- Từ vụ thiếu nữ Anh cáo buộc 2 nghệ sĩ Việt xâm hại ở Tây Ban Nha: ''Án treo'' cho người nổi tiếng
Đại sứ quán bước đầu đã triển khai các biện pháp bảo hộ công dân, đề nghị phía Tây Ban Nha đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam... Hai công dân đã được tại ngoại mà không cần bảo lãnh, tuy nhiên không được rời khỏi Tây Ban Nha trong quá trình điều tra. Được biết quá trình tố tụng và đưa ra xét xử chính thức của Tây Ban Nha có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Từ giờ cho tới lúc đó, chưa thể khẳng định hai nghệ sĩ có tội.
SUY ĐOÁN VÔ TỘI
Một tình tiết được coi là tăng nặng là cô gái tố cáo đang ở tuổi 17. Tuy nhiên luật sư Nguyễn Thành Tô (Úc) khẳng định trên báo, độ tuổi của cô gái Anh không còn quá quan trọng: "Bởi họ bị tố cáo là xâm hại tình dục chứ không phải quan hệ với trẻ dưới vị thành niên. Xâm hại tình dục cũng không nhất thiết phải quan hệ tình dục mà chỉ đơn giản là dùng từ ngữ, hành động xâm hại đến cơ thể của người khác".
"Thiên đường" du lịch Majorka- nơi hai nghệ sĩ Việt Nam "gặp nạn". Ảnh: eccoholiday.com
Do những trùng hợp về thời gian lưu trú tại đảo Majorca, cũng mất điện thoại, hộ chiếu và đến giờ vẫn chưa hồi hương, nên dư luận đổ dồn nghi vấn sang diễn viên H.Đ và nhạc sĩ H.A. Những cơ quan nơi hai nghệ sĩ công tác cũng khẳng định với truyền thông rằng chưa ký duyệt cho họ đi nước ngoài và sẽ có hình thức đình chỉ công tác, kỷ luật… Cùng lúc một thông báo được cho là của VTV yêu cầu rà soát và cắt bỏ những chương trình có hai nghệ sĩ này tham gia. Một vài ý kiến còn đòi “phong sát” hai nghệ sĩ theo kiểu Trung Quốc.
Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) lại "gợi ý" một cách ứng xử khác cho cơ quan chủ quản: “Sao không phải là những phát biểu khách quan, công tâm, đúng pháp luật như: Với những biểu hiện, thái độ ứng xử của hai ông trong gia đình, trong tổ chức, trước xã hội chúng tôi tin tưởng cơ quan tố tụng nước sở tại sẽ có những hoạt động pháp lý để làm sáng tỏ vụ việc. Trước khi có bất kỳ một bản án kết luận hai công dân Việt Nam này có tội, chúng tôi vẫn duy trì mọi nỗ lực hỗ trợ cả tâm lý, pháp lý cho họ và cam kết đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của họ được bảo toàn, được tôn trọng”. Dĩ nhiên là các cơ quan không hề có kinh nghiệm với những trường hợp cán bộ bị dính líu tới luật pháp ở nước ngoài nên không có nhu cầu tham vấn luật sư trước khi phản hồi những câu hỏi từ báo chí.
Luật sư Lực khuyên mọi người không kết tội để rồi kỳ thị mà hãy tự đặt mình vào vị trí của những người gặp hiểm nguy ở nước ngoài. Khi đó: "Ta mong chờ gì từ người thân, người quen, cơ quan nơi ta công tác, đồng hương, đồng bào? Phải chăng đầu tiên là sự tin tưởng, cảm thông chia sẻ, mong chờ điều xấu không đến, sự thật, sự trong sạch (nếu có) được chứng minh"...
Trong khi cơ quan điều tra Tây Ban Nha cũng như Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn bảo vệ danh tính công dân thì những biện pháp kỷ luật, trừng phạt dành cho cá nhân cụ thể của cơ quan liên quan như hiện thời đang làm điều ngược lại?!
THỦ PHẠM HAY NẠN NHÂN?!
