Theo một nghiên cứu mới được công bố trên trang Scientific Reports, trẻ em Nhật Bản có dáng đi không giống với trẻ em các nước khác một phần nhờ chế độ ăn đặc biệt lành mạnh.
Theo đó, dáng đi của một đứa trẻ có thể tiết lộ rất nhiều thông tin về sức khỏe và sự phát triển cho các bác sĩ. Tùy thuộc vào nơi sống trên thế giới, hình thức phát triển dáng đi của trẻ em sẽ có những sự khác biệt nhất định.
Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học cho biết trẻ em Nhật thuộc nhóm có sức khỏe tốt nhất thế giới, với chế độ ăn gồm các nguyên liệu tươi sống hoặc chế biến đơn giản. Ít hơn 20% các bé bị thừa cân và điều đó được thể hiện rõ trong dáng đi. Nghiên cứu cũng xem xét các tật như chân vòng kiềng, khi bàn chân không thẳng với phần chân.
"Chúng tôi tin rằng khác biệt về lối sống, hình thể và văn hóa đều ảnh hưởng đến dáng đi của trẻ em Nhật" - tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Tadashi Ito từ Đại học Nagoya cho hay.
Khác biệt trong dáng đi
Lấy ví dụ, ở Nam Phi, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ ở độ tuổi tiểu học đã sở hữu một góc xoay hông trưởng thành khi đi bộ. Tuy nhiên, ở Pháp, trẻ em phải đến khoảng 12 tuổi để phát triển một kiểu dáng đi trưởng thành tương tự.
Nghiên cứu sử dụng phân tích dữ liệu 3D để xác định các thông tin về dáng đi.
Không giống như trẻ em ở Nam Phi, trẻ em ở Nhật Bản không cho thấy sự thay đổi đáng kể đối với chuyển động xoay hông khi lớn lên.
Huyền thoại thời trang Nhật Bản Issey Miyake qua đời
Chấp nhận thua lỗ thay vì sa thải nhân viên, ''Vua nợ Nhật Bản'' mở ra thời đại Panasonic cực hưng thịnh
Quan sát một nhóm lớn trẻ em ở độ tuổi đi học, các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản nhận thấy trẻ em gần 12 tuổi có lực từ mắt cá chân lớn hơn các em bé. Ngoài ra, mặc dù độ dài bước chân ngắn hơn các em 6-8 tuổi, trẻ lớn hơn lại có nhịp đi bộ nhanh hơn. Để so sánh, trẻ em Mexico lại không có đặc điểm này khi nhịp đi vẫn giữ nguyên từ sau khi lên 7.
Hơn nữa, trẻ em lớn ở Nhật cũng có xu hướng chuyển động đầu gối ít hơn và chĩa ngón chân nhiều hơn. Nghiên cứu được tiến hành với 424 trẻ em tại nước này.
Sự khác biệt trong dáng đi của trẻ em Nhật một phần có thể đến từ văn hóa, khi các em học cách có dáng đi trưởng thành hơn trong quá trình phát triển, tuy nhiên vẫn cần thêm các nghiên cứu về vấn đề này.
Chế độ ăn lành mạnh
Một lý do quan trọng có thể giải thích cho việc trẻ em Nhật có dáng đi khác biệt và cơ thể nhìn chung khỏe mạnh hơn nằm ở chế độ ăn trong trường học - một phần không thể thiếu trong cuộc sống học sinh nước này từ năm 1889.
Từ thời đó, những thực phẩm lành mạnh như cơm nắm và cá nướng được cung cấp cho trẻ em tại các vùng sâu vùng xa phương Bắc. Chúng được làm từ những nguyên liệu tươi tại địa phương như cá tuyết, ngô ngọt, cải chíp cùng súp rau và một hộp sữa. Chương trình này tiếp tục được mở rộng sau chiến tranh.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Ito và các cộng sự quan trọng ở chỗ nhìn từ quan điểm y tế, dáng đi của dân số là một nguồn thông tin quan trọng để đo lường chất lượng sống cũng như sức khỏe. Chuyển động này cần sự phối hợp của cả hông, đầu gối và bàn chân, cũng như là một chuỗi động tác phức tạp và có tính vô thức.
Theo Study Finds, cơm là thực phẩm chủ đạo trong dinh dưỡng của người Nhật. Tuy nhiên, việc sử dụng hạt gạo ngắn và gạo lứt haiga có nhiều ưu điểm như mọng nước sau khi nấu, có hàm lượng calories thấp hơn bánh mì hay pasta - những nguồn tinh bột chủ yếu tại các quốc gia phát triển khác tại phương Tây. Việc sử dụng loại cơm này cũng mau gây no hơn, tránh việc tiêu thụ các thực phẩm kém lành mạnh và giảm mức calories tiêu thụ.
Nguồn: Independent, SA, SF...