Trong năm 2022 vừa qua, rất nhiều nghiên cứu mới liên quan tới nguy cơ gây ung thư trong nhà bếp đã được công bố trên toàn thế giới. Trong đó có 3 thứ rất phổ biến nhưng tiềm ẩn nguy cơ cao gây ung thư cho con người.
Nếu muốn khởi đầu năm 2023 thật mạnh khỏe, bạn hãy bắt đầu thay đổi thói quen ăn uống, bao gồm cả việc quản lý nhà bếp của mình tốt hơn nhé!
1. Các dụng cụ nấu chống dính
Nồi chống dính, chảo chống dính hay đũa thìa chống dính… không còn xa lạ trong nhà bếp của chúng ta. Chúng được ưa chuộng bởi những lời quảng cáo “có cánh”, sự tiện lợi khi nấu nướng, dọn dẹp và cả thiết kế rất bắt mắt. Tuy nhiên, ẩn sau những ưu điểm này là nguy cơ ung thư rất cao khi nấu nướng và thưởng thức món ăn từ chúng.
Ung thư có thể đến từ chiếc chảo chống dính gia đình nào cũng dùng hàng ngày (Ảnh minh họa)
Tác hại của dụng cụ nấu chống dính tới sức khỏe không phải là chủ đề mới đối với giới học thuật. Hàng loạt nghiên cứu trong nhiều năm qua đã chỉ ra rằng chúng chứa các loại “hóa chất vĩnh viễn” như polyfluoroalkyl hay PFAS không chỉ độc hại mà còn có thể tồn tại mãi mãi trong cơ thể và môi trường. Các chất này cũng có thể tìm thấy trong quần áo không thấm nước, sản phẩm tẩy rửa…
Điều đáng lo là các chất kể trên có hàm lượng rất cao trong dụng cụ nấu chống dính. Chúng có thể dễ dàng đi vào cơ thể người thông qua ăn uống hàng ngày, sau đó gây ra các bệnh về gan, tăng nguy cơ hình thành các khối u, nhất là khối u liên quan đến hệ tiêu hóa. Lớp chống dính còn chứa Teflon, khi nấu ở nhiệt độ cao sẽ tự phân hủy giải phóng ra chất độc axit perfluorooctanoic, có khả năng gây ung thư và sảy thai.
Nghiên cứu mới nhất được thực hiện vào tháng 10 năm 2022 được công bố trên JHEP Reports Innovation in Hepatology chỉ ra những người tiếp xúc với PFAS có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp 4,5 lần so với bình thường.
Bạn hãy hạn chế sử dụng những dụng cụ chống dính này hoặc dùng vật dụng bằng gang, thép không gỉ để thay thế. Đặc biệt, không tác động mạnh bằng vật sắc nhọn khi nấu nướng để tránh làm bong tróc lớp chống dính. Nếu lớp chống dính này bị bong tróc, tốt nhất là bạn không nên sử dụng tiếp nữa.
2. Thực phẩm chế biến
Không có gì ngạc nhiên khi chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn gây ra các biến chứng sức khỏe khác nhau, bao gồm cả bệnh ung thư.
Rất nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng minh thực phẩm chế biến làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2 và béo phì. Tuy nhiên, vào tháng 8 năm 2022, hai nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Y học Anh đã chỉ ra loại thực phẩm này làm tăng nguy cơ ung thư. Cụ thể là những người thường xuyên tiêu thụ thực phẩm chế biến có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao cơn 28% so với bình thường, nhất là đối với nam giới.
Thực phẩm chế biến từ lâu đã được xếp vào nhóm gây hại cho sức khỏe (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, nghiên cứu của Australia công bố trên tạp chí Nutrients vào tháng 7 năm 2022 cũng xác nhận rằng ăn nhiều thực phẩm chế biến không chỉ dẫn đến nguy cơ tử vong sớm mà còn ảnh hưởng không tối đến sức khỏe tâm thần. Ví dụ như làm tăng nguy cơ mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm.
Vì vậy, tốt nhất là hãy hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt hộp, pizza… để bảo vệ sức khỏe. Thay vào đó, cần tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây trong chế độ ăn uống hàng ngày.
3. Thực phẩm ăn kiêng
Rất nhiều người sẽ cảm thấy bất ngờ khi thực phẩm ăn kiêng cũng nằm trong danh sách này. Bởi vì chúng ta thường cho rằng đồ ăn, thức uống ăn kiêng sẽ tốt hơn cho sức khỏe chứ không chỉ vóc dáng. Tuy nhiên, nghiên cứu của Pháp công bố tháng 3 năm 2022 trên tạp chí PLOS Medicine cho thấy nhóm thực phẩm này chứa chất tạo ngọt nhân tạo làm tăng nguy cơ ung thư.
Không phải thực phẩm ăn kiêng nào cũng tốt cho sức khỏe (Ảnh minh họa)
Ba loại chất làm ngọt nhân tạo thường được dùng nhất trong thực phẩm ăn kiêng gồm có: aspartame, sucralose và acesulfame-K. Chúng dễ tìm thấy nhất trong các loại soda không đường hoặc ít đường, thức uống đóng chai cho người ăn kiêng và các loại đường ăn kiêng giúp kiểm soát cân nặng.
Nghiên cứu kết luận rằng những người tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo này có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 13% so với thông thường. Trong đó aspartame và acesulfame-K là chất gây ung thư cao nhất.
Bạn không cần phải cắt bỏ hoàn toàn các loại thực phẩm ăn kiêng này, tuy nhiên hãy hạn chế sử dụng chúng. Ví dụ như đối với soda ăn kiêng, tuy rằng chúng bớt độc hại hơn soda thường nhưng vẫn có nguy cơ gây ung thư nên bạn chỉ nên uống nhiều nhất là 2 lần mỗi tuần, mỗi lần không quá 200ml.
Ngoài ra, trong nhà bếp còn rất nhiều “sát thủ” gây ung thư khác mà chúng ta ít để ý. Tiêu biểu như thực phẩm mốc, đũa hay thớt mốc… chứa aflatoxin - chất gây ung thư nguy hiểm hàng đầu được WHO cảnh báo nhiều lần. Các loại bát đũa giả sứ, hộp nhựa đựng thức ăn kém chất lượng… Vì vậy, hãy trang bị kiến thức và dọn dẹp nhà bếp thường xuyên, lựa chọn các vật dụng có xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt để bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như gia đình mình.