Tiễn những khách hàng cuối cùng trong ngày, chủ quán trà 27 tuổi Yao Qin chuyển sang trả lời các câu hỏi online của khách. Đứng gần Yao, nhân viên của cô đang bận đóng gói các túi trà.
Sau đó, họ ngồi cạnh nhau, trò chuyện và uống trà sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Dựa vào cách cả hai nói chuyện, người ngoài phần nào đoán được mối quan hệ của họ thân thiết hơn mức người chủ và nhân viên thông thường. Lý do đằng sau là khi Yao mở quán trà vào mùa hè năm ngoái, người cô thuê duy nhất là mẹ cô, Global Times đưa tin.
Bên cạnh những người tìm kiếm việc làm ổn định với sự giúp đỡ của cha mẹ, nhiều người thuộc thế hệ Gen Z (sinh trong giai đoạn năm 1997-2012) ở Trung Quốc thích đứng ra tự làm chủ việc kinh doanh hơn. Không ít người thuê luôn bố mẹ làm nhân viên, trở thành ông/bà chủ trẻ trong gia đình.
"Tôi sẽ tăng lương cho mẹ tôi sau khi cửa hàng phát triển tốt hơn", Yao cho biết.
Yao Qin (trái) và mẹ uống trà trong quán của họ. Ảnh:
Con làm quản lý, bố mẹ làm cấp dưới
Những người thuộc thế hệ trẻ tuổi có thể bắt đầu bằng việc tiếp quản công việc kinh doanh của cha mẹ mình - chẳng hạn như một cửa hàng quần áo - sau đó chuyển đổi để đáp ứng thị hiếu đang thay đổi của giới trẻ.
Mẹ của Yao từng điều hành một quán trà kiểu cũ ở quê nhà ở thành phố Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc.
Yao không thích những quán trà truyền thống có mùi vị khá nặng. Nhóm khách thích loại trà này hầu hết đã trên 40 tuổi và chủ yếu đến để mua các sản phẩm đóng gói sẵn, thay vì gọi một bình trà rồi ngồi nhâm nhi, thưởng thức.
"Điều này đã lỗi thời", Yao nhận xét. Cô gái 27 tuổi thích một quán trà yên tĩnh, giống như quán cà phê, nơi những vị khách trẻ tuổi muốn tìm đến.
Tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, nhà thiết kế thời trang 25 tuổi Guan Yishu tiếp quản xưởng thiết kế quần áo của cha mẹ cô, nơi suýt phải đóng cửa do kinh doanh thua lỗ.
Nguyên nhân phần lớn là do các mẫu quần áo làm ra có kiểu dáng, màu sắc đã lỗi thời.
Thuê người nhà, cụ thể là cha mẹ, nhiều đứa con cũng giúp cuộc sống của phụ huynh tích cực hơn nhờ có công ăn việc làm hàng ngày. Ảnh:
Cha mẹ của Guan đều là những thợ may giàu kinh nghiệm, đặc biệt là mẹ cô, người thành thạo kỹ năng thêu truyền thống vốn đòi hỏi độ khó.
Hai người đã điều hành xưởng thiết kế trong hơn 20 năm, nhưng công việc kinh doanh xuống dốc. Dưới mắt nhìn của Guan, các mẫu thiết kế do cha mẹ cô làm ra đẹp nhưng "quá gò bó".
"Chúng tôi thực sự nghĩ đến việc đóng cửa khi họ chỉ có hai khách hàng trong ba tháng. Thiết kế của họ đã cũ, không còn hợp thời trang hiện đại", Guan chỉ ra.
Thay đổi cuộc sống cha mẹ
So với thế hệ cha mẹ của họ, Gen Z ở Trung Quốc dễ dàng tìm kiếm thông tin hơn trong thời đại kỹ thuật số và thường nhạy cảm hơn với những thay đổi trên thị trường.
