Tăng nhãn áp (Glaucoma) là một bệnh về mắt, gây tổn thương dây thần kinh thị giác - nơi tập hợp các bó sợi thần kinh, có chức năng dẫn truyền các tín hiệu nhận được ở võng mạc, giúp ta nhận biết ánh sáng, hình ảnh… Những người mắc bệnh glaucoma có thể bị thị lực kém hoặc mất thị lực vĩnh viễn.

Không có cách nào để ngăn chặn bệnh tăng nhãn áp khởi phát, nhưng có những bước bạn có thể thực hiện để ngăn ngừa bệnh tăng nhãn áp tiến triển, gây hại thêm cho thị lực:

1. Khám mắt thường xuyên giúp ngừa tăng nhãn áp tiến triển

Khám mắt thường xuyên là điều quan trọng nhất người bệnh có thể làm để bảo vệ thị lực, nếu bị bệnh tăng nhãn áp. Bệnh tăng nhãn áp thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, nhưng khi bạn bắt đầu nhận thấy những thay đổi về thị lực , bệnh tăng nhãn áp đã bắt đầu gây tổn thương vĩnh viễn cho dây thần kinh thị giác.

Vì vậy, không thể dựa vào những thay đổi về thị lực hoặc các triệu chứng khác để biết bệnh tăng nhãn áp có đang trở nên tồi tệ hơn hay không. Do đó, hãy đảm bảo đi khám mắt định kỳ với bác sĩ nhãn khoa. Trong các lần khám, bác sĩ sẽ kiểm tra:

  • Nhãn áp
  • Độ nhạy thị giác (nhìn thấy hình dạng ở khoảng cách xa)
  • Sức khỏe võng mạc
  • Độ dày giác mạc
  • Góc thoát nước (nơi chất lỏng trong mắt bên trong thoát ra)...

Mỗi một tình trạng này sẽ cung cấp thông tin quan trọng về tiến triển của bệnh tăng nhãn áp, giúp bác sĩ lập kế hoạch để ngăn ngừa bệnh tăng nhãn áp trở nên tồi tệ hơn và gây tổn hại đến thị lực. Hầu hết những người bị tăng nhãn áp cần khám mắt 3 tháng/lần, nhưng người bệnh cũng có thể cần khám mắt thường xuyên hơn, cho đến khi bệnh tăng nhãn áp được kiểm soát.

tang-nhan-ap-la-gi-1-1733319829495169368683-1733876452140-17338764523881429993605.jpg

Bệnh tăng nhãn áp là nguyên nhân làm tổn thương dây thần kinh thị giác, dẫn đến mất thị lực...

2. Sử dụng thuốc điều trị tăng nhãn áp

Đối với người bệnh tăng nhãn áp, sẽ cần phải sử dụng thuốc nhỏ mắt hàng ngày, có thể nhiều lần trong ngày, trong suốt quãng đời còn lại. Điều này có thể gây bất lợi trong cuộc sống, khiến người bệnh không tuân thủ, bỏ thuốc điều trị. Bên cạnh đó, nhiều người bệnh ngừng sử dụng thuốc nhỏ mắt, vì cảm thấy không có gì khác biệt hoặc cải thiện thị lực.

Thuốc nhỏ mắt không thể chữa khỏi hoặc đảo ngược bệnh tăng nhãn áp, nhưng có thể cứu thị lực của bạn. Qua nhiều thập kỷ nghiên cứu, thuốc nhỏ mắt điều trị bệnh tăng nhãn áp đã chứng minh rõ ràng rằng, có thể ngăn ngừa bệnh tăng nhãn áp trở nên tồi tệ hơn và gây mất thị lực thêm.

Điều trị bệnh tăng nhãn áp bằng nhiều loại thuốc nhỏ mắt, làm chậm bệnh tăng nhãn áp hơn so với điều trị chỉ bằng một loại thuốc. Đây là lý do tại sao hầu hết mọi người cần liệu pháp kết hợp cho bệnh tăng nhãn áp. Vì vậy, đừng tự ý bỏ thuốc điều trị, hãy tiếp tục sử dụng chúng hàng ngày, để giữ cho thị lực của bạn an toàn.

