ap-xe-vanh-tai-16790445134651257807836-crop-1679044519265273914538-1679062549204-1679062549987561981940.jpg

Bệnh nhân bị áp xe vành tai sau bấm khuyên. Ảnh: BVCC

Trường hợp bệnh nhân N.L.P. (18 tuổi) là một ví dụ, sau khi bấm khuyên ở vành tai trái 2 ngày thì xuất hiện sốt, sưng nề, đau nhiều, chảy mủ vàng ở vị trí bấm khuyên tai.

Mặc dù bệnh nhân đã được điều trị tại cơ sở y tế 2 tuần nhưng các triệu chứng cải thiện không đáng kể nên phải chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp tục điều trị. Lúc này, bệnh đã nặng hơn rất nhiều, sụn vành tai đã bị tiêu một phần.

Các bác sĩ phải tiến hành rạch mở rộng ổ áp xe để vệ sinh cắt lọc sụn viêm và chăm sóc hàng ngày. Sau điều trị, tình trạng viêm cải thiện hoàn toàn, nhưng để lại di chứng là vành tai bị biến dạng. Đây là một hậu quả rất nặng nề về thẩm mỹ cho người bệnh.

Theo các bác sĩ, trong các vị trí bấm khuyên trên cơ thể thì viêm tấy hoặc áp xe ở vành tai chiếm tỷ lệ gặp biến chứng cao nhất và nặng nhất. Nguyên nhân thường gặp do người bệnh bấm khuyên tai ở cơ sở không đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn hoặc không tuân thủ chăm sóc sau thủ thuật.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Nên tìm hiểu kĩ và bấm khuyên tai hay các vị trí khác trên cơ thể tại cơ sở y tế được cấp phép và đủ điều kiện kiểm soát nhiễm khuẩn.

Khi có các biểu hiện bất thường như sưng tấy lâu ngày, mưng mủ tại vị trí bấm khuyên, nên đến ngay cơ sở y tế để được điều trị sớm, tránh hậu quả đáng tiếc sau này.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022