Bác sĩ Hà Hải Nam - Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K cho biết, trước đây độ tuổi mắc ung thư dạ dày hay gặp nhất là từ 45 - 50 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay ung thư nói chung cũng như ung thư dạ dày nói riêng đang trẻ hoá.
Khoa Ngoại bụng 1 đã từng điều trị cho trường hợp mắc ung thư dạ dày khi mới ngoài 20 tuổi. Ung thư dạ dày ở người trẻ tuổi thường có độ ác tính cao.
Mới đây, bác sĩ Nam đã tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân hơn 40 tuổi, tới khám chỉ vì thấy chán ăn kéo dài. Khi được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày bệnh nhân đã rất sốc.
Điều đáng nói nữ bệnh nhân này đang trong quá trình ăn kiêng để duy trì vóc dáng. Do khi bị sút cân, chán ăn bệnh nhân cho đó là bình thường nên đã không đi khám. Thậm chí, khi mọi người xung quanh nhắc nhở thân hình nữ bệnh nhân ngày càng gầy đi, chị lại coi đó là những lời khen.
Ung thư dạ dày.
Nữ bệnh nhân chia sẻ, suốt gần 6 tháng qua, chị luôn trong trạng thái chán ăn, có ngày chỉ ăn một chút bánh và uống những viên thuốc vitamin tổng hợp, cộng thêm 1 cốc nước hoa quả. Bệnh nhân kiêng tinh bột hoàn toàn, thấy cơm canh là thấy lợm giọng.
Khoảng hơn 2 tuần nay, bệnh nhân có cảm thấy buồn nôn và đau tức vùng thượng vị. Bệnh nhân tự ra mua thuốc uống nhưng chỉ đỡ được thời gian ngắn, sau đó các triệu chứng lại xuất hiện dày đặc hơn. Tới lúc này, lo lắng khiến chị cuống cuồng tìm hỏi thông tin để đi khám.
Bác sĩ Nam cho hay, kết quả nội soi có ổ loét lớn góc bờ cong nhỏ dạ dày nghi ngờ ác tính có chỉ định nhập viện theo dõi. Xét nghiệm máy cho thấy bệnh nhân đang trong tình trạng thiếu máu mức độ trung bình.
Sau khi nghe bác sĩ tư vấn nữ bệnh nhân lặng người đi, nghi ngờ hỏi bác sĩ kết quả có bị sai hay không?
Kết quả sinh thiết cho thấy, nữ bệnh nhân mắc ung thư dạ dày ở giai đoạn IIB (giai đoạn mà khối u đã xâm lấn vào các lớp sâu hơn của dạ dày và đã có sự di căn đến các hạch bạch huyết lân cận).
Bác sĩ Nam cho biết, phần lớn các trường hợp mắc ung thư dạ dày đều có triệu chứng chán ăn, người mệt mỏi, đau bụng âm ỉ ở vùng trên rốn, thượng vị. Tuy nhiên, các dấu hiệu này thường thoáng qua nên chúng ta không để ý tới.
Khi bệnh tiến triển tới giai đoạn muộn hơn, các dấu hiệu của biến chứng như bệnh nhân ăn vào nôn ra, dấu hiệu xuất huyết tiêu hoá. Thậm chí, người bệnh có thể tự sờ thấy u trên bụng, bụng bệnh nhân lõm xuống như lòng thuyền, gầy sút cân rất nhanh, thiếu máu nặng…
Hiện vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ung thư dạ dày nhưng có một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: Uống nhiều bia rượu và lạm dụng thuốc lá; Nhiễm trùng dạ dày do vi khuẩn H.pylori; Tái phát nhiều lần bệnh viêm loét dạ dày; Ăn nhiều thực phẩm chứa các chất bảo quản, đồ đóng hộp, đồ nướng, ngâm muối hoặc xông khói mà không ăn kèm với rau củ quả.
Ths.BS Nam thông tin thêm, ung thư dạ dày cũng có tỷ lệ nhất định liên quan tới yếu tố gia đình. Một số đối tượng khác có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn là: Người có viêm loét dạ dày, một số đột biến gen, hút thuốc lá, uống rượu bia, polyp dạ dày...; Người có chế độ ăn quá cay, ăn nhiều thịt nướng, thịt ướp muối, hạt bị mốc, thực phẩm có chứa chất bảo quản không cho phép, thừa cân - béo phì...
Bác sĩ Nam khuyến cáo, đối với người có người nhà mắc ung thư nên tầm soát ung thư sớm. Từ độ tuổi từ 35 - 40 tuổi, chúng ta nên đi khám tầm soát ung thư dạ dày.