Ngày 14/11, đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý bệnh viện, cùng nhìn nhận lại những thực tế mà các cơ sở y tế trên địa bàn đang đối mặt để từ đó đưa ra 6 kiến nghị.

Ngành y tế kiến nghị thành phố duy trì cơ chế hỗ trợ nguồn ngân sách để thực hiện Nghị quyết 03 đối với các bệnh viện gặp khó khăn về chênh lệch thu chi, không đủ nguồn để chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên. Điều này giúp nhân viên y tế yên tâm công tác và các bệnh viện ổn định lại trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn sau đại dịch Covid.

Thời gian qua, nhiều bệnh viện TP HCM phản ánh không còn nguồn tích lũy để chi trả thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế, dẫn đến nhiều người nghỉ việc để chuyển đổi sang bệnh viện tư nhân hoặc chuyển nghề.. Vài ngày trước, Sở phân bổ kinh phí từ ngân sách thành phố hỗ trợ 17 bệnh viện đang gặp khó khăn. Hồi tháng 10, Sở Y tế từng đề xuất thành phố cấp kinh phí khoảng hơn 500 tỷ đồng cho nội dung này.

Sở mong muốn thành phố kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành cơ chế chính sách trong xây dựng kết cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ, bổ sung tiền thuế đất vào giá này. Giá viện phí chưa được tính đúng, tính đủ, mới chỉ cơ cấu 4/7 yếu tố, là trở ngại ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động của các bệnh viện trong nhiều năm qua khi chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính.

233A8638-1635-1668429256.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oODFKaB6JLSI-Yx9FTeAJg

Người dân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, tháng 11/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Bên cạnh đó, thành phố cần có cơ chế hỗ trợ các bệnh viện công lập được phép tự tổ chức cung ứng các dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh và thân nhân người bệnh trong khuôn viên bệnh viện như bãi giữ xe, căn tin... Bệnh viện tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động này, bao gồm cả hình thức tự tổ chức thực hiện hay đấu giá thực hiện.

Hiện, các bệnh viện gặp vấn đề là việc cung cấp các dịch vụ này phải chờ Sở Tài chính thẩm định và UBND phê duyệt. Đến nay, chỉ có một vài bệnh viện được phê duyệt. Trước đây, việc này được giao quyền cho bệnh viện tự chịu trách nhiệm, không cần tốn thời gian trình lên trên.

Sở Y tế cũng đề nghị thành phố thí điểm cơ chế về điều tiết quỹ phát triển sự nghiệp trong khối các bệnh viện công lập, giữa các bệnh viện có số dư cao ngoài nhu cầu phát triển và bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn có nguồn trích lập thấp không đủ đáp ứng yêu cầu phát triển cơ bản.

Cơ chế tự chủ vận hành trong thời gian qua đã làm xuất hiện các khoảng cách ngày càng rõ nét giữa các bệnh viện công lập với nhau. Trong đó, khoảng cách về quỹ phát triển sự nghiệp giữ các bệnh viện công lập cũng ngày càng lớn, các bệnh viện chuyên khoa dường như thuận lợi hơn nhiều so với các bệnh viện đa khoa.

Sở Y tế TP HCM cũng kiến nghị thành phố lập hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện giúp hướng dẫn, tư vấn những vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động tự chủ tài chính. Hội đồng này sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố các giải pháp giải quyết các vướng mắc liên quan đến hoạt động của các bệnh viện. Thành viên Hội đồng tư vấn bao gồm đại lãnh đạo các sở, ngành như y tế, tài chính, kế hoạch đầu tư, tư pháp...

Ngoài các vấn đề trên, ngành y tế đề xuất thành phố có cơ chế, chính sách cho phép triển khai thí điểm chuyển đổi mô hình cấu trúc quản lý bệnh viện tương ứng với loại hình tự chủ của bệnh viện. Cụ thể, có thể triển khai hội đồng quản lý hai cấp như nhiều nước thay vì chỉ có ban giám đốc bệnh viện như hiện nay. Trước mắt, chọn Bệnh viện Mắt TP HCM triển khai thí điểm mô hình này, sau khi đã thí điểm thi tuyển chức danh giám đốc bệnh viện.

Với mô hình hai cấp này, Hội đồng quản trị bệnh viện là hội đồng cao nhất. Ngoài chủ tịch và phó chủ tịch, hội đồng này còn bao gồm các thành viên chính phủ đại diện của các Bộ (Sở) Tài chính, Bộ (Sở) Y tế, đại diện chính quyền địa phương, đại diện người bệnh và các giám đốc, phó giám đốc chuyên môn của bệnh viện. Dưới Hội đồng quản trị là Ban điều hành bệnh viện bao gồm các giám đốc, phó giám đốc và các trưởng phòng chức năng như hiện nay.

"Việc đổi mới mô hình cấu trúc quản lý bệnh viện sẽ giúp quản lý chính xác hơn, hiệu quả hơn và an toàn hơn khi ra các quyết định liên quan đến sử dụng nguồn lực của bệnh viện nhờ có các chuyên gia am hiểu sâu về các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, đầu tư...", theo đại diện Sở Y tế.

Sở Y tế TP HCM đánh giá 20 năm qua, hầu hết bệnh viện công lập tại thành phố chuyển đổi từ cơ chế ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên. Cơ chế tự chủ đã giúp một số bệnh viện công lập phát triển khá toàn diện về mọi mặt, cả chuyên môn kỹ thuật lẫn cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.

Ngược lại, không ít bệnh viện gặp khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh viện, nhất là khó khăn trong cân đối chênh lệch thu chi ảnh hưởng đến phát triển chuyên môn kỹ thuật, cơ sở hạ tầng. Khó nhất là đảm bảo thu nhập chính đáng của nhân viên y tế, từ đó khó giữ chân các thầy thuốc giỏi, hiện tượng nhân viên y tế công lập nghỉ việc tăng cao sau đại dịch Covid... Khoảng cách về thu nhập giữa các bệnh viện ngày càng rõ và ngày càng cách biệt, có thể dẫn đến tình trạng mất công bình giữa các nhân viên y tế công lập với nhau, cho dù nhiệt huyết và sức lao động là như nhau.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022