Nhiều chuyên gia tại Hàn Quốc đang lên án hành động của cặp cha mẹ trong vụ cả gia đình Hàn Quốc mất tích tại đảo Wando, tỉnh Jeolla Nam.

Họ cho rằng quyết định của cặp phụ huynh này là hành vi "bạo hành trẻ em" và trên thực tế là "sát hại". Các chuyên gia nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải mở rộng mạng lưới an toàn xã hội, cho rằng vụ việc nên là một vấn đề đáng phẫn nộ chứ không đáng thông cảm, đặc biệt là khi có liên quan đến quyền lợi trẻ em.

Vào sáng hôm 29/6, cảnh sát đã trục vớt thành công chiếc xe của gia đình em Cho Yu-na, 10 tuổi, từ vùng biển gần cảng Songgok, đảo Wando. Họ đã tìm được chiếc xe chìm sâu 10 mét dưới biển cùng thi thể 3 người sau 1 tuần nỗ lực tìm kiếm cả gia đình mất tích.

"Không phải tự tử đồng hành"

Khi cảnh sát đang điều tra cái chết của gia đình nhà Cho vào hôm 3/7, nhiều nghi vấn đang được đặt vào khả năng "quyết định cực đoan" của cặp cha mẹ do thất bại trong đầu tư và khó khăn tài chính.

Cảnh sát xác nhận người cha 36 tuổi đã đầu tư 130 triệu won (2,3 tỷ đồng) vào tiền điện tử từ tháng 3 đến tháng 6 năm ngoái và thua lỗ 20 triệu won (khoảng 360 triệu đồng). 

  • avn-1656734551960488625263-0-0-1000-1600-crop-1656734562910790065431.png

    Vụ cả gia đình mất tích ở Hàn Quốc: Người thân không tổ chức tang lễ, phát hiện thêm chi tiết liên quan đến tiền ảo

Trong quá khứ, hành vi "cực đoan" của cha mẹ cùng con cái được gọi là "tự tử đồng hành" hoặc "tự tử gia đình", nhưng người ta đang trở nên lo ngại rằng trẻ em là nạn nhân của những sự vụ thế này. Theo đó, chúng không hiểu trọn vẹn ý nghĩa của cái chết, không có hoặc ít quyền quyết định và bị cuốn theo lựa chọn của cha mẹ. 

Từ góc nhìn đó, đứa trẻ là nạn nhân bị sát hại hơn là người tham gia "tự tử đồng hành". Cặp cha mẹ có quyết định cực đoan như vậy cần được nhìn nhận một cách riêng biệt dưới hành vi "tự tử sau khi sát hại". 

Lee Woong-hyuk, giáo sư ngành khoa học cảnh sát tại Đại học Konkuk, kịch liệt chỉ trích: "Nó là hành vi tội phạm cực đoan nhất về bạo hành trẻ em, khi tước đoạt một đứa trẻ không thể bày tỏ ý kiến hoặc phản kháng và sát hại chúng. Đó còn là thái độ gia trưởng cực đoan rằng cha mẹ nắm quyền kiểm soát mạng sống của con cái và từ chối công nhận quyền con người của trẻ em".

21-1656921554810937343060.jpg

Việc xem xét nghiêm các hành vi này rất quan trọng để ngăn chặn các tình huống tương tự trong tương lai. Ý tưởng cha mẹ coi con cái là tài sản chứ không phải một cá nhân riêng biệt và tước đoạt mạng sống của chúng theo ý mình là nhận thức sai trái.

Theo trang Edaily, tội danh giết người tại Hàn Quốc sẽ bị tuyên án tử hình, chung thân hoặc ít nhất 5 năm trong tù. Tuy nhiên, tội danh sát hại đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên của bản thân hoặc vợ/chồng sẽ là tình tiết tăng nặng, với mức án tử hình, chung thân, hoặc phạt tù và lao động công ích ít nhất 7 năm.

Trang Edaily nhận định tình tiết tăng nặng này không áp dụng với trường hợp cha mẹ sát hại con cái, bắt nguồn từ văn hóa đề cao chữ hiếu của dạo Khổng tại Hàn Quốc

Vấn nạn đáng báo động

Tại Hàn Quốc những năm gần đây, số vụ cha mẹ tự tử sau khi sát hại con mình đang trên đà gia tăng. Theo Korea Herald, số liệu từ Bộ Y tế và Phúc lợi cho biết có 28 trường hợp diễn ra vào năm 2018, tăng lên 42 trường hợp năm 2019 và 43 trong năm 2020.

Hôm 23/5 vừa qua, một người mẹ và đứa con trai 6 tuổi có rối loạn phát triển đã qua đời sau khi rơi từ một căn hộ ở Seoul. Điều tra cho thấy dấu hiệu tự tử và kéo theo con mình.

202206300007040-1656914228538375570586.jpg

Xe ô tô nhà Cho khi được trục vớt hôm 29/6.

Tuần trước, một bà mẹ ở độ tuổi 50 đã bị Tòa án quận Suwon kết án 6 năm tù giam vì tội giết con gái tàn tật của mình. Người mẹ sống sót sau khi cố gắng tự tử bất thành rồi đi đầu thú, đã viết một bức thư tuyệt mệnh, ghi "Hãy gặp những người cha mẹ tốt hơn trong kiếp sau của con. Mẹ xin lỗi".

