Blue Zones, còn gọi Vùng Xanh, là khái niệm dùng để chỉ những khu vực địa lý trên thế giới mà ở đó, môi trường trong lành, thiên nhiên tươi đẹp, không bị ô nhiễm nhờ sự bảo vệ của cộng đồng và chính quyền địa phương. Vùng Xanh còn là khu vực sinh sống của nhiều loài thủy hải sản, tập trung nhiều cây xanh và sông suối. Hiện trên thế giới có 5 vùng xanh gồm Okinawa (Nhật Bản), Sardinia (Italy), Nicoya (Costa Rica), Ikaria (Hy Lạp) và Loma Linda (Mỹ). Đây cũng là những nơi con người sống lâu và khỏe mạnh, ít bệnh tật.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra hầu hết người dân Vùng Xanh đều ăn cá nhưng không nhiều, nhiều nhất là 3 oz (khoảng 85 g) và 3 lần/tuần. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ phát hiện ăn càng nhiều cá thì lượng thủy ngân trong máu càng cao.
Song, những người sống trên 100 tuổi ở Vùng Xanh có xu hướng tiêu thụ các loại cá nhỏ vì cho rằng động vật này chứa ít thủy ngân. Họ ăn ít cá ngừ, cá hồi, cá rô phi và tiêu thụ nhiều cá mòi, cá cơm, cá trích và cá thu, cá tuyết. Đây là những loài ở giữa chuỗi thức ăn, không tiếp xúc với hàm lượng thủy ngân cao hoặc các hóa chất khác như PCB.
Tiến sĩ Valter Longo, người đứng đầu Viện Trường Thọ tại Đại học Nam California, cũng nhấn mạnh chỉ "hai hoặc ba" phần cá mỗi tuần là tốt nhất cho "chế độ ăn trường thọ" của người lớn. "Ăn chay trường là chủ yếu, cộng thêm một ít cá", ông viết trong một bài đăng trên blog cá nhân.
Ông cũng khuyến nghị lựa chọn các loại cá giàu omega-3, omega-6, chất béo lành mạnh, cùng vitamin B12, trong khi tránh xa các loài hải sản có hàm lượng thủy ngân cao.

Cá mòi thường được sử dụng trong chế độ ăn của người dân Vùng Xanh. Ảnh: Bùi Thủy
Thủy ngân là một kim loại nặng có trong không khí, nước và đất. Con người có thể tiếp xúc với chất độc này theo nhiều cách, như hít phải hơi thủy ngân trong quá trình khai thác mỏ và làm việc trong các hoạt động công nghiệp. Một số loại cá và động vật có vỏ nguy cơ hấp thụ một lượng nhỏ nồng độ thủy ngân trong nguồn nước bị ô nhiễm. Nhiều trường hợp bị phơi nhiễm thủy ngân do ăn phải thực phẩm nói trên.
Nhìn chung, những loại cá lớn hơn và sống lâu hơn có xu hướng chứa nhiều thủy ngân, bao gồm: Cá mập, kiếm, cá ngừ tươi, cá marlin, cá thu vua. Những loài này có xu hướng ăn nhiều loại cá nhỏ hơn, bản thân những cá nhỏ này cũng đã chứa một lượng nhỏ thủy ngân. Vì chất này không dễ bài tiết ra khỏi cơ thể nên hàm lượng thủy ngân trong cá sẽ tích tụ theo thời gian.
Mỹ Ý (Theo Mirror)