Cần phải hiểu rằng việc có một yếu tố nguy cơ, thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ, không có nghĩa là bạn chắc chắn mắc bệnh. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ gây ung thư vú là những thứ chúng ta không thể thay đổi, chẳng hạn như tuổi tác và yếu tố di truyền.
Dưới đây, TS.BS Phạm Nguyên Quý (Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren) chỉ ra những yếu tố nguy cơ ung thư vú mà chúng ta không thể thay đổi được như sau:
1. Giới tính
Đàn ông cũng có thể bị ung thư vú, nhưng phụ nữ dễ mắc bệnh này hơn.
2. Tuổi tác
Khi già đi, nguy cơ ung thư vú của bạn tăng lên. Nguy cơ mắc ung thư vú gần như gấp đôi sau mỗi 10 năm. Đa số ung thư vú phát triển ở phụ nữ sau 50 tuổi.
3. Kế thừa những thay đổi gen nhất định
Khoảng 5% đến 10% trường hợp ung thư vú được cho là do di truyền, nghĩa là chúng liên quan trực tiếp với những thay đổi (đột biến) gen được truyền từ cha hoặc mẹ. Trong danh sách các gene di truyền phổ biến liên quan tới ung thư vú, BRCA1 và BRCA2 là phổ biến nhất. Trong các tế bào bình thường, những gen này giúp tạo ra các protein sửa chữa DNA bị hư hỏng. Các phiên bản đột biến của những gen này có thể dẫn đến sự phát triển tế bào bất thường, có thể dẫn đến ung thư.
Nếu thừa hưởng một bản sao đột biến của 1 trong 2 gen từ cha hoặc mẹ, bạn sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Một phụ nữ có đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 có tới 70% khả năng bị ung thư vú ở tuổi 80. Nguy cơ này cũng bị ảnh hưởng bởi số lượng thành viên khác trong gia đình bị ung thư vú.
Phụ nữ có một trong những đột biến này có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú ở độ tuổi trẻ hơn, cũng như bị ung thư ở cả hai vú. Nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng và một số bệnh ung thư khác cũng cao hơn.
Các đột biến gen khác là ATM, PALB2, TP53, CHEK2, PTEN, CDH1, STK11 cũng có thể dẫn đến ung thư vú di truyền nhưng ít phổ biến hơn nhiều và không làm tăng nguy cơ ung thư vú cao như gene BRCA.
4. Có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú
Nếu có mẹ, chị em gái hoặc con gái ruột bị ung thư vú, bạn sẽ tăng gần như gấp 2 nguy cơ bị ung thư vú. Phụ nữ có cha hoặc anh trai bị ung thư vú cũng có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
5. Từng bị ung thư vú
Phụ nữ bị ung thư vú ở một bên thường có nguy cơ mắc ung thư vú ở cùng bên (vị trí khác) hoặc bên vú kia cao hơn.
6. Chủng tộc và sắc tộc
Nhìn chung, phụ nữ da trắng có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn một chút so với phụ nữ Mỹ gốc Phi. Phụ nữ gốc Á có nguy cơ mắc bệnh và tử vong do ung thư vú thấp hơn.
7. Có mô vú dày đặc
Vú được tạo thành từ mô mỡ, mô xơ và các ống tuyến vú. Vú sẽ trông dày đặc hơn trên phim nhũ ảnh (X quang tuyến vú) khi chúng có nhiều mô tuyến và mô xơ hơn và ít mô mỡ hơn. Người có đặc điểm này có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn phụ nữ khác và cũng thường phát hiện ung thư trễ hơn.
8. Thời gian tiếp xúc với nội tiết tố estrogen
Những phụ nữ không có con hoặc có con đầu sau 30 tuổi, không/ít cho con bú, có kinh nguyệt sớm, mãn kinh sau 55 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những phụ nữ khác. Tương tự, việc dùng liệu pháp thay thế hormone kết hợp liên tục nhiều năm (đối với phụ nữ trên 50 tuổi) cũng có thể làm tăng một ít nguy cơ.
9. Có một số tình trạng vú lành tính
Nhận chẩn đoán mắc một số loại bệnh vú lành tính (không phải ung thư) có thể liên quan tới nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Một số tình trạng có mối liên hệ thật sự với nguy cơ ung thư vú, nhưng một số tình trạng chỉ gián tiếp làm người bệnh thường xuyên đi tái khám hơn và tăng khả năng phát hiện bất thường ở vú hơn mà thôi.
10. Nhận điều trị xạ trị vào vùng ngực
Phụ nữ xạ trị vào vùng ngực vì một bệnh ung thư khác (như ung thư lympho) khi còn trẻ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn mức trung bình. Nguy cơ này cũng phụ thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân khi xạ trị. Nguy cơ cao nhất khi xạ trị lúc thiếu niên hoặc thanh niên và nguy cơ không tăng đáng kể khi xạ trị sau 40-45 tuổi.
Trong khi đó, có một số yếu tố nguy cơ gây ung thư vú có thể thay đổi được. Các Hiệp hội ung thư khuyến khích phòng ngừa ung thư bằng cách can thiệp vào các yếu tố này.