Cả hai đều là những người thuộc thế hệ phóng viên trẻ của Ban Thời sự dù tuổi đời đã gần 30. Trong gần 10 năm làm nghề, Khuất Minh và Nam Việt đã trải qua rất nhiều sự kiện đặc biệt nhưng với cả Minh và Việt đều cho rằng việc được giao tác nghiệp khi chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam hồi hương từ Mỹ trở về trong đại dịch COVID-19 có thể coi là một cơ hội hiếm hoi để họ làm nghề.
Phóng viên Khuất Minh và quay phim Nam Việt
Nhớ lại khoảnh khắc nhìn thấy chiếc máy bay của Vietnam Airlines khi chỉ mới là một đốm sáng nhỏ trên bầu trời cho đến khi hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, cả Minh và Việt đều cảm thấy vô cùng xúc động. Và Khuất Minh - nữ phóng viên duy nhất trong ê-kíp tác nghiệp hôm đó của Ban Thời sự đã rưng rưng khi nhắc đến giây phút này trong cuộc phỏng vấn. Cả hai cũng đều đồng tình rằng đó sẽ là một trong những hình ảnh gây ám ảnh cho khán giả sau khi bộ phim "Trở về từ vùng dịch" được phát sóng.
Chuyến bay này "đến" với hai bạn như thế nào?
PV Khuất Minh: Tôi là phóng viên theo dõi mảng Hàng không của Ban Thời sự. Chuyến bay để đón công dân Việt Nam hồi hương là một trong những chuyến bay mà chúng tôi đã biết trước lịch. Dù vậy, để tiếp cận những chuyến bay như thế này là rất khó bởi việc mình biết và việc mình được tham gia vào các chuyến bay đó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Tôi có nhận được chỉ đạo từ lãnh đạo Ban Thời sự với nhiệm vụ là phóng viên tác nghiệp tại đầu Việt Nam để đón chuyến bay này. Song song với việc chúng tôi phải thực hiện đưa tin cho các bản tin Thời sự, thì đó cũng sẽ là một phần trong VTV Đặc biệt "Trở về từ vùng dịch".
QP Nam Việt: Chị Khuất Minh là người đã "rủ" tôi đi cùng chuyến tác nghiệp này. Tôi và chị Minh cũng đã làm việc với nhau rất nhiều lần và tôi nghĩ chúng tôi, gồm cả anh Việt Thanh phụ trách kỹ thuật hay anh Đức Dũng lái xe là một đội hiểu nhau và làm việc ăn ý. Đối với lần tác nghiệp này, đó là điều chúng tôi cần.
Việc phối hợp giữa phóng viên của các đơn vị ra sao khi vướng khoảng cách địa lý và bị chênh về mặt thời gian?
QP Nam Việt: Đối với quay phim, tôi cũng đã được đọc và trao đổi kịch bản chung. Hình dung ra hình ảnh mình quay như thế nào, chọn góc quay ra sao. Tôi nghĩ mình đã cố gắng nhanh nhất chọn được những cảnh theo mạch của câu chuyện.
PV Khuất Minh: Về phía nội dung, ban đầu tôi đã trao đổi với anh Lê Minh, thường trú Đài THVN tại California, Mỹ về những chi tiết, cách tiếp cận trên máy bay như thế nào. Sau đó, tôi thực hiện lên khung kịch bản phần này của câu chuyện. Còn với ê-kíp sản xuất ở bên Mỹ có anh Lê Minh, anh Trọng Đức (Cơ quan thường trú tại Mỹ, chị Thu Hà (Ban truyền hình đối ngoại) thì chúng tôi đã làm việc liên tục trên hai khoảng thời gian lệch nhau, ở Mỹ ban ngày thì Việt Nam là tối và ngược lại. Bởi thời gian đã vô cùng gấp rút.
Khó khăn hai bạn phải đối mặt trong chuyến tác nghiệp này gồm những gì?
PV Khuất Minh: Chính xác là tôi nhận nhiệm vụ chỉ trước đó gần 3 ngày khi có lịch bay dự kiến ban đầu là về ngày 03/5/2020. Đó là một nhiệm vụ không hề đơn giản, chuyến bay này không giống chuyến bay thương mại đơn thuần khác và các chuyến bay đã đưa công dân Việt Nam hồi hương mà Việt Nam đã thực hiện. Đây cũng là chuyến bay thẳng đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ, bao gồm rất nhiều yếu tố nhạy cảm khác. Hơn nữa, nước Mỹ lúc đó là đúng thời điểm dịch đang căng thẳng.
