Ngày 29/8, bác sĩ Nguyễn Doãn Thái Hưng, phụ trách Khoa Phẫu thuật Tim mạch, cho biết cô gái 20 tuổi vào viện vì khó thở khi gắng sức, phù hai chân, vàng da, nôn ói nhiều. Bác sĩ xác định người bệnh suy tim phải nặng, tổn thương gan. Chẩn đoán hình ảnh ghi nhận khối u ở tim, tổn thương lao đa cơ quan (phổi, ruột) đang tiến triển.

Các bác sĩ hội chẩn, quyết định điều trị tích cực tổn thương lao trong hai tuần để bệnh nhân ổn định sức khỏe. Sau đó, cô gái được chuyển phòng mổ thực hiện phẫu thuật loại trừ khối u và sửa chữa các thương tổn do u gây ra trên tim, hôm 25/8. Khối u nhầy nhĩ phải được lấy ra ngoài có kích thước 10x9,5x5,5 cm.

u-nha-y-o-tim-copy-5913-1661758436.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Mo6BxD0hMDLpuLF66yVKJg

Khối u được phẫu thuật lấy ra ngoài. Ảnh: Chính Trần

"Khối u chiếm toàn bộ buồng nhĩ phải, thòng vào thất phải, gây suy tim phải, gan to, giãn tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch chủ dưới", bác sĩ chia sẻ. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản sau mổ 15 giờ, đang tiếp tục điều trị phục hồi. Anh trai bệnh nhân, hiện 27 tuổi, từng phẫu thuật điều trị u nhầy nhĩ trái tại bệnh viện, 5 năm trước.

Theo các báo cáo được công bố tại Việt Nam, đây là ca bệnh u nhầy nhĩ phải có kích thước lớn nhất từng được điều trị thành công. Đây cũng có thể là một trong những khối u nhầy có kích thước lớn nhất được công bố trên thế giới (khối u nhầy lớn nhất kích thước 10x6x8 cm do tác giả Nina công bố năm 2012), theo bác sĩ Hưng.

Bên cạnh đó, đây cũng là trường hợp u nhầy nhĩ phải thứ hai được phát hiện và phẫu thuật trong hai năm qua tại bệnh viện. Cả hai đều có kích thước rất lớn, thuộc loại khổng lồ, được phát hiện muộn, khi u đã gây ra biến chứng.

"Có thể do u nhầy ở vị trí tim phải tỷ lệ gây biến chứng cấp tính thấp hơn ở tim trái, vì vậy khối u có thể tồn tại và phát triển rất lâu trong cơ thể bệnh nhân", bác sĩ phân tích.

Với những khối u kích thước nhỏ, cuống gọn, có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn hoặc nội soi, thậm chí không cần ngưng tim. Trường hợp bệnh nhân này, khối u quá lớn nên bác sĩ phải mổ hở qua đường chẻ dọc giữa xương ức. Quá trình phẫu thuật phải hết sức nhẹ nhàng, chỉ cần một bất cẩn nhỏ có thể để lại hậu quả và di chứng nặng nề.

ba-c-si-kie-m-tra-be-nh-nha-n-8296-1140-1661758436.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sWH2ic9RfN1POQRdjY8R1A

Bệnh nhân được theo dõi sau phẫu thuật. Ảnh: Chính Trần

U tại tim chiếm tỷ lệ rất nhỏ, trong đó u nguyên phát là rất hiếm. U nhầy là loại u nguyên phát ở tim thường gặp nhất, chỉ chiếm tỷ lệ 0,0017% trong dân số chung. U nhầy phát triển từ các tế bào trung mô của lớp nội tâm mạc, là loại u lành tính. U nhầy nhĩ trái chiếm đa số còn nhĩ phải chỉ chiếm 15-20%, chủ yếu gặp ở nữ, thường ở độ tuổi từ 30-60. Triệu chứng thường gặp là khó thở, phù.

Kích thước u nhầy thay đổi từ 1 cm đến 15 cm, các u được gọi là lớn khi có đường kính trên 5 cm. U nhầy nhỏ thường ít khi gây triệu chứng, bệnh nhân thường chỉ tình cờ phát hiện qua khám sức khỏe, trong khi các u lớn sẽ gây các cản trở dòng chảy về nhĩ phải, thương tổn cấu trúc van ba lá, thậm chí tổn thương các cơ quan khác như gan hoặc vỡ u gây thuyên tắc phổi. Do đó, cần phải được phẫu thuật cắt bỏ càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện.

Trong 5 năm đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn nên định kỳ kiểm tra siêu âm tim mỗi 6 tháng để phát hiện tái phát sớm nếu có.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022