Một căn bệnh hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong đã bất ngờ ập đến một gia đình trong kỳ nghỉ tại Đức hai năm trước. Và giờ đây, người mẹ đau khổ đã lan truyền câu chuyện của mình trên TikTok với hi vọng câu chuyện cô con gái 3 tuổi xấu số của mình qua đời vì nhiễm liên cầu khuẩn A xâm lấn vào năm 2022 sẽ giúp mọi người hiểu hơn về sự nguy hiểm tiền ẩn của căn bệnh này.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với People, Violetta Hyatt (mẹ bé Maddie) mô tả con gái mình là một “cô bé tốt bụng, giàu lòng trắc ẩn và ham học hỏi” với vốn từ vựng phong phú thường khiến người lạ ngạc nhiên. Trước khi qua đời, Maddie cũng là một "người chị tuyệt vời” của em bé 3 tháng tuổi.
Người mẹ đã chia sẻ câu chuyện đau lòng của gia đình mình trên TikTok đã cảnh báo các bậc cha mẹ về sự nguy hiểm tiềm ẩn của căn bệnh này.
Bệnh khởi phát với triệu chứng sốt, khiến gia đình đưa Maddie đi khám. Khi cơn sốt vẫn tiếp diễn và nhịp thở của Maddie trở nên nhanh hơn, bố mẹ đã đưa em đến bệnh viện. Ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán Maddie bị nhiễm trùng đường hô hấp do virus, cụ thể là human metapneumovirus (hMPV), thường gây ra các triệu chứng giống cảm lạnh.
Nhưng tình trạng của Maddie xấu đi nhanh chóng vào đêm trước khi em qua đời. Hyatt tiết lộ: "Chúng tôi thậm chí không biết Maddie bị nhiễm liên cầu khuẩn A xâm lấn cho đến sau khi con bé qua đời". Maddie đã không qua khỏi do nhiễm trùng chỉ sau vài ngày phát bệnh.
Sau khi mất Maddie, Hyatt quyết định chia sẻ câu chuyện của con gái mình trên TikTok nhằm nâng cao nhận thức về những nguy hiểm tiềm ẩn của liên cầu khuẩn A. Cô chia sẻ: "Tôi không muốn điều này xảy ra với bất kỳ đứa trẻ hay gia đình nào khác". Những nỗ lực của cô đã tạo ra tác động, một số phụ huynh cho rằng câu chuyện của Maddie đã “cứu sống con cái họ”.
Trong một video có hơn 1.000 lượt bình luận, Hyatt viết rằng Maddie "không có một số triệu chứng điển hình của liên cầu khuẩn A như: Đau họng/họng đỏ, phát ban lưỡi dâu (sốt ban đỏ)".
Hyatt cảnh báo: "Các triệu chứng không phải lúc nào cũng điển hình. Quan trọng nhất là hãy bảo vệ con bạn và tin vào trực giác của mình...". Kể từ khi chia sẻ câu chuyện của mình, Hyatt đã tìm thấy sự an ủi từ sự ủng hộ mà cô nhận được từ cộng đồng TikTok. Cô chia sẻ: "Mặc dù đây là một câu lạc bộ khủng khiếp, nhưng có một chút an ủi khi biết rằng bạn không đơn độc. Bằng cách nào đó, TikTok giống như một nơi an toàn, nơi tôi có thể chia sẻ nỗi đau của mình mà không làm phiền người khác".
Ảnh minh họa
Khi Hyatt tiếp tục vượt qua nỗi đau buồn của mình thông qua tư vấn và sự hỗ trợ từ cộng đồng trực tuyến và trực tiếp, cô vẫn quyết tâm giáo dục những người khác về liên cầu khuẩn A bằng cách sử dụng nền tảng của mình. Cô chú thích một video khác: "Nếu tôi biết những gì tôi biết bây giờ, có lẽ mọi thứ sẽ khác. Nhưng sự nhận thức muộn màng thì luôn luôn rõ ràng".
Liên cầu khuẩn nhóm A là gì?
Liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus pyogenes) là một loại vi khuẩn phổ biến có thể gây ra một loạt các bệnh nhiễm trùng, từ nhẹ đến nặng. Chúng được gọi là "nhóm A" để phân biệt với các nhóm liên cầu khuẩn khác.
Các bệnh do liên cầu khuẩn nhóm A gây ra:
Liên cầu khuẩn nhóm A có thể gây ra nhiều bệnh khác nhau, bao gồm:
Viêm họng liên cầu khuẩn: Đây là bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất do liên cầu khuẩn nhóm A gây ra, đặc trưng bởi đau họng, khó nuốt, sốt và sưng hạch bạch huyết ở cổ.
Sốt ban đỏ: Bệnh này thường xảy ra sau viêm họng liên cầu khuẩn, gây ra phát ban đỏ trên da, lưỡi đỏ và sốt cao.
Chốc lở: Đây là một bệnh nhiễm trùng da gây ra các vết loét đỏ, có mủ.
Viêm mô tế bào: Nhiễm trùng lớp sâu hơn của da và mô dưới da.
Hội chứng sốc độc tố liên cầu khuẩn (STSS): Một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, có thể gây suy đa tạng.
Thấp khớp cấp: Một biến chứng nghiêm trọng của viêm họng liên cầu khuẩn không được điều trị, có thể ảnh hưởng đến tim, khớp, não và da.
Viêm cầu thận cấp: Một biến chứng khác của viêm họng liên cầu khuẩn, ảnh hưởng đến thận.
Ảnh minh họa
Đường lây truyền của bệnh do liên cầu khuẩn nhóm A:
Liên cầu khuẩn nhóm A rất dễ lây lan qua các con đường sau đây:
Tiếp xúc trực tiếp: Với các giọt bắn từ đường hô hấp (ho, hắt hơi) của người bệnh.
Tiếp xúc với vết thương hở: Hoặc vết loét trên da của người nhiễm bệnh.
Ăn uống chung: Đồ dùng cá nhân với người bệnh.
Triệu chứng khi nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A:
Các triệu chứng của nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A phụ thuộc vào loại nhiễm trùng, nhưng có thể bao gồm: Đau họng, khó nuốt; Sốt; Phát ban đỏ; Đau đầu; Đau bụng; Buồn nôn và nôn; Sưng hạch bạch huyết.