Một phụ nữ 40 tuổi ở Phúc Kiến có 95 viên sỏi mật trong túi mật vì cô ấy đã bỏ bữa sáng trong một thời gian dài và có thói quen ăn vặt vào đêm khuya. Ngay cả các bác sĩ cũng bị sốc khi họ lấy ra những viên sỏi này. Các bác sĩ chỉ ra rằng, việc bỏ bữa sáng trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng ứ mật, hình thành sỏi, có thể gây tắc mật hoặc viêm tụy cấp, vô cùng nguy hiểm.
Câu chuyện của người phụ nữ tên Trương đến từ Phúc Kiến (Trung Quốc) này được đăng trên tờ Guangzhou Daily. Cô thường xuyên cảm thấy khó chịu ở bụng và phải đến gặp bác sĩ. Sau đó, bác sĩ đã lấy ra tới 95 viên sởi từ túi mật của cô.

Cô Trương thường làm ca đêm. Trong mười năm qua, cô đã hình thành cho mình một đồng hồ sinh học độc đáo. Đó là, sau khi tan làm vào buổi tối, cô luôn rủ các chị em của mình đi ăn tối hoặc nướng thịt cùng nhau. Thêm vào đó, cô cũng quen với việc ngủ đến trưa mỗi ngày, bỏ bữa sáng và thay vào đó là ăn trưa luôn.
Các bác sĩ đã chỉ ra một "vòng luẩn quẩn" giữa việc ăn uống sinh hoạt và tình trạng sỏi thận của cô như sau: Ăn nhiều thức ăn giàu chất béo vào lúc khuya khiến túi mật bị quá tải và tiết ra mật. Còn việc nhịn ăn vào buổi sáng dẫn đến tình trạng tích tụ quá nhiều mật. Những việc này cuối cùng khiến các tinh thể cholesterol tích tụ thành sỏi mật.
Bác sĩ trưởng khoa Phẫu thuật gan mật, tụy và lách điều trị cho cô Trương đã vô cùng bất ngờ khi thấy nhiều sỏi như vậy. Ông cho biết, trường hợp như vậy tương đối hiếm gặp và cực kỳ nguy hiểm. Nó giống như một quả bóng nước chứa đầy sỏi, có thể gây tắc ống mật hoặc viêm tụy cấp bất cứ lúc nào.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người trẻ mắc sỏi mật. Với nhịp sống ngày càng nhanh, nhiều người trẻ chọn cách bỏ bữa sáng hoặc thậm chí không ăn sáng trong một thời gian dài. Thói quen xấu này trở thành môi trường thuận lợi cho sỏi mật phát triển.

Bác sĩ giải thích rằng túi mật là cơ quan lưu trữ và cô đặc mật. Khi thức ăn cần được tiêu hóa, túi mật sẽ co lại và tiết mật. Túi mật tiếp tục lưu trữ mật vào ban đêm. Nếu bạn không ăn vào buổi sáng, mật không thể thải ra ngoài và tiếp tục tích tụ trong túi mật. Khi đạt đến mức độ nhất định, nó sẽ giải phóng các tinh thể bám vào thành túi mật. Những tinh thể này dần dần biến thành sỏi mật theo thời gian.
Bác sĩ cũng cho biết nguyên nhân gây ra sỏi mật rất phức tạp. Ngoài việc bỏ bữa sáng, chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều cholesterol, cũng như béo phì và lối sống ít vận động có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật. Phòng ngừa sỏi mật tốt hơn chữa bệnh. Ăn sáng đúng giờ, ăn ít dầu mỡ, ít cholesterol, không ăn quá nhiều, kết hợp với tập thể dục có thể phòng ngừa sỏi mật tốt hơn.
Ăn sáng có thật sự quan trọng?
Câu trả lời là có, nhưng không phải cứ ăn gì cũng tốt.
Bữa sáng là bữa ăn mở đầu ngày mới sau một đêm dài cơ thể nhịn đói. Đây là thời điểm cơ thể cần năng lượng để khởi động hệ thống trao đổi chất, giúp tỉnh táo, tập trung và kiểm soát cảm giác thèm ăn trong cả ngày.

Theo nhiều nghiên cứu từ Đại học Y Harvard và Tổ chức Tim mạch Mỹ (American Heart Association), những người ăn sáng đầy đủ thường ít bị tăng cân, ít mắc bệnh tim mạch và tiểu đường type 2. Trẻ em ăn sáng đều đặn có kết quả học tập tốt hơn, tăng khả năng tập trung và giảm nguy cơ béo phì.
Bỏ bữa sáng có thể có hại, tùy vào đối tượng và thói quen ăn uống tổng thể. Với người ăn uống thiếu kiểm soát, bỏ bữa sáng có thể khiến dẫn đến đói cồn cào. Điều này dẫn đến ăn bù quá mức vào trưa hoặc tối và gây mất tập trung, giảm hiệu suất học tập/làm việc.
Nhịn ăn sáng cũng dễ tăng đề kháng insulin, kéo theo nguy cơ tiểu đường type 2 cao hơn.
Với người theo chế độ nhịn ăn gián đoạn (intermittent fasting) hợp lý và vẫn đủ dinh dưỡng cả ngày, bỏ bữa sáng không nhất thiết gây hại. Tuy nhiên, cần có sự hướng dẫn khoa học và theo dõi cá nhân.
Có 4 nhóm người cần đặc biệt chú ý đến bữa sáng, tốt nhất không nên bỏ ăn sáng. Đó là:

Trẻ em và học sinh: Ăn sáng giúp cải thiện trí nhớ, thành tích học tập.
Người tiểu đường: Bỏ bữa sáng làm rối loạn đường huyết, tăng HbA1c.
Người lao động trí óc hoặc thể lực: Bữa sáng giàu protein và tinh bột phức giúp tỉnh táo và duy trì năng lượng.
Phụ nữ có thai: Ăn sáng đều giúp giảm ốm nghén, ổn định huyết áp.
Ăn sáng như thế nào là đúng cách?
Một bữa sáng lành mạnh nên gồm đủ:
Tinh bột tốt | Cung cấp năng lượng bền vững | Yến mạch, bánh mì nguyên cám, khoai lang |
Chất đạm | Duy trì cơ bắp, no lâu | Trứng, sữa, sữa chua Hy Lạp, đậu hũ |
Chất béo tốt | Hỗ trợ hấp thu vitamin, no bền | Bơ, hạt óc chó, dầu ôliu |
Chất xơ & vitamin | Tăng cảm giác no, hỗ trợ tiêu hóa | Rau, trái cây tươi, các loại hạt |
Ăn sáng không chỉ là "ăn để no" mà là "ăn để cơ thể khởi động tốt". Hãy xem bữa sáng là một khoản đầu tư vào sức khỏe, sự tỉnh táo và hiệu suất làm việc mỗi ngày.