Hồi năm 2022, Korea Herald đưa tin một ngôi sao K-pop và diễn viên (giấu tên) đã tự đầu thú với cảnh sát, khai rằng mình từng làm trong một đường dây lừa đảo và giả mạo qua điện thoại.
Người đàn ông ngoài 30 tuổi đã tự đến đồn cảnh sát ở Yeoju, tỉnh Gyeonggi, cho biết anh ta nghĩ rằng mình được thuê để làm một công việc đơn giản là thu tiền từ ai đó thay mặt cho chủ rồi chuyển số tiền đó cho họ.
Tuy nhiên, sau khi gặp người mà anh ta được chỉ dẫn đi thu tiền, anh ta nhận ra rằng mình đã bị dụ dỗ tham gia một vụ lừa đảo bằng giọng nói (voice phishing) và người trước mặt anh ta chính là nạn nhân.
Nhiều đường dây lừa đảo đóng giả các công ty tuyển dụng mức lương cao. Ảnh minh họa.
Nam diễn viên đã nộp 6 triệu won (107 triệu đồng) mà anh ta nhận được từ nạn nhân cho cảnh sát, đồng thời nói với các điều tra viên rằng anh ta tìm được công việc thông qua một quảng cáo việc làm trực tuyến và nhận nó vì mức lương cao.
Đến ủng hộ nạn nhân động đất Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị lừa: Mất gần nửa tỷ đồng vì 'tráo ảnh' thảm họa giả do AI tạo ra, chiêu lừa đảo quyên góp tràn lan MXH
Trong một cuộc phỏng vấn với The Korea Herald, Cho Su-in, thanh tra tại Văn phòng Điều tra Quốc gia thuộc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, cho biết có khá nhiều thanh niên bị lừa giúp đỡ những kẻ lừa đảo theo cách tương tự.
Trên thực tế, cảnh sát nghi ngờ một phần đáng kể những người ở độ tuổi 20 và 30 bị bắt vì có liên kết với các vụ lừa đảo bằng giọng nói có thể đã bị dụ dỗ bởi những lời hứa về “công việc bán thời gian lương cao”.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, trong tổng số 22.045 tội phạm lừa đảo bằng giọng nói năm 2021, số lượng những kẻ ở độ tuổi 20 và 30 lần lượt là 9.149 và 4.711, chiếm 60% tổng số.
“Nói chung, họ kiếm được 10-20% số tiền mà họ xử lý dưới dạng tiền lương hàng ngày. Đó là số tiền khá lớn vì các nạn nhân thường bị lừa hàng triệu won”, Cho nói.
Trong trường hợp của nam diễn viên, cảnh sát Yeoju cho biết anh ta đã bị bắt không giam giữ và vụ việc đã được chuyển đến cơ quan công tố. Họ nói rằng việc anh ta tự đầu thú và trả lại tiền cho nạn nhân sẽ được xem xét nếu anh ta bị truy tố và hầu tòa.
Cho Su-in cũng cho biết rất hiếm những người bị lừa giúp đỡ những kẻ lừa đảo lại tự ra đầu thú như nam diễn viên này.
Lừa đảo bằng giọng nói (voice phishing) tại Hàn Quốc ghi nhận trường hợp đầu tiên được báo cáo vào năm 2006, đang tăng vọt hàng năm. Dữ liệu của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia cho thấy số vụ việc tăng từ 24.259 trong năm 2017 lên 30.982 vào năm 2021, với số tiền thiệt hại tăng hơn gấp 3 lần từ 247 tỷ won lên 774,4 tỷ won trong cùng kỳ.
Voice Phishing là một kỹ thuật lừa đảo trực tuyến hoặc qua điện thoại, thường được sử dụng để lấy thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của người dùng. Kẻ tấn công sẽ giả mạo thành một tổ chức hay cá nhân đáng tin cậy, và gọi điện để yêu cầu người dùng cung cấp thông tin nhạy cảm như tên đăng nhập, mật khẩu, số thẻ tín dụng, số Bảo hiểm Xã hội hoặc thậm chí chuyển tiền...
