Ngân hàng Goldman Sachs, Mỹ đã thực hiện cuộc khảo sát toàn cầu với hơn 2470 thực tập sinh trong kỳ nghỉ hè.
Theo đó, khoảng 86% thực tập sinh Gen Z có cái nhìn bi quan về nền kinh tế, và nhiều thực tập sinh khác phải làm việc vất vả để đảm bảo cho tương lai của họ trước suy thoái kinh tế trong tương lai. Vào năm 2021, 88% thực tập sinh cho biết họ dự định sẽ hẹn hò hoặc kết hôn trong 10 năm tới. Nhưng tới năm 2022, con số này giảm xuống chỉ còn 45%.
Trong khi đó, vào năm 2021, 60% thực tập sinh mong muốn nuôi thú cưng và 57% trong số đó muốn sinh con trong 10 năm tới. Nhưng tới năm 2022, chỉ còn 31% thực tập sinh muốn nuôi thú cưng và 25% muốn sinh con.
Christine Cruzvergara, giám đốc chiến lược giáo dục của Handshake, một nền tảng tìm kiếm việc làm dành cho sinh viên đại học, cho biết đây là một xu hướng đối với sinh viên Gen Z ngày nay. Theo Cruzvergara, khi sinh viên tiếp xúc với những tin tức xấu về nền kinh tế, họ không muốn nghĩ đến việc kết hôn, ổn định cuộc sống, mua nhà, bởi tất cả những điều đó đều yêu cầu sự ổn định tài chính.
Ngoài ra, trước những tin tức về lạm phát và hàng loạt công ty cắt giảm nhân sự, 74% sinh viên sắp tốt nghiệp nói rằng họ chỉ muốn tìm được một công việc mang lại cho họ sự ổn định với mức lương cao, theo báo cáo của Handshake về sinh viên tốt nghiệp năm 2023.
Xoá bỏ ứng dụng hẹn hò
Giờ đây, Gen Z không đòi hỏi một mối tình lãng mạn, hoặc nếu họ sẵn lòng bước vào một mối quan hệ, họ muốn mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên. Cassidy Case, một sinh viên 20 tuổi tại Đại học Bang Arizona, đã thử hẹn hò qua mạng và nhận ra cô không thích cách hẹn hò này, cô nói: “Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu gặp ai đó một cách tự nhiên và trực tiếp”.
Oliver Sims, sinh viên năm cuối 21 tuổi tại Đại học Arkansas, cho biết chi phí hẹn hò tăng cao do lạm phát cũng có thể là nguyên nhân các cặp đôi chia tay. Thật vậy, 19% các bạn trẻ Gen Z, từ 18 đến 25 tuổi, nói rằng họ rơi vào cảnh nợ nần do cần tiền cho các buổi hẹn hò, theo một cuộc khảo sát của Lendingtree vào tháng 9. Với một số bạn trẻ thì hẹn hò cũng có thể rất tốn kém, vì vậy họ chấp nhận “hy sinh” chuyện yêu đương để tập trung cho công việc trước.
Cassidy Case, 20 tuổi, là sinh viên năm cuối ngành marketing tại Đại học bang Arizona.
Tìm những mục tiêu khác ngoài sự nghiệp, tự do khám phá niềm vui
Bên cạnh các bạn trẻ lo ngại về biến động thị trường thì vẫn có một số bạn khá tự tin. Sarah Wang, 21 tuổi và là sinh viên năm cuối tại đại học UCLA, khá lạc quan về kế hoạch sau khi tốt nghiệp của mình. Nếu không tìm được công việc thỏa mãn đam mê của mình, cô ấy có thể tự tạo cho mình một công việc nhằm đáp ứng một nền kinh tế năng động trong thời đại mới.
Nữ sinh này tập trung nhiều hơn vào việc tìm kiếm các cơ hội việc làm có thể giúp cô ấy được đi đây đi đó: “Tôi coi công việc là cơ hội để đi du lịch và sống ở những nơi khác nhau trên khắp đất nước”. Mục tiêu ngắn hạn của nữ sinh này không phải kết hôn, ổn định cuộc sống, con cái hay thú cưng. Thay vào đó, cô tập trung vào việc thiết lập các mối quan hệ và sở thích cá nhân.
Nữ sinh mới ra trường Jade Walters là sinh viên tốt nghiệp Đại học Howard, người trong những tháng cuối năm học đã khởi động dự án giúp các Gen Z khởi nghiệp. Hiện cô đang làm việc toàn thời gian cho một công ty ở Chicago và dành thời gian rảnh để xây dựng mô hình kinh doanh của riêng mình.
Jade Walters, 23 tuổi, làm việc cho một công ty ở Chicago
Cô ấy cho biết: "Mục tiêu năm trước khác với hoàn cảnh hiện tại của tôi. Tôi có thể lên kế hoạch, nhưng những kế hoạch lại không theo những gì tôi mong muốn, vì vậy tôi chỉ tập trung vào hiện tại".
Walters cho biết thêm, với thị trường việc làm nhiều biến động, những bạn trẻ nên tập trung vào mục tiêu ngắn hạn, “tận hưởng cuộc sống ở độ tuổi 20” và thực hiện hành trình khám phá bản thân.
Sống cho hiện tại
Tác động do đại dịch đã ảnh hưởng sâu sắc đến nếp sống và tư duy mỗi người. Họ hiểu được sự bất ổn của thế giới và dù bạn có xuất sắc đến đâu thì không gì có thể đảm bảo bạn giữ được công việc của mình.
Case cho biết: “Bị cuốn vào nền kinh tế thị trường hỗn loạn, nhiều người vừa lo lắng cho cuộc sống của họ trong tương lai nhưng đồng thời lại muốn tận hưởng hiện tại. Tôi đã chứng kiến những lần sinh ly tử biệt trong đại dịch Covid và rồi ngộ ra một điều rằng cuộc đời là vô thường. Vì vậy, trong chuyến hành trình của cuộc đời mình, hãy quý trọng và tận dụng những giây phút hiện tại”.
Một số lời khuyên cho Gen Z trước khi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời
Không ngừng học hỏi: Cần phải liên tục học hỏi, làm mới bản thân để tránh bị đào thải. Hãy tìm kiếm các cơ hội nâng cao khả năng làm việc và kỹ năng chuyên môn.
Phát triển kỹ năng mềm: Chỉ 15% thành công trong công việc đến từ trình độ chuyên môn, còn lại là kỹ năng mềm. Chúng bao gồm các kỹ năng như: giao tiếp, chăm sóc khách hàng, quản lý thời gian, tư duy phân tích, làm việc nhóm và làm việc độc lập…
Luôn giữ thái độ tích cực: Ngoài trình độ, thì thái độ cũng là một yếu tố khá quan trọng. Thái độ làm việc quyết định đến năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc mà người đó tạo ra. Thái độ tích cực giúp công việc suôn sẻ hơn, dĩ nhiên kết quả đạt được đều thỏa mãn mọi người nên thăng tiến là chuyện một sớm một chiều. Có thể nói đây là một yếu tố quan trọng làm nên thành công.