Bên cạnh những luồng dư luận công kích cá nhân, cũng có nhiều ý kiến nghiêng về giả thiết hai nghệ sĩ là nạn nhân của một vụ lừa đảo đã được dàn xếp từ trước. Cũng nhân dịp này hàng loạt bài viết cảnh báo người dân trong nước về sự hiểm nguy khi du lịch châu Âu, nhất là đến những nơi nổi tiếng về tệ nạn. Ở đó bạn có thể bắt gặp những cô gái “nhà lành” đi du lịch cùng gia đình nhưng thực ra là “miếng mồi” (có thể là gái mại dâm) trong một cái bẫy. Khi không tống tiền được tại chỗ chúng sẽ lu loa lên là cưỡng bức, xâm hại… công bố tuổi "nạn nhân" chưa 18 và báo cảnh sát.
Và không chỉ những du khách nước ngoài nhẹ dạ mới dính đòn. Năm 2010, hai ngôi sao bóng đá Pháp Ribery và Benzema phải hầu tòa vì "trót" mua dâm Zahia Dehar (17 tuổi). Tại Pháp, mại dâm được coi là hợp pháp, ngoại trừ hành vi mua dâm trẻ vị thành niên. Zahia đã "cứu" hai cầu thủ khi khai trước tòa rằng đã không cho họ biết tuổi thật của mình. Hai ngôi sao thoát án tù, còn Zahia trở nên nổi tiếng, có đà chuyển sang làm diễn viên và nhà thiết kế. Từ trường hợp này có thể rút ra: sự nổi tiếng có thể mất đi sau một hành vi bất cẩn nhưng cũng có chuyển từ người này sang người khác (!)
Vụ của hai nghệ sĩ Việt Nam tưởng chừng có nét tương đồng với vụ diễn viên Cao Vân Tường (Trung Quốc) và Vương Tinh bị tố cưỡng hiếp tập thể một phụ nữ ở Úc. Nhưng thực tế cả ba đều đang làm việc trong cùng một đoàn phim và có dấu hiệu thuận tình vào lúc bắt đầu hành vi "thân mật". Thế nhưng cũng phải mất 2 năm kiện tụng, tòa án Úc mới phát quyết Cao Vân Tường trắng án. Nhưng sự nghiệp và gia đình riêng của anh đều không cứu vãn được.
Vì chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên chưa rõ các bên liên quan sẽ phản ứng thế nào sau khi vụ việc của hai nghệ sĩ được ngã ngũ. Trước mắt nhiều khán giả vẫn mong muốn được xem tiếp những tập phim đang phát, kệ cho có sự xuất hiện của H.Đ. Hàng ngàn bình luận trên các diễn đàn phim bày tỏ sự hụt hẫng nếu bộ phim bị cấm sóng hoặc dừng chiếu. Chưa cần phải "phong sát" hay cấm sóng thì các ngôi sao một khi dính tới luật pháp đều rất dễ "sạt nghiệp". Như Cao Vân Tường đã phải đền 180 tỷ đồng cho công ty quản lý cũ. Hay Ngô Diệc Phàm (ca sĩ, diễn viên Trung Quốc) đang phải đối mặt với bản án trên 10 năm đồng thời có thể phải bồi thường số tiền lên tới 21.300 tỷ đồng.
Vì sự liên quan giữa nhân thân của người nổi tiếng và các sản phẩm nghệ thuật tập thể nên: "Trong hợp đồng với nhà sản xuất luôn có điều khoản đạo diễn, diễn viên phải giữ gìn bảo vệ hình ảnh, không gây scandal ảnh hưởng tới phim kể từ ngày ký cho tới khi hết thời gian phát hành phim và các sản phẩm ăn theo trong khoảng thời gian 2-4 năm tuỳ hãng, tuỳ phim", đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh cho biết. Nhưng nói chung khi đã chấp nhận làm người của công chúng, ngôi sao nên xác định phải giữ gìn, bảo vệ hình ảnh của mình đến suốt đời, dù ở bất cứ đâu.