Không thể phủ nhận, "làn sóng" dịch chuyển của giới trẻ trong thời gian vừa qua đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người quyết tâm rời khỏi nơi mình đang ở hiện tại và trải nghiệm cuộc sống tại nhiều vùng đất khác nhau trong 1 quãng thời gian nhất định.

Nếu đi 1 mình và chưa từng (hoặc không cảm thấy tự tin) đi đâu đó xa nhà thì TP. HCM chính là địa điểm đầu tiên mà nhiều người nghĩ tới nhất. Người ta khuyên nên chuyển tới TP. HCM vì ở đây đông người, có vẻ như sẽ an toàn hơn so với ngoài đảo hoang hay vùng rừng núi - chí ít là những bạn không có quá nhiều kĩ năng sinh tồn không bị bỡ ngỡ và hoảng sợ. Người ta cũng khuyên bạn nên chuyển tới thành phố này bởi nơi đây có rất nhiều cơ hội và bạn sẽ bớt lo lắng hơn về việc làm gì để sống.

Tuy nhiên, nếu tất cả những gì bạn biết để chuẩn bị sẵn sàng cho 1 nguồn tài chính khi chọn TP. HCM để trải nghiệm là tiền thuê nhà ở thành phố mang tên Bác cao hơn ở Hà Nội thì rất tiếc, đó là lúc bạn nên chấm dứt ngay suy nghĩ này!

Hằng Trần (sinh năm 1994) - BTV tại 1 công ty truyền thông ở Hà Nội đã có những chia sẻ về các khoản chi phí mà bạn cần quan tâm và tính toán trước khi chuyển vào TP. HCM. Trước đó, vào tháng 7/2022, cô bạn đã chuyển vào TP. HCM và có 2 tháng sinh sống tại đây.

img7834-1669303660702576146587.jpg

Hằng Trần (sinh năm 1994) hiện đã quay trở lại Hà Nội để tiếp tục sinh sống và làm việc.

Những khoản chi phí bắt buộc và điều bạn cần biết trước khi có ý định trải nghiệm sống ở TP. HCM

Hằng chia sẻ, có thể ai cũng xác định tinh thần là cứ thay đổi (dù chỉ là chỗ ở) thì đều luôn tốn kém rất nhiều chi phí. Thế nhưng, nếu bạn chưa thực sự bắt đầu hành trình thay đổi này thì rất có thể, bạn vẫn sẽ không nghĩ được có quá nhiều khoản cần mình chi trả đến như vậy!

1. Chi phí di chuyển, đi lại:

Giống như vào TP. HCM đi du lịch, các bạn cũng cần tính tới chi phí di chuyển từ Hà Nội vào TP. HCM thế nào, đi lại trong đó ra sao thì việc chuyển vào để sinh sống (khoảng 1, 2 tháng hoặc ở luôn) lại có nhiều điều cần bạn lên kế hoạch rõ ràng hơn.

Cụ thể, nếu bạn chỉ chuyển vào TP. HCM trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 tháng giống như Hằng, bạn sẽ cần tính các phương án như sau:

- Di chuyển từ Hà Nội vào TP. HCM: Hằng chọn đi máy bay để tiết kiệm thời gian và sức lực. Nếu không, bạn cũng có thể chọn đi tàu hoặc xe khách, thậm chí lái ô tô riêng nếu đủ sức.

img4055-16693036600971599851537.jpgimg4027-166930554873846683724.jpg

Xuất phát từ Hà Nội, Hằng chọn đi máy bay vào TP. HCM để tiết kiệm thời gian và sức lực.

- Đi lại trong TP. HCM: Đây mới là khoản chi phí mà Hằng không ngờ tới nhất và muốn đề cập tới cho những ai đang có ý định này cần chuẩn bị.

Theo đó, lúc đầu Hằng chỉ lên kế hoạch vào ở khoảng 1 tháng để xem bản thân có thực sự phù hợp với cuộc sống ở đây hay không nên cô bạn đã chọn cách thuê xe máy ngay tại khu vực mà mình thuê nhà. Lý giải cho bài toán này, Hằng chia sẻ như sau:

+ Nếu không thuê xe ở TP. HCM, Hằng sẽ phải gửi xe máy từ Hà Nội vào. Theo đó, cô bạn sẽ cần đi bảo dưỡng xe, thay dầu, sửa 1 số phụ tùng như đèn, gương, má phanh,... với chi phí khoảng 500k để đảm bảo an toàn. Sau đó cô bạn sẽ phải gửi xe ở ga Hà Nội để chuyển vào TP. HCM, chi phí chừng hơn 800k. Tổng số tiền ước tính là 1300k.