Tôi đã liên hệ với rất nhiều bên liên quan để làm sao vừa hỗ trợ cho các đồng nghiệp VTV tại Mỹ và làm sao để có sự tác nghiệp tốt nhất cho ê-kíp của mình tại Việt Nam. Lãnh đạo Ban Thời sự cũng phải gửi công văn đến với bộ ngành, cơ quan liên quan để chúng tôi có thể tác nghiệp được trong chuyến bay này. Là ê-kíp sản xuất tại Việt Nam, tôi cũng đã cùng các anh chị bên Mỹ làm sao hỗ trợ tốt nhất để đồng nghiệp của tôi có thể tác nghiệp trên chuyến bay. Tôi đã phải làm việc và liên hệ trước với phi hành đoàn, phi công, tổ bay để nhờ mọi người hỗ trợ. Trên máy bay không đơn giản là chuyện muốn là được quay, vì đó là ở một "không phận hoàn toàn khác". Tất cả muốn làm gì và làm như thế nào đều phải có ý kiến của cơ trưởng.
Ở thời điểm dịch, tôi còn đặt vấn đề nhờ họ chuẩn bị trước đồ bảo hộ cho ê-kíp của chị Hà và anh Đức, bởi họ phải di chuyển trên máy bay trong suốt hành trình. Mà lúc đó, nguyên tắc trên những chuyến bay đưa công dân Việt Nam hồi hương như thế này là không được di chuyển trừ khi đi vệ sinh. Chúng tôi lo lắng cho an toàn của đồng nghiệp mình. Nếu không có sự liên hệ, sắp xếp trước thì việc tác nghiệp của anh chị em chúng tôi là rất khó khăn. May mắn là mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ và mọi người đáp xuống sân bay Vân Đồn an toàn.
QP Nam Việt: Khi máy bay chuẩn bị xuống, tôi đã ra đường băng đứng chờ 20 phút, chỉ chờ đúng khoảnh khắc máy bay đáp xuống sân bay Vân Đồn để ghi lại. Đó là một cú máy rất dài. Sau khi quay xong cảnh máy bay hạ cánh, tôi chạy rất nhanh nhất có thể để ra điểm đỗ của máy bay tiếp tục ghi lại cảnh hành khách xuống. Mọi người cũng có thể hình dung được khoảng cách từ khi máy bay hạ cánh đến lúc dừng lại ở điểm đỗ là gần 800m. Tôi đã chạy trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi chảy mờ kính bảo hộ, không nhìn thấy bất cứ thứ gì. Việc đeo khẩu trang rồi chạy thế khiến tôi không thở được khi vác gần 20kg thiết bị trên người. Khi thực hiện cú máy phỏng vấn cơ trưởng trong khoang lái, tôi gần như chỉ cảm nhận bằng cảm giác, tính khoảng cách đến nhân vật và lấy nét vì không nhìn được gì mà tay không được sờ lên mắt mũi.
Bạn tưởng tượng là tôi và anh Việt Thanh phụ trách kỹ thuật ở 2 đầu sân bay, tôi quay thật nhanh, anh ý dựng thật nhanh. Còn chị Khuất Minh cứ chạy qua chạy lại giữa 2 đầu. Để đảm bảo làm sao chúng tôi kịp tin cho bản tin Thời sự 19h tối hôm đó. 19h máy bay hạ cánh, 19h20 những hình ảnh của chuyến bay đó đã có trên sóng của bản tin thời sự.
Nỗi lo dịch bệnh lúc đó trong các bạn như thế nào?
QP Nam Việt: Tôi có con nhỏ nên cũng khá lo lắng và sợ. 2 tuần sau khi về, tôi theo dõi chuyến bay hàng ngày, cứ thấy thông báo có người nhiễm bệnh là kiểm tra xem có ở chuyến mình tác nghiệp không. Khi chị Hà có kết quả âm tính 2 lần, tổ tiếp viên cũng thế thì chúng tôi mới yên tâm không sao và thở phào nhẹ nhõm. Họ không sao, hành khách không sao thì mình sẽ không sao. Chúng tôi cũng cảm thấy may mắn bởi chuyến bay mình tác nghiệp không có hành khách nào dương tính, nếu có chắc chúng tôi sẽ không chỉ bị ảnh hưởng về sức khoẻ mà còn bị ảnh hưởng nhiều về tâm lý.
