Trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, Trung tâm Ghép tạng của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhận thông tin người chết não hiến tạng tiềm năng từ khoa Đột quỵ não. 3h ngày 30/4, bệnh nhân chuyển biến nặng, 4 tiếng sau được chẩn đoán chết não lần 3 do đột quỵ não, nhồi máu cầu não, phù não nặng. Nén nỗi đau thương, gia đình tự nguyện đồng ý hiến tạng theo ý nguyện của bệnh nhân lúc còn sống.

"Hai vợ chồng tôi từng nói với nhau rằng sẽ đồng ý hiến tạng khi qua đời để cứu sống nhiều người", người vợ chia sẻ, thêm rằng gia đình đã thực hiện đúng tâm nguyện của anh khi còn sống. "Tôi chỉ mong những người khác được cứu sống có thể sống tốt".

Các đơn vị liên quan hiến ghép tạng đã làm việc xuyên đêm để sàng lọc, kiểm tra, đánh giá các chỉ số của nhận tạng trước phẫu thuật. Sáng 1/5, các bác sĩ hội chẩn lấy - ghép đa tạng gồm một ca ghép gan, hai ca ghép thận; riêng giác mạc được lấy và bảo quản chờ ghép sau.

Người được ghép gan là bệnh nhân nam sinh năm 1979, viêm gan B 10 năm nay, xơ gan mất bù 5 năm. Khoảng hai tháng nay, anh chướng bụng tăng dần, ăn uống kém, vàng da, có chỉ định ghép gan.

Còn hai bệnh nhân được ghép thận đều bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Trong đó, bệnh nhân nam sinh năm 1969 suy thận mạn giai đoạn từ năm 2002, tiến triển thành suy thận giai đoạn cuối, vô niệu và lọc máu chu kỳ 3 buổi một tuần từ năm 2021.

Đại tá Nguyễn Việt Hải, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu và Nam khoa, cho biết trong kỳ nghỉ lễ, các bác sĩ đang đi nghỉ hoặc về thăm gia đình cách xa hàng trăm km cũng được triệu hồi về viện để tham gia các ca đại phẫu. Chiều tối 1/5, các ca ghép hoàn thiện, 3 người được ghép tạng sức khỏe ổn định và tiếp tục được theo dõi, chăm sóc đặc biệt.

1-1746156624-5723-1746156709.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vuDSqZ1p7im5M3Uflk-mAQ

Các bác sĩ tri ân người hiến trước khi thực hiện ca lấy - ghép đa tạng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Thiếu tướng GS.TS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện 108, đánh giá các bác sĩ đã tạo ra thêm một nguồn năng lượng tích cực nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, khi hồi sinh 3 người bệnh và chuẩn bị mang ánh sáng đến cho hai người khác. Đặc biệt hơn, trong những người bệnh được cứu sống có một bác sĩ quân y.

"Quá trình từ lúc phát hiện, chẩn đoán và hồi sức người hiến tạng tiềm năng đến lúc hoàn thiện các ca ghép chỉ diễn ra trong vòng 50 giờ, thể hiện tinh thần kỷ luật, tác phong quân đội của thầy thuốc quân y", ông Song nói.

Việt Nam bắt đầu ghép tạng từ năm 1992, nguồn hiến từ người cho sống, còn ghép tạng từ người cho chết não vào năm 2010. Sau 33 năm, Việt Nam thực hiện hơn 9.500 ca ghép tạng. Ba năm nay (từ 2022-2024), Việt Nam là quốc gia số 1 tại Đông Nam Á về số ca ghép tạng mỗi năm (trên 1.000 ca).

Năm 2024, 41 gia đình hiến tặng mô, tạng người thân chết não, hơn tổng số ca 3 năm trước đó cộng lại. Trong hơn hai tháng đầu năm 2025, có 21 ca hiến tạng sau chết não. Số ca chết não hiến tạng tăng mạnh trong hai năm gần đây.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022