Ngày 18/6, một số phòng khám trên toàn quốc đóng cửa để tham gia cuộc đình công một ngày do Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc tổ chức, nhằm phản đối sáng kiến cải cách y tế của chính phủ. Theo Bộ Y tế, hiện chỉ 4% trong số 36.371 phòng khám cộng đồng ngừng hoạt động, không tính các phòng khám nha khoa và đông y. Tuy nhiên, sự gián đoạn hoạt động điều trị là đòn giáng xuống bệnh nhân, trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực vốn kéo dài từ tháng 2, khi các bác sĩ thực tập và giáo sư y khoa lần lượt rời bỏ công việc.

Kim, một bệnh nhân 33 tuổi, rất ngạc nhiên sau khi phát hiện phòng khám tai mũi họng ở khu phố cô sinh sống đã đóng cửa. Đây là nơi cô ghé đến thường xuyên để điều trị tình trạng điếc đột ngột.

"Tôi đang gặp rắc rối lớn. Tôi được khuyến nghị điều trị điếc tai trong ‘thời gian vàng', bởi có thể mất thính lực vĩnh viễn nếu không chữa dứt điểm và kịp thời", Kim vừa nói, vừa khẩn trương kiểm tra lịch làm việc của một cơ sở y tế gần đó.

Ngoài Kim, 7 bệnh nhân khác cũng có mặt tại địa điểm này vào ngày 18/6, nhưng phải rời đi ngay sau khi thấy thông báo đóng cửa dán bên ngoài. Đây là một trong 8 phòng khám trong khu vực Suwon đông đúc ngừng làm việc. Các thông báo như có cùng nội dung: "Bệnh viện đóng cửa do tình hình nội bộ. Chúng tôi xin lỗi vì sự bất tiện này".

Ba trong số 4 phòng khám nhi ở khu vực Yongin, phía nam Seoul, có hành động tương tự, khiến hơn 10 bệnh nhân mòn mỏi chờ đợi, sau đó ra về.

"Tôi đã nghe nhiều về cuộc xung đột giữa chính phủ và giới y tế, nhưng tôi chưa từng nghĩ mình sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp như hôm nay. Tôi thất vọng với cả chính phủ và ngành y vì đã khiến vấn đề trầm trọng đến mức này", một người dân nói với hãng thông tấn Yonhap.

6a5ab777-2025-4231-8c22-095439-9507-4571-1718707435.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=y9rpT4OcMK7Mv4TwKj7aYA

Bệnh nhân chờ đợi tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, ngày 18/6. Ảnh: Yonhap

Tình trạng gián đoạn cũng lan ra khắp đất nước, len lỏi vào thành phố Chuncheon phía đông và đảo nghỉ dưỡng phía nam Jeju. Koh, một bà mẹ 34 tuổi, đã đưa hai con gái đến phòng khám nhi để chữa cảm cúm, song phải trở về nhà trong thất vọng.

"Chúng tôi đến đây rất thường xuyên vì các con hay bị cảm, nhưng lại chẳng nhận được thông tin trước về việc đóng cửa. Tôi không chắc liệu một phòng khám, đặc biệt là phòng khám nhi, có được phép tạm ngừng dịch vụ đột ngột như vậy hay không", cô nói.

Dù vậy, giới chức không ghi nhận tình huống y tế khẩn cấp nghiêm trọng trong cuộc đình công kéo dài một ngày, vì chỉ một phần nhỏ phòng khám trên toàn quốc tham gia hành động tập thể.

Chính phủ cam kết sẽ đáp trả cuộc đình công bằng các quy định nghiêm khắc. Giới chức đã ban hành quy định yêu cầu bác sĩ trở lại làm việc, đồng thời cảnh báo sẽ đình chỉ giấy phép hành nghề của những người vi phạm.

Các bệnh viện đa khoa trực thuộc đại học trên toàn quốc vốn gặp phải tình trạng thiếu nhân sự từ trước, do cuộc đình công hồi tháng 2 của bác sĩ thực tập. Đến nay, gánh nặng lớn hơn vì bác sĩ cấp cao, giáo sư y khoa cũng nghỉ việc.

Từ ngày 20/2, hơn 9.000 bác sĩ nội trú, lực lượng nòng cốt chăm sóc và điều trị các bệnh nhân nguy kịch, đã rời bệnh viện để phản đối chính sách tăng thêm 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh trường y của chính phủ. Hiện những người này vẫn chưa quay lại làm việc.

Những người đình công cho rằng cải cách này sẽ tác động tới chất lượng dịch vụ y tế, khiến tiền viện phí của bệnh nhân tăng cao hơn. Thay vì tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chính phủ nên giải quyết vấn đề thu nhập và điều kiện làm việc của nhân viên y tế hiện tại.

Trong khi đó, chính phủ nhận định việc tăng chỉ tiêu là cần thiết, nhằm ứng phó với tình trạng dân số già và tăng cường lực lượng y bác sĩ cho các nhóm ngành thiết yếu như nhi khoa, cấp cứu, phẫu thuật.

Đến đầu tháng 5, chính phủ đã có động thái giảm leo thang như hoãn đình chỉ chứng chỉ hành nghề của bác sĩ nội trú, cho trường y linh hoạt tuyển sinh, nhưng các hiệp hội y khoa phản đối. Họ lập luận giới chức cần hủy toàn bộ quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y, bắt tay ngay vào cải cách y tế thì mới ngồi vào bàn đàm phán.

Hôm 17/5, Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul và ba bệnh viện trực thuộc cũng tổ chức đình công vô thời hạn, yêu cầu chính phủ xem xét việc tăng chỉ tiêu trường y và rút lại biện pháp trừng phạt đối với các bác sĩ thực tập đang phản đối.

Thục Linh (Theo Korea Times)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022