hay thuốc bảo vệ thực vật. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (US EPA) cũng cảnh báo chất này có thể gây kích ứng mắt, niêm mạc thực quản và dạ dày.
Theo TS Khuất Quang Sơn, giảng viên Đại học Phòng cháy Chữa cháy, 6-BAP tồn tại ở dạng rắn, không màu, không bay hơi dưới 100°C nên rất khó nhận biết bằng mắt thường. Chất này có thể tích tụ trong cơ thể khi tiêu thụ. Tuy vậy, nếu lượng phơi nhiễm dưới 0,01 mg/kg thể trọng/ngày thì nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe không đáng kể. Để đánh giá chính xác độc tính, cần xét nghiệm lượng tồn dư hóa chất trong giá đỗ và mức tiêu thụ trung bình hàng ngày.

Hình ảnh giá đỗ bị công an phát hiện. Ảnh: Công an tỉnh Lào Cai
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ cách phân biệt giá đỗ sạch với giá đỗ ngâm hóa chất như sau:
- Giá sạch mọc tự nhiên, thân mảnh, gầy, phát triển không đều. Rễ dài 3-7 cm, nhiều lông tơ, lá mầm nhỏ màu xanh nhạt, thường dính vỏ đậu.
- Giá dùng hóa chất có thân to, mập, đều, không cong; rễ ngắn, thân trắng bệch, mọng nước, nhìn không tự nhiên.
- Khi ăn, giá hóa chất xốp khô, không thơm, vị nhạt, nhiều nước khi nấu, có thể bảo quản ở nhiệt độ thường nhiều ngày không hỏng. Giá sạch màu trắng ngà hoặc hơi xanh, có mùi đậu, nhanh úng hỏng sau 1-2 ngày để ngoài trời.
- Ngoài ra, khi cắt thân nếu thấy nhiều nước, xốp bất thường, có thể giá đỗ đã dùng hóa chất. Có thể ngâm nước muối loãng vài phút để quan sát màu, mùi giá.
Thùy An