Nếu người dùng cung cấp thông tin, kẻ tấn công có thể sử dụng nó để truy cập vào tài khoản của người dùng hoặc thực hiện các giao dịch gian lận.
Trong một số trường hợp, kẻ giả mạo sẽ giả làm người thân bằng cách sử dụng các phần mềm xử lý giọng nói và yêu cầu chuyển tiền.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng
Một cô gái nhận được cuộc điện thoại từ chị gái của mình, bất ngờ thay, đầu dây bên kia không phải chị gái cô mà là kẻ lạ mặt đe dọa: “Tôi đã bắt cóc chị gái của cô. Chuyển 50 triệu won (900 triệu đồng) ngay lập tức, và nếu cô không có tiền, tự quay một video khỏa thân và gửi đây. Nếu cô không làm theo, tôi sẽ phát tán hình ảnh nhạy cảm của chị gái cô cho mọi người” - “kẻ bắt cóc” sau đó từ chối nói gì thêm và cúp máy.
Đây là một tình huống mô phỏng được Trung tâm Nghiên cứu Thông tin - Truyền thông Barun tại Hàn Quốc diễn lại nhằm minh họa cho một vài thủ đoạn voice phishing phổ biến ở nước này.
Theo Trung tâm giải thích, thủ đoạn lừa đảo “bắt cóc giả” nói trên là sự kết hợp của 2 bước phishing đang nhanh chóng trở nên phổ biến. Đầu tiên, chúng sẽ đánh cắp thông tin liên hệ cá nhân của nạn nhân.
Sau đó, bước “cao cấp” hơn nằm ở chỗ chúng sử dụng các phương pháp kỹ thuật số để giả mạo tên hiển thị của người thân nạn nhân trong danh bạ mà không cần ăn cắp điện thoại hay số điện thoại.
Lừa đảo qua điện thoại ngày càng tinh vi, thủ đoạn. Ảnh minh họa.
Ngoài ra, chúng cũng có thể sử dụng các kỹ thuật chỉnh sửa âm thanh để tạo ra giọng kêu cứu giả của người thân như trường hợp cụ thể nói trên. Tinh vi hơn, để làm tăng tính đe dọa, những kẻ chủ mưu có thể dùng kỹ thuật deepfake để làm giả nội dung nhạy cảm với khuôn mặt của người thân nạn nhân. Dưới áp lực đe dọa của chúng, nhiều người bị mất cảnh giác và rơi vào bẫy.
Nạn nhân chủ yếu là những người dân bình thường ở độ tuổi 40-50, chưa nhạy bén với công nghệ. Một số thủ đoạn lừa đảo phổ biến bao gồm:
- Tư vấn tài chính giả mạo các khoản vay mới, hứa hẹn chuyển đổi khoản vay sang lãi suất thấp hơn.
- Hứa hẹn về công việc thu nhập cao.
- Gửi công văn giả mạo công tố viên và giới thiệu nạn nhân đến các trang web độc hoặc các ứng dụng giả mạo để khai thác thông tin cá nhân, thông tin tài chính.
- Nạn nhân bị thông báo rằng con cái, người thân mình đã bị bắt cóc hoặc gặp tai nạn.
- Giả mạo người thân, bạn bè bằng phần mềm giả giọng và deepfake.
- Giả mạo ngân hàng gọi điện, thông báo rằng xe ô tô của nạn nhân đã bị sử dụng ở một số địa điểm nghi vấn và để xác nhận rằng xe không bị đánh cắp, nạn nhân phải cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng…
Ngoài người lớn tuổi trong nước, nạn nhân còn có thể bao gồm người nước ngoài và dân nhập cư tại Hàn Quốc. Kẻ mạo danh lợi dụng vốn tiếng Hàn chưa hoàn hảo ở nhóm người này để gây bối rối, khiến họ tin rằng những thông tin chúng đưa ra là phổ biến ở Hàn Quốc để dễ bề thao túng. Một vài thủ đoạn nhắm vào người nhập cư hoặc người nước ngoài bao gồm:
- Giả mạo làm cơ quan tài chính, ngân hàng, nhà chức trách.
