Trường hợp bệnh nhân Đ.T.Đ (57 tuổi, ngụ tại Khánh Hòa), cách đây 3 năm bệnh nhân đã được chẩn đoán u tuyến yên xâm lấn sàn sọ giữa. Người bệnh đã được phẫu thuật nội soi.

Sau phẫu thuật, người bệnh được theo dõi và kiểm tra MRI liên tục. Gần đây, khối u tiến triển, xâm lấn nhiều hơn vào hố sọ sau, xoang hang và hố thái dương 2 bên, các dây thần kinh sọ thấp gây các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, ù tai.

Người bệnh được chỉ định phẫu thuật nội soi và vi phẫu để lấy toàn bộ tổn thương, đồng thời tái tạo phần sàn sọ do khối u xâm lấn.

Ca mổ kéo dài 4 tiếng, sau đó người bệnh sẽ được theo dõi hậu phẫu để loại trừ các biến chứng nặng.

-than-kinh-bv-dhyd-tphcm-thuc-hien-ky-thuat-ket-hop-vi-noi-soi-va-vi-phau-dieu-tri-cac-u-san-so-phuc-tap-17007293067271894791253-1700735912206-17007359123591596843807.jpg

TS BS. Nguyễn Minh Anh, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, u sàn sọ gồm nhiều loại khác nhau, phát triển ở vị trí sàn sọ - là nơi tiếp giáp giữa phần não bên trên với các cấu trúc não bên dưới (hệ thống xoang mũi, ổ mắt, hố sọ giữa, hố sọ sau).

Các khối u sàn sọ thường gặp gồm: u màng não, u nguyên bào thần kinh khứu giác, u tuyến yên, u dây sống, u sọ hầu, u xương và sụn xương, các ung thư ở xoang cạnh mũi.

U sàn sọ có thể gồm các khối u lành tính hoặc ác tính di căn từ nơi khác tới. Trên thế giới, tỉ lệ mắc loại u này là khoảng 6.2/100.000 dân mỗi năm, tại Việt Nam chưa có số liệu cụ thể.

Triệu chứng của các khối u sàn sọ thường rất đa dạng, tuỳ thuộc vào kích thước, vị trí đặc thù, mức độ xâm lấn của các khối u với các cấu trúc xung quanh. Người bệnh thường chỉ phát hiện khối u khi đi tầm soát sức khoẻ.

Các dấu hiệu thường gặp của u sàn sọ có thể kể đến như:

- Tổn thương chèn ép thần kinh gây đau đầu (dễ bị nhầm lẫn với đau đầu thông thường), mờ mắt, nhìn đôi, nuốt khó hoặc sặc khi ăn uống, tê bì vùng mặt 1 hoặc 2 bên, tê/yếu chi tiến triển theo thời gian;

- Rối loạn nội tiết do suy hệ dưới đồi - tuyến yên gây mệt mỏi, ăn kém, sút cân, tiểu nhiều…;

- Các tổn thương vùng thấp dưới sàn sọ gây nghẹt mũi, chảy máu mũi, mất mùi…

ThS BS. Phạm Thanh Bình – Khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho hay, đối với các tổn thương sàn sọ lớn, phức tạp, lan tới cả vùng trên và dưới sàn sọ, việc tiếp cận khối u bằng vi phẫu thuật giúp các bác sĩ có thể tối ưu hoá góc nhìn, tiếp cận tổn thương từ nhiều hướng để có thể lấy bỏ tối đa tổn thương, đồng thời tăng tính an toàn cho người bệnh.

Ngoài ra, phương pháp mới như phương pháp phẫu thuật nội soi qua mũi - xoang lấy các tổn thương sàn sọ cũng ngày càng được phát triển và mở rộng trong việc tiếp cận nhiều tổn thương khó mà trước kia không thể phẫu thuật chẳng hạn như: u hốc mắt, u vùng xương bản vuông…

Trước khi trải qua phẫu thuật khối u sàn sọ, người bệnh cần được khám toàn trạng, chụp MRI sọ não, đánh giá mức độ xâm lấn của khối u. Người bệnh được khám tiền mê, đánh giá toàn trạng, vệ sinh vùng mổ trước 1 ngày. Ngay trước khi mổ, người bệnh được tiêm kháng sinh dự phòng.

Trong quá trình phẫu thuật, hầu hết người bệnh sẽ được gắn thiết bị định vị khối u, các thiết bị theo dõi điện sinh lý thần kinh để theo dõi liên tục sự toàn vẹn của hệ thống thần kinh, các dây thần kinh sọ não trong mổ, nhằm cảnh báo và hạn chế tối đa tổn thương thần kinh cho người bệnh trong suốt quá trình phẫu thuật.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022