3. Bỏ thuốc lá

Đối với người hút thuốc và bị bệnh tăng nhãn áp, hãy cân nhắc việc bỏ thuốc. Các nghiên cứu cho thấy, những người hút thuốc có nhiều khả năng mắc bệnh tăng nhãn áp và những người bị bệnh tăng nhãn áp tiếp tục hút thuốc, có khả năng tiến triển bệnh tăng nhãn áp gấp đôi, ngay cả khi đã được điều trị. Ngoài ra, bạn càng hút thuốc nhiều, thì bệnh tăng nhãn áp có khả năng tiến triển càng nhanh.

Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt khác, có thể dẫn đến mất thị lực như thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể…

4-nhom-thuoc-dau-dau-pho-bien-hien-nay-1-17333201715241736696103-1733876453529-17338764539521663289184.jpg

Thuốc điều trị chứng đau nửa đầu có thể làm bệnh tăng nhãn áp trầm trọng hơn

4. Cho bác sĩ nhãn khoa biết về tất cả các loại thuốc đang dùng

Một số loại thuốc có thể làm bệnh tăng nhãn áp trầm trọng hơn, vì vậy điều quan trọng là phải cho bác sĩ nhãn khoa biết về tất cả các loại thuốc bạn đang dùng, bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn…

Một số loại thuốc có thể làm bệnh tăng nhãn áp trầm trọng thêm gồm:

- Thuốc dị ứng bao gồm diphenhydramine, loratadine, fexofenadine và cetirizine...

- Thuốc điều trị bệnh hen suyễn /bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) như ipratropium bromide và tiotropium bromide...

- Thuốc chống trầm cảm và lo âu như fluoxetine, paroxetine và duloxetine…

- Thuốc điều trị chứng ợ nóng/ trào ngược dạ dày thực quản (GERD) như cimetidine, ranitidine...

- Thuốc điều trị chứng đau nửa đầu như tiêm độc tố botulinum, sumatriptan, amitriptyline và topiramate...

- Các loại steroid như prednisone, prednisolone và dexamethasone; thuốc xịt mũi và thuốc hít có chứa steroid cũng có thể làm bệnh tăng nhãn áp trầm trọng hơn.

5. Chọn các hoạt động thân thiện với bệnh tăng nhãn áp

Tập thể dục thường xuyên và duy trì hoạt động rất tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần, nhưng một số bài tập và hoạt động có thể làm bệnh tăng nhãn áp trầm trọng hơn. Một số bài tập có thể dẫn đến thay đổi nhanh chóng về áp suất mắt và làm bệnh tăng nhãn áp trầm trọng hơn như: Nhảy Bungee, nhảy dù, lặn biển...

Không chỉ các hoạt động giải phóng adrenaline có thể làm bệnh tăng nhãn áp trầm trọng hơn, các hoạt động khác có thể làm bệnh tăng nhãn áp trầm trọng bao gồm:

  • Cử tạ, bao gồm các động tác đẩy tạ và ngồi xổm.
  • Một số tư thế yoga mà đầu thấp hơn tim.
  • Bài tập thở bao gồm việc nín thở.
  • Đứng bằng tay, các động tác thể dục dụng cụ hoặc các hoạt động khác khiến bạn có thể bị lộn ngược...

Hãy trao đổi với bác sĩ nhãn khoa về thói quen tập thể dục và hoạt động, bác sĩ có thể gợi ý về cách điều chỉnh thói quen để người bệnh có thể tiếp tục làm những điều mình yêu thích, trong khi vẫn đảm bảo an toàn cho mắt.

6. Đeo kính bảo vệ mắt

Bảo vệ mắt khỏi chấn thương là rất quan trọng đối với thị lực, càng đặc biệt quan trọng với người bệnh tăng nhãn áp. Chấn thương mắt có thể dẫn đến một loại bệnh tăng nhãn áp cụ thể được gọi là bệnh tăng nhãn áp do chấn thương, có thể khiến việc kiểm soát bệnh tăng nhãn áp trở nên khó khăn hơn.

Hãy bảo vệ mắt khi chơi thể thao, làm những công việc tăng nguy cơ bị thương mắt. Không chỉ các mảnh vỡ, hóa chất và vật phóng có thể gây thương tích cho mắt, mà tia cực tím (UV) cũng có thể làm bệnh tăng nhãn áp trầm trọng hơn. Đeo kính râm chặn tia UV khi ở ngoài trời, cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể...

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022