- Hứa hẹn về việc gửi tiền về nhà rẻ hơn nếu họ gửi chúng một khoản phí.
Theo nhóm luật Seoul Law Group, một thủ đoạn đặc biệt phổ biến gần đây đã được cảnh báo nhiều là bịa ra câu chuyện con cái nạn nhân bị bắt cóc hoặc tai nạn.
Trong loại thủ đoạn này, kẻ lừa đảo sẽ mạo danh thông tin trên danh bạ của người thân để họ tin rằng mình đang được con gọi, sau đó thông báo rằng con cái họ đang gặp tai nạn, bị bắt cóc.
Nhiều bậc cha mẹ tin lời bọn lừa đảo, đặc biệt là khi con họ đang ở trường, du học, đang ở trong quân ngũ mà việc liên lạc trở nên khó khăn, và gửi số tiền lớn cho chúng.
Mặc dù đã trở nên ngày càng phổ biến và được truyền thông cảnh báo nhiều, không phải ai cũng nắm được những thủ đoạn lừa đảo tinh vi mà những kẻ chủ mưu bày ra. Trên thực tế, theo báo Vietnamnet đưa tin vào năm 2021, một số du học sinh Việt Nam ở Hàn Quốc cũng từng mắc bẫy loại lừa đảo này.
Nỗ lực truy quét nạn lừa đảo
Theo dữ liệu mà Hạ nghị sĩ Kang Min-kuk của Đảng Quyền lực Nhân dân nhận được từ Cơ quan Giám sát Tài chính vừa công bố tháng 2 vừa qua, tổng cộng 227.126 vụ lừa đảo đã được báo cáo từ năm 2018 đến năm 2022 và chi phí thiệt hại được báo cáo là khoảng 1,66 nghìn tỷ won (1,25 tỷ đô), với số lượng các vụ phạm tội như vậy gia tăng kể từ năm 2020.
Hơn 60% nạn nhân của những kẻ lừa đảo cho biết rằng chúng sẽ giúp họ vay tiền, chiếm gần 1 nghìn tỷ won thiệt hại. Khoảng 22,8% những kẻ lừa đảo qua cuộc gọi điện thoại “săn mồi” bằng cách mạo danh các tổ chức công, trong khi 17,1% tội phạm được thực hiện qua tin nhắn văn bản di động bằng cách mạo danh người quen của nạn nhân.
Đặc biệt, số tiền thiệt hại từ các vụ lừa đảo qua tin nhắn văn bản liên quan đến mạng đã tăng gấp 3 lần từ 37,3 tỷ won năm 2020 lên 92,7 tỷ won vào năm 2022. Các nạn nhân bị lừa đảo đã mất 284,9 tỷ won thông qua cùng một loại lừa đảo vào năm ngoái. Dữ liệu cũng cho thấy hầu hết các vụ lừa đảo xảy ra thông qua Kakao Talk, ứng dụng nhắn tin di động hàng đầu của đất nước.
Do sự gia tăng nhanh chóng của các vụ lừa đảo qua mạng tại Hàn Quốc, Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông nước này đã khởi động các chiến dịch mới vào tháng 12 năm ngoái để chặn số điện thoại giả mạo và giúp mọi người tránh các vụ lừa đảo bằng cách báo cáo với chính quyền thông qua smartphone một cách dễ dàng hơn.
Theo Crypto News, cảnh sát Hàn Quốc cũng sẽ triển khai một lực lượng đặc biệt đối phó với nạn lừa đảo liên quan đến tài sản ảo, sau khi lừa đảo tiếp thị qua các sàn tiền ảo đa cấp bắt đầu trở nên phổ biến ở nước này thời gian gần đây. Cảnh sát cho biết, voice phishing ở quy mô nhỏ hơn còn bao gồm các thủ đoạn quảng cáo cho sàn tiền ảo giả mạo, trong đó có nhiều trường hợp công dân bị kẻ lừa đảo nhắm đến qua các app hẹn hò.