PV Khuất Minh: Cả bình thường lẫn trong dịch COVID-19, tôi đã từng lên sân bay nhiều lần để tác nghiệp. Và trước chuyến bay này, tôi đã tác nghiệp trong những chuyến bay cuối cùng từ quốc tế trở về Việt Nam và sau đó Việt Nam đóng của bầu trời. Nói không sợ thì không đúng nhưng khi làm nghề thì mình quên đi. Ở Nội Bài, chúng tôi vẫn bảo nhau là mình cũng ở tuyến đầu mà.
Trong những chuyến bay thương mại cuối cùng được bay về Việt Nam thì cũng có người bị nhiễm nhưng may mắn chúng tôi không sao. Khi tác nghiệp, chúng tôi buộc phải trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, đeo kính như các bác sĩ. Ở bệnh viện, khu cách li thì bạn có thể biết ai bị nhiễm nhưng ở sân bay thì khác. Như chuyến bay VN1 đầu tiên, trong số 340 hành khách thì bạn không thể biết ai là người nhiễm ai là người không. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác, sợ nhưng làm thì đã quên đi mất, đến lúc mệt quá thì không ai để ý nữa, chỉ biết rằng mình đã bảo hộ tốt nhất một cách có thể nên tự nhủ sẽ không sao. Lúc về thì chúng tôi cũng hạn chế nói với bạn bè, người thân và hạn chế cả tiếp xúc với mọi người, tự ý thức cách ly và hạn chế gặp gia đình.
Trong bộ phim này, đâu là hình ảnh hai bạn nghĩ ấn tượng nhất?
PV Khuất Minh: Hình ảnh xúc động nhất với tôi có lẽ là khi máy bay khi bắt đầu đáp xuống. Nhìn thấy nó, tôi cũng thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng, sau hơn một tháng trời với nỗ lực của biết bao người, chuyến bay đã an toàn trở về Việt Nam. Hình ảnh chuyến bay đáp xuống là 1 đúp quay rất dài và tiếng ồn phát ra từ máy bay lúc đó với tôi nó rất khác những tiếng ồn máy bay tôi đã từng nghe. Và đó là tiếng ồn mà rất rất nhiều người mong được nghe thấy. Còn một hình ảnh nữa tôi nghĩ cũng sẽ rất xúc động là khi các bạn học sinh, công dân Việt Nam ngồi chờ ở sân bay San Franisco, Mỹ khi thấy tổ tiếp viên của mình đi qua, thấy máy bay Việt Nam. Tôi nghĩ hai hình ảnh sẽ chạm đến tim khán giả và đưa đến một sự xúc động rất lớn.
Quay phim Nam Việt: Tôi thì đã có có hội nhiều lần tác nghiệp, thậm chí trong đợt dịch bệnh COVID-19 cũng vẫn làm việc như ngày thường. Nhưng đối với tôi, lúc tôi đứng ở đường băng và ghi lại cảnh máy bay hạ cánh, thực sự tôi cũng rất cảm xúc.
Các bạn nghĩ bộ phim này được phát sóng ở thời điểm hiện tại sẽ có hiệu ứng như thế nào?
PV Khuất Minh: Ở Việt Nam thì thời điểm này chúng ta đã khống chế được dịch. Tôi nghĩ đến lúc này mọi người tĩnh tâm lại hơn. Khi xem VTV Đặc biệt tháng 7, khán giả sẽ thấy công tác phòng chống dịch ở nước ta tốt như thế nào và sự nỗ lực của chính phủ, của nhà nước và các đơn vị lớn ra sao để có thể thực hiện được những chuyến bay bảo hộ công dân về nước như thế này. Cực kỳ khó khăn để có được chuyến bay thẳng vào không phận Mỹ. Có rất nhiều chuyến bay khác thực hiện đưa công dân Việt Nam về nước nhưng chuyến bay này có lẽ sẽ ghi lại trong lịch sử, bởi trước đó chúng ta chưa có chuyến bay thương mại thẳng nào giữa Việt Nam và Mỹ.
