Bệnh nhân nữ (18 tuổi, tại Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng đau bụng kéo dài, ăn uống kém, buồn nôn, nôn sau ăn và sụt 9kg chỉ trong 2-3 tháng.

Trước đó, người bệnh từng được nội soi tại một cơ sở y tế khác và được chẩn đoán viêm dạ dày. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM), qua nội soi và sinh thiết, bác sĩ phát hiện tình trạng ung thư dạ dày thể lan tỏa (linitis plastica), khối u xâm lấn tụy, mạc treo đại tràng ngang và di căn phúc mạc ổ bụng.

Bệnh nhân được hội chẩn và xây dựng phác đồ điều trị đa mô thức, cá thể hóa theo đặc điểm sinh học phân tử của khối u. Người bệnh được thực hiện xét nghiệm đột biến thụ thể của tế bào khối u, phát hiện có biểu hiện thụ thể PD-L1, từ đó giúp các bác sĩ chỉ định thuốc điều trị thuốc tốt nhất hiện nay bằng cách phối hợp liệu pháp miễn dịch với hoá trị toàn thân ngay từ đầu.

pgs-ts-bs-vo-duy-long-pho-truong-khoa-ngoai-tieu-hoa-tham-kham-nguoi-benh-1753175902296911199530-1753251402294-17532514023981572876566.jpg

Các bác sĩ thăm khám bệnh nhân 18 tuổi mắc ung thư dạ dày (ảnh M.Trí).

Sau 6 đợt điều trị kéo dài hơn 4 tháng, người bệnh đáp ứng rất tốt với phác đồ trên: các ổ di căn giảm 90% kích thước, khối u chính thu nhỏ rõ rệt. Người bệnh tăng 10kg, cải thiện thể trạng và sinh hoạt gần như bình thường.

  • landscapeavatarcopy18700fb13e-a35a-4d6b-a3ee-da0ae15c251e-17531051446901321112385-0-0-500-800-crop-1753105190811142018494.jpg

    Tưởng đẹp tự nhiên không "dao kéo", "em xinh" Phương Ly cuối cùng cũng tiết lộ sự thật đã can thiệp 1 bộ phận trên khuôn mặt

Quá trình điều trị của bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt nên đủ điều kiện phẫu thuật. Ê-kíp điều trị thực hiện phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày, nạo hạch, sinh thiết các vị trí từng có di căn. Ca mổ diễn ra an toàn, thuận lợi. Người bệnh hồi phục nhanh, ăn uống, đi lại bình thường và xuất viện sau mổ 7 ngày. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ ghi nhận đáp ứng gần hoàn toàn: chỉ còn khoảng 10% tế bào ác tính tại khối u chính, các ổ di căn trong ổ bụng trước điều trị không còn tế bào ung thư.

Các khảo sát về đột biến gen và ADN ung thư lưu hành trong máu cũng đã được thực hiện để cung cấp những thông tin cá thể hóa nhằm tiên lượng và theo dõi điều trị. Người bệnh sẽ tiếp tục được theo dõi sát bằng những phương tiện tiên tiến và cân nhắc điều trị bổ sung (liệu pháp miễn dịch duy trì) để giảm nguy cơ tái phát.

Ung thư dạ dày trẻ hoá

Theo các chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, ung thư dạ dày thường xuất hiện ở người trên 60 tuổi. Việc một bệnh nhân mới 18 tuổi mắc ung thư dạ dày di căn xa là lời cảnh báo xu hướng trẻ hóa của bệnh lý này.

PGS TS BS. Võ Duy Long, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hoá, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết hiện nay nguyên nhân chính xác gây ung thư dạ dày vẫn chưa được xác định rõ ràng, ngoại trừ việc nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).

Ngoài yếu tố vi khuẩn, tiền sử gia đình cũng là một yếu tố đáng lưu ý. Những người có người thân từng mắc ung thư dạ dày có nguy cơ mắc bệnh cao so với người không có yếu tố này.

Chế độ ăn uống không lành mạnh được cho là một trong những tác nhân hàng đầu làm gia tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Thói quen tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa muối, đồ ăn ủ chua, hun khói hay thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh... có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày và làm tăng nguy cơ hình thành tế bào ác tính.

Bên cạnh đó, lối sống ít vận động, chế độ ăn nghèo chất xơ cũng góp phần thúc đẩy nguy cơ mắc bệnh. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm hút thuốc lá (kể cả hút thụ động), sự hiện diện của polyp dạ dày, viêm dạ dày mạn tính…

Các chuyên gia khuyến cáo, việc thay đổi lối sống, duy trì chế độ ăn cân bằng, tăng cường vận động, kiểm tra sức khỏe định kỳ và điều trị triệt để vi khuẩn HP nếu có là những biện pháp quan trọng giúp phòng ngừa ung thư dạ dày.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022