Ở tuổi 19, Giang cao 1m6, nặng khoảng 50 kg, có cuộc sống bình thường như các bạn đồng trang lứa. Cô duy trì uống thuốc chống thải ghép, thỉnh thoảng vào viện tái khám theo chỉ định bác sĩ.

Giang là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam được ghép gan, ca thứ hai tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Bệnh nhi ghép gan đầu tiên ở phía Nam là Lê Ngọc Xuân Quý, 21 tuổi, hiện là sinh viên năm 3 Trường Đại học FPT.

"Khi ấy chưa có nhiều thông tin về ghép tạng, ban đầu nghe đến chữ ghép gan tôi như bị sốc tâm lý", chị Thư, mẹ của Giang, ngụ quận 4, nói khi hội ngộ các bác sĩ nơi từng mổ ghép gan cho con, ngày 17/10.

Chào đời với bệnh lý teo đường mật bẩm sinh, Giang vàng da, chướng bụng, sức khỏe ngày càng yếu ớt, diễn tiến xơ gan giai đoạn cuối. Ghép gan là giải pháp duy nhất giúp cô bé tiếp tục cuộc sống. Nhờ sự phân tích, động viên của các bác sĩ, chị Thư có niềm tin để hiến đi một phần gan cứu con, bởi "đây gần như là cánh cửa cuối cùng, chỉ biết cố gắng trao cơ hội cho con, còn thành công hay không thì là chuyện sau đó".

Sau thời gian hậu phẫu, đón thôi nôi cùng các y bác sĩ trong bệnh viện, Giang trở về nhà, bắt đầu cuộc sống với việc duy trì thuốc chống thải ghép mỗi ngày. Nhờ "món quà tái sinh" từ mẹ, cô bé đến trường, chạy nhảy vui chơi cùng bạn bè. Một điều thuận lợi là những ca mổ ghép đầu tiên miễn phí, thuốc được tài trợ, gia đình không phải tốn kém quá nhiều chi phí.

screen-shot-2024-10-17-at-14-3-6955-5770-1729150512.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9RhPGgFoj0fBYryrZ-BG-w

Bác sĩ mổ ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bước vào tuổi dậy thì, khi hiểu rõ hơn tình trạng sức khỏe của bản thân, Giang có những giai đoạn suy nghĩ tiêu cực. Cô không được ăn thực phẩm chiên rán, xào nhiều dầu mỡ, thực phẩm bán ngoài đường, cổng trường.

Những năm đầu sau ghép, thuốc chống thải ghép cũng phải dùng liều cao bởi khoảng thời gian đó dễ nhiễm trùng. Không ít lần, nữ sinh buồn tủi vì "không được ăn những thứ bạn bè hay ăn, có bạn còn bảo con là đứa ghép gan", khiến mẹ phải luôn cận kề giải thích, động viên.

Dần dần, Giang vượt qua những tâm lý tiêu cực, cảm thấy biết ơn vì mẹ đã hiến gan giúp mình tiếp tục cuộc sống quý giá. "Nhìn lại quá trình đi cùng con, đồng hành cùng con, chứng kiến con từng bước trưởng thành, tôi thấy lựa chọn ghép gan là đúng đắn", chị Thư nói.

TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng Khoa Gan Mật Tụy và Ghép gan, cho biết thời điểm năm 2006, việc ghép gan vẫn còn là chuyện rất lớn, ít thông tin, phải giải thích cho người nhà rất nhiều. Quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng nhiều vất vả, các y bác sĩ chưa nhiều kinh nghiệm, phải cẩn trọng.

Đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã ghép gan 41 ca, trong đó 33 em sống khỏe mạnh, 4 ca tử vong chủ yếu do bệnh lý nhiễm trùng, còn 4 trường hợp khác vừa ghép xong đang chăm sóc hậu phẫu. Ba năm qua, nơi này thực hiện 28 ca, gấp đôi số ca trong 15 năm trước đó. Bệnh viện đang đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc ghép gan để thêm nhiều trẻ được sống.

Ghép gan là giải pháp duy nhất cứu sống trẻ suy, xơ gan giai đoạn cuối. Trong khi với suy thận, bệnh nhân chưa ghép có thể kéo dài sự sống nhờ chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc. Để tăng số ca ghép, giảm số trẻ qua đời vì mòn mỏi chờ gan, các bác sĩ kỳ vọng có thêm nguồn tạng hiến từ người chết não. Đến nay, phía Nam chưa có trẻ nào được ghép gan từ nguồn hiến tình nguyện này. Ngoài ra, Việt Nam cần sớm cho phép hiến tạng nhân đạo ở trẻ em chết não dưới 18 tuổi, như nhiều nước trên thế giới.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022