QP Nam Việt: Tôi nghĩ khán giả ở thời điểm này khi xem bộ phim sẽ đọng lại nhiều cảm xúc hơn sau khi đã có quá nhiều tin tức dồn dập được đưa về dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua.
Điều gì khiến hai bạn cảm thấy thấy tiếc nuối nhất và phải nói "giá như"…?
QP Nam Việt: Tôi cảm thấy tiếc và chưa hài lòng khi không ghi được nhiều hơn các hình ảnh. Thực sự lúc đó chúng tôi đã rất mệt bởi hành trình đi từ 11h trưa đến sân bay Vân Đồn và tới hơn 22h mới kết thúc công việc và về đến Hà Nội vào khoảng 1h sáng.
PV Khuất Minh: Nếu có nhiều thời gian hơn nữa thì chúng tôi sẽ còn nhiều góc khác và kỹ hơn chứ không chỉ là diễn biến ở sân bay Vân Đồn.
Sau chuyến tác nghiệp này, Minh và Việt có thêm được kinh nghiệm gì cho mình?
PV Khuất Minh: Tôi nghĩ đó là việc mình có nhận thức cao hơn về chính trị, về công tác của chính phủ để thực hiện chuyến bay này và truyển tải đúng nhất những nỗ lực của Việt Nam khi bảo hộ công dân về nước cho khán giả. Chúng tôi có cơ hội mà không phải phóng viên nào cũng có đó là ghi lại một phần lịch sử, là trải nghiệm nghề, làm nghề. Đó là điều được nhất sau toàn bộ quá trình tác nghiệp vào mùa dịch. Đợt đó, tôi lên sân bay cũng khoảng 3,4 lần và về đồng nghiệp hay nói đùa nhau: "Nó mới đi sân bay về đấy, tránh ra một chút". Chúng tôi cũng trong danh sách làm việc tại khu dã chiến của VTV trong 1 tháng liền, không lên khu vực văn phòng bình thường của chúng tôi. Dù có buồn một chút nhưng vẫn động viên nhau. Chúng tôi nói với nhau rằng đây nhiệm vụ thì phải chấp hành, an toàn cho mình và an toàn cho cả mọi người.
QP Nam Việt: Trong suốt tháng dịch, tôi không thể đếm được số lần tác nghiệp, ra đường đi làm thời điểm đó là đã có nguy cơ bị nhiễm, chứ đừng nói đến việc phải đi đến những nơi có dịch. Chúng tôi cứ ở khu dã chiến của VTV đúng một tháng, nhận tất cả chỉ đạo qua điện thoại.
Thông qua bộ phim tài liệu, hai bạn mong muốn sẽ truyền tải được thông điệp gì?
PV Khuất Minh: Trong chuyến bay có rất nhiều em du học sinh, và tôi nghĩ nhiều em du học sinh còn rất non nớt, chưa thật sự hiểu được hết ý nghĩa, sự nỗ lực, khó khăn để đưa được các em, công dân mình trở về thì sẽ hiểu khi xem bộ phim này. Bố mẹ các em khi xem lại bộ phim này cũng sẽ thấy được hành trình con mình đã trải qua.
Và nếu không có bộ phim này, thì không chỉ có chúng ta ở trong nước mà cộng đồng người việt ở nước ngoài cũng không có cơ hội để biết một cách đầy đủ nhất nỗ lực của Việt Nam, với nhiều góc của vấn đề. Để ghi hình được chuyến bay này là điều không hề đơn giản với toàn bộ ekip VTV, là thử thách và cũng là khó khăn mà chúng tôi đã thực hiện được.
Cảm ơn hai bạn về cuộc phỏng vấn!
Bộ phim tài liệu "Trở về từ vùng dịch" - VTV Đặc biệt tháng 7 sẽ được phát sóng vào 20h10 trên kênh VTV1 vào ngày 1/7/2020. Bộ phim do Ban Thời sự, Ban Truyền hình đối ngoại và Văn phòng thường trú VTV tại California phối hợp sản xuất.
Thực hiện tháng 6/2020.
Chu Anh - Ảnh: NVCC
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!