Củ kiệu muối chua là một trong các món ăn thường ngày của các nước phương Đông như Việt Nam. Đây cũng là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết. Củ kiệu có hương thơm đặc trưng, vị the, giòn. Củ kiệu chứa nhiều chất dinh dưỡng có tác dụng giảm đầy hơi, chống viêm...

Không ít người còn cho rằng, ăn củ kiệu có tác dụng hạ đường huyết nên phù hợp cho người tiểu đường. Điều này có đúng không?

Bị tiểu đường ăn củ kiệu sẽ giúp giảm đường trong máu?

Theo BS chuyên khoa nội tổng quát Nguyễn Thị Hải Đan, củ kiệu không những không có tác dụng giảm đường trong máu mà ngược lại còn tăng lượng đường trong máu. Củ kiệu muối chua có chứa hàm lượng muối và đường cao, người bệnh tăng huyết áp, tiểu đường không nên ăn nhiều.

Ai không nên ăn củ kiệu?

Củ kiệu là món ăn phổ biến, gần như không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Mặc dù cũng có không ít lợi ích với sức khỏe và được coi như một món ăn ngon nhưng có một số người không nên ăn, bao gồm phụ nữ mang thai, nhất là phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, người bị dị ứng với kiệu...

"Còn những người bị bệnh dạ dày, cao huyết áp, tiểu đường... thì nên hạn chế ăn, tức là có thể ăn ít, tránh ăn quá nhiều", BS Hải Đan khuyến cáo.

cu-kieu-1707878293360690348337.jpg

Củ kiệu không những không có tác dụng giảm đường trong máu mà ngược lại còn tăng lượng đường trong máu.

Người bị tiểu đường ngày Tết nên và không nên ăn gì để quản lý đường huyết hiệu quả?

Quản lý đường huyết là điều tối quan trọng với các bệnh nhân tiểu đường. Trong những ngày Tết, khi chế độ sinh hoạt, ăn uống có thể bị đảo lộn thì điều này càng cần chú ý nhiều hơn. Theo BS Hải Đan chia sẻ, có 2 nguyên tắc để quản lý đường huyết cho người bị tiểu đường trong những ngày Tết.

Thứ nhất, nên ăn thực phẩm giàu chất xơ hòa tan: Chất xơ hòa tan khi vào đường ruột sẽ tạo thành một lớp gel tráng lên niêm mạc ruột, làm chậm sự tiêu hóa và hấp thụ đường. Các thực phẩm giàu chất xơ bao gồm đậu đen, yến mạch, lúa mạch, hạt lanh, hạt hướng dương, bơ, quả lê, quả sung, quả mơ, táo, ổi, khoai lang, súp lơ...

bs-hai-dan-17078783819971240273162.jpg

BS chuyên khoa nội tổng quát Nguyễn Thị Hải Đan

Thứ hai, hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa đường và tinh bột hấp thu nhanh, ví dụ như bánh kẹo, mứt, bánh mì, gạo trắng, nước ngọt có ga hoặc có chứa đường, rượu bia... 

Bên cạnh đó, cần chú ý tránh thực phẩm giàu chất béo xấu như thịt mỡ, bơ thực vật, phô mai, kem... Những loại thực phẩm này có thể gây tăng cholesterol xấu và rối loạn chuyển hóa - những tình trạng hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường.

Trong ngày Tết, có rất nhiều món giàu năng lượng và dinh dưỡng, ăn chung với nhiều người nên sẽ khó chọn. Hãy nhớ rằng, việc lựa chọn thực phẩm không quan trọng bằng việc kiểm soát lượng ăn vào. Ví dụ như khi chúng ta nghĩ rằng khoai lang tốt nhưng ăn quá nhiều cũng làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy, để giữ gìn sức khỏe, bất kỳ ai cũng cần lưu ý chuyện ăn uống của mình một cách cẩn trọng nhất.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022