Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Thắng, nguyên Trưởng khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhân dân 115, cạo gió, còn gọi đánh gió, là phương pháp chữa bệnh được Đông y chấp nhận sử dụng và đưa vào giảng dạy trong bộ môn Y học cổ truyền.

"Cách chữa dân gian này có tác dụng với người bị cảm mạo", bác sĩ Thắng nói. Đây là cách dùng một vật dụng bằng bạc (đồng xu, chiếc thìa, dây bạc, lòng trắng trứng gà...), đánh/cạo trên da ở khu vực đang nhức mỏi, đau cho đến khi hằn lên những vệt đỏ. Dân gian cho rằng vệt trên da càng đỏ càng chứng tỏ "ra nhiều gió" và sẽ mau khỏe.

Còn bác sĩ Nguyễn Trương Minh Thế, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP HCM, cho biết, trong đông y, cạo gió được dùng điều trị các triệu chứng nhức đầu, sổ mũi, đau mình do thay đổi thời tiết, giảm uống thuốc tây y. Bệnh cảm cúm trong 3-5 ngày đầu hầu như không có thuốc đặc hiệu, chỉ điều trị nhằm giải quyết triệu chứng và hạ sốt. Sau 4-5 ngày, nếu có những triệu chứng bội nhiễm, nhiễm vi khuẩn, người bệnh phải dùng thuốc chứa kháng sinh, kháng viêm.

"Các triệu chứng cảm do thời tiết vốn rất nhẹ, đánh gió 1-2 lần trong 3 ngày đầu sẽ giảm dần. Nếu bệnh nhân không đỡ thì có thể do sốt xuất huyết hoặc các bệnh lý khác, cần đưa đến bệnh viện xét nghiệm để trị đúng bệnh", bác sĩ nói.

-1948-1666946919.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=l7R9BQIrjHlSsgrfNjDFqw

Dây bạc đổi màu sau khi chị Giang dùng để cạo gió cho người nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo bác sĩ Thế, đánh gió bằng lòng trắng trứng và bạc là kinh nghiệm gia truyền đã được ứng dụng trên lâm sàng. Cách này là luộc trứng gà, chỉ để lại lòng trắng, cho bạc nguyên chất vào trong trứng, sau đó lấy khăn gói lại và nhúng vào nước ấm. Dùng khăn này đánh gió đều trên vùng cổ, gáy và lưng của người bệnh. Nhiệt độ của nước ấm từ khăn gói trứng và bạc khi tiếp xúc với da giúp giãn nở mạch máu, thư giãn các cơ đang co rút, làm quá trình trao đổi chất diễn ra tốt hơn, giảm mỏi cơ, thời gian cảm 5-7 ngày được rút ngắn còn 1-2 ngày.

Tuy vậy, theo các bác sĩ, nhiều người đang cạo gió sai cách, hoặc hiểu sai về phương pháp này. Ví dụ, một số người nghĩ phải cạo gió mạnh cho da nổi vệt càng đỏ càng chứng tỏ "ra nhiều gió", như vậy mới hiệu quả. Bác sĩ Thế cho biết quan điểm này là sai lầm. Trên thực tế, kỹ thuật cạo gió rất nhẹ nhàng, giúp sơ thông kinh lạc ở cơ bên ngoài nên da chỉ cần ửng hồng. Ngoài ra, dùng nước nóng hoặc kỹ thuật đánh quá mạnh sẽ làm bỏng, rát và nhiễm trùng da.

Nhiều người cũng cho rằng khi cạo gió, bạc càng đổi màu càng chứng tỏ "ra gió". Như chị Giang, 34 tuổi, ở Hà Nội, chia sẻ ba lần cạo gió cho chồng bằng sợi dây bạc, "đến khi sợi dây bạc chuyển thành màu xanh đen là anh khỏe hẳn". Tuy nhiên, bác sĩ Thế giải thích mồ hôi tiết ra từ cơ thể người bệnh mang nồng độ chất khoáng khác nhau, khiến bạc khi tiếp xúc có màu sắc đa dạng.

"Với nhóm nhạy cảm như trẻ nhỏ, phụ nữ có thai hoặc người lớn tuổi, suy nhược, khi dùng biện pháp cạo gió nên chú ý nhẹ nhàng", bác sĩ Thế nói.

Bác sĩ Thắng cũng khuyến cáo không nên cạo lên cột sống. Không dùng phương pháp này cho trẻ dưới một tuổi, người tăng huyết áp, có vết trầy xước trên da, hoặc người có các bệnh cấp cứu như khó thở, mất ý thức...

Hải Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022