Tại thành phố Daegu, một bà mẹ 39 tuổi dự định đưa con đến khám tại Bệnh viện Dongsan Đại học Keimyung, theo chỉ dẫn trước đó của các bác sĩ địa phương. Tuy nhiên, sau khi nghe tin các bác sĩ nộp đơn từ chức vào ngày 25/3, cô buộc phải chuyển bé sơ sinh đến Bệnh viện Đại học Quốc gia Kyungpook cách đó một giờ di chuyển.
Một bệnh nhân nhiễm trùng bàng quang khác rơi vào tình trạng tương tự. Người này cho biết trong thành phố Namwon nơi cô sinh sống, cách Seoul 240 km về phía nam, các bệnh viện đều thiếu nhân lực, không có bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú. Hai cơ sở y tế gần nhất là Bệnh viện Đại học Quốc gia Chonnam và Bệnh viện Đại học Quốc gia Jeonbuk đều từ chối tiếp nhận bệnh nhân.
Trong làn sóng từ chức của giáo sư y khoa và đình công của bác sĩ nội trú, ngày càng nhiều bệnh nhân lo sợ quá trình điều trị bệnh sẽ bị gián đoạn. Trước đó, Bộ Y tế nhận được hơn 1.200 báo cáo về bệnh nhân bị ảnh hưởng, hoãn điều trị.
Trước tình thế này, người bệnh và gia đình kêu gọi các bác sĩ quay trở lại bên cạnh họ. Hôm 13/3, Hội đồng Quyền lợi Bệnh nhân Ung thư Hàn Quốc gọi việc các bác sĩ rời đi là "bản án tử đối với người bệnh".
Yoon, một bệnh nhân mạn tính ở độ tuổi 80, đang được điều trị tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, cảm thấy mình có thể sẽ không trụ nổi trước sự ra đi của các bác sĩ. Gần đây, ông đã giảm 10 kg, xuống gần 46 kg, thường xuyên phải nhập viện vì vấn đề thực quản.
"Tôi gần như không còn sức sống nữa. Tôi và gia đình vô cùng lo ngại nếu không có bác sĩ", ông nói thêm.
Lee Jun, 32 tuổi, phải chăm mẹ bị ung thư, cũng tuyệt vọng. Ca phẫu thuật của mẹ anh ban đầu được ấn định diễn ra trong tháng này tại Trung tâm Y tế Samsung, nhưng đã bị hoãn vô thời hạn.
Các giáo sư và bác sĩ thực tập tại trường y Đại học Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul hô khẩu hiệu phản đối tăng chỉ tiêu tuyển sinh, ngày 25/3. Ảnh: Yonhap
Bắt đầu từ hôm nay, các giáo sư y khoa tại nhiều bệnh viện đại học quyết định nộp đơn xin từ chức, giảm giờ làm để ủng hộ cuộc đình công của các bác sĩ nội trú và thực tập sinh cấp dưới.
Các giáo sư cho biết sẽ chỉ đàm phán nếu chính phủ hủy bỏ hoàn toàn kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y. Theo ông Kim Chang-soo, chủ tịch Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc, việc này sẽ "hủy hoại nền giáo dục và khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước sụp đổ".
"Trừ khi chính phủ hủy bỏ quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh, cuộc khủng hoảng đang diễn ra sẽ không có hồi kết. Nếu chính phủ rút lại kế hoạch, chúng tôi sẵn sàng thảo luận các vấn đề còn tồn tại trước mặt người dân", Hiệp hội nêu rõ trong tuyên bố chung.
Yêu cầu của Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc có thể làm phức tạp thêm nỗ lực đối thoại của chính phủ. Tuy nhiên, giới chức vẫn cam kết tổ chức các cuộc đối thoại với cộng đồng y khoa càng sớm càng tốt. Sáng 25/3, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Cho Kyoo-hong cho biết đã lập tức triển khai các hoạt động chuẩn bị ở cấp chuyên viên để tiến hành đàm phán. Động thái đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol kêu gọi giới chức "linh hoạt" trong quá trình đình chỉ giấy phép y tế của các bác sĩ đình công.
Đến năm 2035, 30% dân số của Hàn Quốc sẽ từ 65 tuổi trở lên. Thống kê của Công ty Bảo hiểm y tế quốc gia, nhu cầu nhập viện của người cao tuổi cao gấp 11 lần so với độ tuổi 30 và 40. Với 20% tổng số bác sĩ trên 70 tuổi, Hàn Quốc khó tránh khỏi tình trạng thiếu nhân lực y tế trầm trọng. Các cơ quan nghiên cứu dự đoán nước này sẽ thiếu ít nhất 10.000 bác sĩ vào năm 2035. Đây là lý do khiến chính phủ quyết định tăng chỉ tiêu sinh viên trường y.
Hơn 9.000 bác sĩ thực tập và nội trú đã đình công để phản đối, từ ngày 20/2 đến nay, cho rằng điều này sẽ tác động tới chất lượng dịch vụ y tế, khiến chi phí khám chữa bệnh cao hơn. Thay vì tăng chỉ tiêu tuyển sinh, giới chức nên giải quyết vấn đề thu nhập và điều kiện làm việc của nhân viên y tế hiện tại.
Thục Linh (Theo Yonhap)