Tháng 5 năm ngoái, sau khi thuyết phục thành công mẹ đóng cửa quán trà kiểu cũ, Yao mở một quán trà mới, trang trí kết hợp giữa phong cách của Trung Quốc và Nhật Bản ở khu trung tâm của thành phố.
Yao cho hay quán trà của mình tập trung vào trải nghiệm uống trà hơn là bán các sản phẩm công nghiệp đóng gói. Tại quán trà của cô, hai người có thể thưởng thức một bình trà với giá 35 nhân dân tệ ( 5 USD ).
Hiện tại, 90% khách hàng của Yao dưới 30 tuổi. “Một số khách hàng thậm chí còn viết thư động viên tôi. Sự hỗ trợ của họ mang lại sự tự tin rằng tôi đang làm điều đúng đắn", Yao kể lại.
Người trẻ Trung Quốc thuê bố mẹ làm việc cho họ. Ảnh minh họa:
Trong khi đó, với lợi thế là tình yêu của gia đình đối với thiết kế thời trang, Guan đã vực dậy lại studio của cha mẹ mình bằng cách tung ra bộ sưu tập mới.
Bộ sưu tập pha trộn giữa kỹ thuật thêu truyền thống với các thiết kế hợp mốt. Các chi tiết thêu như hoa mẫu đơn và cá koi được lồng ghép trên các mẫu áo khoác bomber hay trên quần jean, cùng mũ bucket lấy cảm hứng từ nhạc rap.
Guan thích chúng bởi những mẫu thiết kế này đặc biệt phổ biến trong giới trẻ. Là một phần trong chiến lược kinh doanh của mình, Guan tiến hành bán hàng, quảng cáo qua livestream, cố gắng tiếp cận cả khách nước ngoài.
"Khi tôi đăng các mặt hàng lên mạng xã hội, tôi nhận được lời đề nghị từ một thương hiệu văn hóa đại chúng thời nổi tiếng muốn hợp tác. Tôi đoán đó là cách tận dụng truyền thống cứu chúng tôi khỏi phá sản", Guan nói.
Đôi khi, việc để những người con trẻ tuổi làm chủ, tham gia kinh doanh không chỉ có thể vực dậy một cửa hàng mà còn mang lại cho cha mẹ họ những thay đổi tích cực trong cuộc sống.
Jun Xiuming, quản lý một quầy bán sữa ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc và đã thuê mẹ cô làm nhân viên.
"Mẹ tôi ở nhà nội trợ hàng chục năm. Bà chưa bao giờ đi làm cho đến khi tôi thuê. Lúc đầu tôi nghĩ, bà không có khả năng đảm đương quá nhiều việc, đặc biệt là tính toán và sổ sách", Jun nhớ lại.
Tuy nhiên, tài quản lý điều hành cửa hàng của mẹ cô sau này đã gây ấn tượng với Jun bởi sự am hiểu về các sản phẩm và cách cư xử hòa nhã với mọi khách hàng, điều không nhân viên trẻ tuổi nào trong nhà hàng có thể sánh kịp.
"Điểm sáng của mẹ tôi suýt nữa có thể đã không bao giờ được phát hiện ra", Jun nói.
Trong khi đó, sau khi việc kinh doanh tiến triển, Guan đã dành tiền mua cho bố mẹ một căn nhà có sân nhỏ trị giá khoảng 350.000 nhân dân tệ.
Các nhà sách đang trở lại
Sau đại dịch, nhiều khách hàng chán ngấy thời gian phải giải trí trên màn hình và tìm đến mua sách ở cửa hàng theo cách truyền thống. Với cửa hàng mới, không gian sẽ được phân chia, có khu vực đọc sách và nơi bán nước giải khát, cà phê. Riêng tại Mỹ, trong năm qua, hơn 300 hiệu sách độc lập mới mọc lên khắp cả nước, trong một sự hồi sinh đáng ngạc nhiên và đáng hoan nghênh sau thời kỳ đầu suy thoái do đại dịch.