Thông tin được các chuyên gia nêu tại Tập huấn triển khai Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì, do Bộ Y tế tổ chức, chiều 17/11. Cụ thể, tỷ lệ béo phì ở trẻ 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020, chủ yếu ở thành thị.
Bác sĩ Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết chế độ dinh dưỡng nhiều đường, chất béo xấu như bánh, nước ngọt, các loại sốt, đồ ăn vặt, thức ăn nhanh; ngủ muộn; ít hoạt động... là các nguyên nhân hàng đầu gây thừa năng lượng, rối loạn chuyển hóa.
"Những năm 90, tỷ lệ béo phì chỉ khoảng 2-3%. Từ năm 2000 trở đi, khi kinh tế phát triển, tiêu thụ dinh dưỡng dư thừa và lối sống tĩnh, khiến tỷ lệ béo phì tăng mạnh", bác sĩ Nga nói.
Theo bà Nga, trẻ dưới hai tuổi chưa cần cân nhắc chẩn đoán thừa cân bởi hầu hết trẻ bụ sữa, chưa ảnh hưởng sức khỏe. Song, trẻ trên hai tuổi nếu bị béo phì, cần chẩn đoán và can thiệp. Dù vậy, việc điều trị cần chú ý, không phải trường hợp nào cũng can thiệp bởi sẽ ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ.
"Sau 9 tuổi, chỉ trong tình huống trẻ béo phì quá nặng, rối loạn chuyển hóa như mỡ máu, men gan cao, ngáy ngủ... thì cần phải hướng dẫn giảm cân, song cũng chỉ nên giảm khoảng 500 gram/tháng", bác sĩ Nga nói và thêm rằng giai đoạn này cần tập trung kích thích chiều cao cho trẻ.
Một sai lầm khác là quan niệm "trẻ em như người lớn thu nhỏ", do đó phụ huynh lên thực đơn, áp dụng chế độ giảm cân khắc nghiệt cho trẻ, từ đó đem lại nhiều hệ luỵ sức khỏe. Trong khi việc điều trị thừa cân béo phì ở trẻ phải phối hợp nhiều phương pháp như lượng thức ăn, giấc ngủ, học tập và hoạt động cân đối...
Một bệnh nhân điều trị béo phì tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Lê Nga
Ngoài trẻ em, tình trạng béo phì ở người lớn cũng ngày càng gia tăng, đặc biệt trong 10 năm gần đây. Gi áo sư Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết Đái tháo đường Việt Nam, cho biết tỷ lệ béo phì gia tăng nhanh tại Việt Nam, từ 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014 - tương đương với tốc độ tăng là 38%.
Một thống kê tại Việt Nam năm 2021 cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP HCM chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.
Béo phì được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Y khoa Mỹ (American Medical Association) công nhận là một bệnh mạn tính, cần quản lý và điều trị lâu dài.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, béo phì dạng nam thường có mỡ phân bố nhiều ở bụng, thân, vai, cánh tay, cổ, mặt..., xảy ra ở người ăn nhiều. Béo phì dạng nam có thể dẫn đến các biến chứng như tiền đái tháo đường, đái tháo đường tuýp 2, bệnh gút, bệnh tim, tăng huyết áp, bệnh túi mật, ung thư vú,...
Còn béo phì dạng nữ là béo phì phần dưới cơ thể, béo phì hình quả lê. Mỡ phân bố chủ yếu ở phần dưới của cơ thể (khung chậu, vùng thắt lưng, mông, đùi). Người mắc thường bị suy nhược, kèm suy tĩnh mạch, rối loạn kinh nguyệt.
Những biện pháp dự phòng, điều trị thừa cân, béo phì và duy trì kiểm soát cân nặng lâu dài có thể cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm biến chứng cho người bệnh. Thực tế đã chứng minh, nếu giảm 5-15% cân nặng trong 6 tháng sẽ mang lại lợi ích sức khỏe. Có thể cân nhắc giảm cân nhiều hơn (20% trở lên) đối với những người có mức độ béo phì cao hơn.
Ngoài ra, người bệnh cần được theo dõi và tái khám thường xuyên để ngăn ngừa tăng cân trở lại, đồng thời theo dõi nguy cơ bệnh tật cũng như điều trị các bệnh đồng mắc nếu xuất hiện (như đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch).
Lê Nga