Theo dữ liệu từ Eurostat, trong tháng 3, Ba Lan nhập khẩu 2.100 tấn dưa chuột từ Nga, tăng gấp 2,5 lần so với hồi tháng 2 và cao hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Theo Rzeczpospolita, một tờ báo lớn của Ba Lan, người tiêu dùng nước này đánh giá cao chất lượng dưa chuột của Nga vì độ giòn, vị ngọt và giá cả phải chăng.

Trong tổng số 3,25 triệu euro mà Ba Lan chi cho dưa chuột nhập khẩu trong tháng 3, Nga chiếm tới 83% với 2,7 triệu euro, bỏ xa Thổ Nhĩ Kỳ (241.000 euro), Belarus (194.000 euro) và Ukraine (79.000 euro).

Ba Lan hiện là quốc gia nhập khẩu dưa chuột lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Tổng kim ngạch nhập khẩu dưa chuột của EU trong tháng 3 đạt 9,1 triệu euro, giảm 7,5% so với tháng trước, nhưng tăng trưởng nhập khẩu từ Nga vào Ba Lan là một điểm đáng chú ý.

Dưa chuột là loại thực phẩm phổ biến trong ẩm thực Ba Lan, được sử dụng rộng rãi trong các món salad, dưa muối (ogórki kiszone) và các món ăn truyền thống. Nhu cầu tiêu thụ dưa chuột tại Ba Lan rất lớn, đặc biệt là dưa chuột trồng trong nhà kính, vốn có thể cung cấp quanh năm.

Nga, với ngành nông nghiệp nhà kính phát triển mạnh mẽ, đã đáp ứng được nhu cầu này một cách hiệu quả. Các tập đoàn nông nghiệp Nga như RusAgro, Eco-Culture đã đầu tư mạnh vào công nghệ trồng trọt hiện đại, cho phép sản xuất dưa chuột với năng suất cao, chất lượng ổn định và giá cả cạnh tranh.

1-1747875599-6316-1747875809.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=--KM86gjuoMivOF5Hteaiw

Dưa chuột muối của Nga. Ảnh: MoscowTimes

Các tập đoàn nông nghiệp lớn như Eco-Culture đã áp dụng công nghệ tiên tiến từ Hà Lan, Israel, trong đó có hệ thống tưới nhỏ giọt và kiểm soát nhiệt độ, để tối ưu hóa sản lượng và chất lượng dưa chuột.

Theo RIA Novosti, Nga đã tăng diện tích nhà kính lên hơn 3.000 ha vào năm 2024, với sản lượng dưa chuột đạt hàng trăm nghìn tấn mỗi năm. Các giống dưa chuột nếp và dưa chuột tự thụ phấn được trồng rộng rãi nhờ khả năng kháng bệnh, năng suất cao và thời gian thu hoạch ngắn, khoảng 40-60 ngày sau khi gieo hạt. Những giống này phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của Nga và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU.

Ngoài ra, Nga cũng tận dụng các tuyến logistics ngắn hơn để xuất khẩu sang Ba Lan. Các lô hàng dưa chuột thường được vận chuyển qua Belarus hoặc trực tiếp qua biên giới Nga - Ba Lan, giúp giảm chi phí và thời gian so với nguồn cung từ Nam Âu hay Trung Đông.

Các yếu tố này giúp dưa chuột Nga không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt là ở các nước láng giềng như Ba Lan. Theo Sputnik Polska, các nhà nhập khẩu Ba Lan đánh giá cao sự ổn định trong nguồn cung từ Nga, đặc biệt trong mùa đông, khi sản lượng dưa chuột nội địa của Ba Lan sụt giảm mạnh.

Nga đã tận dụng lợi thế về chi phí sản xuất thấp và hệ thống logistics hiệu quả để đưa dưa chuột vào thị trường Ba Lan. Trong khi các nhà cung cấp khác như Thổ Nhĩ Kỳ hay Ukraine phải đối mặt với chi phí vận chuyển cao hơn hoặc các vấn đề về nguồn cung do thời tiết, Nga có thể cung cấp sản phẩm ổn định với giá cả hợp lý.

Nền tảng theo dõi giá nông sản toàn cầu Tridge cho biết giá bán buôn dưa chuột Nga dao động 1,2-1,5 euro/kg trong năm 2025, thấp hơn so với sản phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ (1,8-2 euro/kg) và Hà Lan (2-2,5 euro/kg). Chi phí sản xuất thấp, kết hợp với đồng rouble suy yếu, đã tạo lợi thế cho Nga trên thị trường xuất khẩu.

Quan hệ giữa Nga và Ba Lan xấu đi kể từ năm 2014 và trở nên căng thẳng khi EU áp đặt các lệnh cấm vận lên Nga do xung đột ở Ukraine. Ba Lan, một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt, nhiều lần gọi Nga là "quốc gia không thân thiện".

Tuy nhiên, thương mại nông sản, đặc biệt là dưa chuột, vẫn diễn ra sôi động. Trang Dziennik Gazeta Prawna của Ba Lan chỉ ra rằng dù quan hệ chính trị giữa hai nước đi xuống, các nhà nhập khẩu Ba Lan vẫn ưu tiên lợi ích kinh tế khi tăng nhập khẩu dưa chuột Nga, vốn đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về chất lượng và giá cả. Các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Ba Lan dường như cũng không quá bận tâm đến nguồn gốc dưa chuột.

Theo giới quan sát, việc Nga trở thành nhà cung cấp dưa chuột hàng đầu cho Ba Lan là minh chứng cho sự phức tạp của thương mại quốc tế trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị. Dù bị xem là "quốc gia không thân thiện", Nga vẫn chinh phục thị trường Ba Lan nhờ chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh và logistics hiệu quả.

Tuy nhiên, một số nhà bình luận ở Ba Lan cho rằng chính phủ nước này nên áp đặt các hạn chế cụ thể đối với nhập khẩu nông sản Nga để phù hợp với lập trường chính trị.

Nhà kinh tế học Nga Andrey Bunich cũng cho rằng việc Nga đứng đầu trong nhóm quốc gia xuất khẩu dưa chuột sang Ba Lan là "kỳ lạ", đặc biệt khi giá dưa chuột trong nước Nga đang tăng.

Theo Bunich, chính phủ Nga cũng cần giám sát chặt chẽ hơn các dòng hàng hóa xuất khẩu để đảm bảo lợi ích nội địa không bị ảnh hưởng. Ông đề xuất thành lập một cơ quan chuyên trách để kiểm soát xuất nhập khẩu, tương tự như cơ chế áp thuế xuất khẩu xăng khi giá trong nước tăng cao.

Phong Lâm (Theo Svpressa)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022