Các chuyên gia nhận định Hàn Quốc đã quá khoan dung đối với việc cha mẹ làm hại con mình, thậm chí một số người còn thông cảm với những kẻ phạm tội. Việc sử dụng rộng rãi thuật ngữ "tự sát chung trong gia đình", mâu thuẫn với thực tế là hầu hết các nạn nhân sẽ không đồng ý chết cùng, cho thấy cách xã hội nhìn nhận vấn đề.

Vào năm 2020, một thẩm phán tại Tòa án quận Ulsan đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc sử dụng thuật ngữ này, đồng thời đưa ra mức án 4 năm tù giam cho một người mẹ đã sát hại con gái 9 tuổi của mình và sống sót sau một nỗ lực tự sát sau đó.

"Bản chất của tội ác này là một phụ huynh giết con mình bằng chính đôi tay của họ... Chúng ta cần xóa bỏ nhận thức lệch lạc của xã hội. Chúng ta không thể lắng nghe lời khai của đứa trẻ bị hại. 'Tự sát' là ngôn ngữ của cha mẹ. Ngôn ngữ của đứa trẻ là 'bị sát hại', và ngôn ngữ của luật pháp nói rõ rằng đây là một vụ giết người" - vị thẩm phán nói.

Tình thương và ý thức trách nhiệm méo mó

Lee Soo-jung, giáo sư tâm lý học pháp y tại Đại học Kyonggi, chỉ ra rằng cách nghĩ của cha mẹ sát hại con mình rồi tự sát hoàn toàn khác với cách nghĩ của một kẻ bạo hành trẻ em điển hình. Tuy nhiên, nó cũng nguy hiểm không kém.

"Những kẻ bạo hành trẻ em trong các vụ gây chết người có thái độ thù địch với nạn nhân của chúng, nhưng những bậc cha mẹ định 'tự sát gia đình' lại cảm thấy bản thân có trách nhiệm vô hạn. Mức độ nhận thức trách nhiệm như vậy là do hiểu lầm hoặc ảo tưởng và rất nguy hiểm, không cần thiết đối với các thành viên trong gia đình - những người bị trở thành nạn nhân" - Lee viết trong một bài chuyên đề gần đây.

Một số người Hàn Quốc có xu hướng "ám ảnh một cách bất thường" đối với gia đình, điều này khiến họ tin rằng gia đình họ không thể tồn tại nếu không có mình, bà nói.

2033-1656921522597138836875.jpg

Theo nhà nhân chủng học Lee Hyeon-jung thuộc Viện Nghiên cứu Đa văn hóa tại Đại học Quốc gia Seoul, các quy tắc văn hóa cũng có vai trò trong nếp nghĩ này. Các giá trị Nho giáo, vẫn còn ảnh hưởng đáng kể trong xã hội Hàn Quốc, rất coi trọng bản sắc gia đình như một nhóm và thường ngó lơ vai trò của mỗi thành viên với tư cách cá nhân.

"Đây là một quan điểm coi mối quan hệ cha mẹ - con cái, không phải là sự ràng buộc giữa các thực thể riêng lẻ, mà là một nhóm cùng chung số phận, sự sống hay cái chết đều do cha mẹ quyết định", bà viết.

ezgifcom-gif-maker-16569143857461667886144.png

Mẹ Cho Yu-na đang cõng con trong lần cuối họ xuất hiện trước camera giám sát.

Lee cũng nói rằng vai trò giới tính cứng nhắc, được chấp nhận rộng rãi khắp Đông Á, đã gây áp lực cho các bà mẹ phải coi mình là người chăm sóc tối cao. Họ được củng cố ý tưởng rằng hạnh phúc và sự sống còn của một đứa trẻ hầu như không thể tồn tại được nếu không có mẹ ruột.

"Theo quan điểm của người mẹ, thà lấy đi mạng sống của con còn hơn là bỏ mặc đứa trẻ sống cuộc sống đau khổ khi không có mình", bà viết, cho rằng đây là "biểu hiện méo mó của bản năng làm mẹ".

Điều này cũng được phản ánh trong các vụ giết con bởi những người cha, với tư cách là chủ gia đình đang phải đối mặt với sự thất bại nặng nề về tài chính. Họ có thể cảm thấy "ý thức trách nhiệm méo mó" và chọn kết thúc mọi việc hơn là để gia đình tiếp tục gánh chịu.

Cho đến nay, vẫn chưa rõ lý do tại sao gia đình Cho lại lao xuống đáy biển mà không có dấu hiệu rõ ràng về việc cố gắng thoát ra. Chúng ta cũng chưa thể xác nhận 100% Cho Yu-na 10 tuổi là nạn nhân từ hành động của cha mẹ .

Nhưng điều rõ ràng là số lượng những thảm kịch tương tự xảy ra ở Hàn Quốc mỗi năm ngày càng nhiều. Và rằng chúng thường bị châm ngòi bởi một sự hiểu lầm bi thảm từ phía cha mẹ về vai trò gia đình cũng như về những điều tốt nhất cho con họ.

Nguồn: Edaily, Korea Herald

https://afamily.vn/vu-ca-gia-dinh-mat-tich-o-han-quoc-trach-nhiem-ve-dao-duc-dang-sau-hanh-dong-cua-cha-me-cho-yu-na-voi-con-gai-20220704140728149.chn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022