+ Nếu thuê xe ở TP. HCM, Hằng sẽ không cần thanh toán các khoản đó và tiền thuê xe máy trong 1 tháng sẽ dao động trong khoảng từ 2000k trở lên. Tuy nhiên, vì Hằng tìm được địa chỉ cho thuê xe ga khá mới và nhờ sự trợ giúp của quản lý tòa nhà nên Hằng chỉ phải chi 1600k khoản này - so với gửi xe từ ngoài Hà Nội vào không chênh là bao. Vì lẽ đó, Hằng chọn vào TP. HCM rồi thuê xe

Song, khoản chi phí ẩn đáng đề cập ở đây chính là tiền cọc để thuê xe máy khá cao. Như chỗ Hằng thuê xe, cô bạn phải đặt cọc 5 triệu đồng. Và như tìm hiểu thêm, để thuê 1 chiếc xe ô tô, bạn phải đặt cọc tối thiểu khoảng 10 triệu đồng. Đương nhiên, số tiền này sẽ được hoàn lại sau khi bạn trả xe, nhưng hãy cứ chuẩn bị sẵn sàng bởi đó không phải 1 khoản nhỏ và nó có thể sẽ khiến bạn buộc phải chi tiêu lẹm vào những khoản khác nếu bạn cũng lựa chọn hình thức thuê xe máy tháng giống Hằng.

img3317-16693036600241108947075.jpgimg3024-1669303659995853379233.jpg

TP. HCM có nhiều điểm ăn chơi nên khi mới vào, kiểu gì bạn cũng sẽ chi rất nhiều cho khoản này.

2. Chi phí thuê nhà ở:

Nếu bạn may mắn có sẵn nhà ở TP. HCM hoặc ở nhờ được nhà ai đó, đây là 1 điều may mắn và khoản này bạn không cần tính tới.

Nhưng nếu không, hãy tính thật kỹ càng vì nó ảnh hưởng tới tài chính của bạn 1 cách lâu dài. Như các bạn đã biết, tiền thuê nhà ở TP. HCM nhìn chung cao hơn Hà Nội. Và chưa kể, nếu bạn muốn tìm theo dạng phòng trọ hoặc chung cư mini giá rẻ thì hầu hết đều buộc phải làm hợp đồng thuê tối thiểu 6 tháng. Trong khi đó, giá thuê phòng dạng căn hộ dịch vụ cho thuê thời gian ngắn lại khá cao.

Còn với Hằng, sau 1 ngày đi xem tất cả các phòng đã hẹn trước từ khi ở Hà Nội, cô bạn quyết định thuê căn hộ dịch vụ ở quận 7 với mức giá 10 triệu đồng/tháng đã bao gồm tất cả các chi phí điện nước, internet, giặt ủi, vệ sinh chung,...

3. Chi phí sinh hoạt, ăn uống, vui chơi:

Giá sinh hoạt ở TP. HCM sẽ chia theo khu vực, có thể liệt kê sơ qua như sau:

- Khu vực giá sinh hoạt bình dân: quận Gò Vấp, quận 12, quận Bình Tân, huyện: Bình Chánh - Củ Chi, thành phố Thủ Đức,...

- Khu vực giá sinh hoạt mức trung bình khá: quận 11, quận Tân Bình, quận 6, quận 5, quận Bình Thạnh, quận 8,...

- Khu vực giá sinh hoạt cao: quận 1, quận 3, quận 10, quận 2, quận 4, quận 7,...

Tuỳ theo nơi làm việc hoặc học tập mà các bạn chọn quận có phí sinh hoạt phù hợp với tài chính cũng như nhu cầu đi lại...

Do nhu cầu sinh hoạt và ăn uống có đầy đủ ở khu vực quận 7 nên tưởng như sẽ khiến Hằng tốn kém hóa ra lại không. Cô bạn cũng thi thoảng ra ngoài gặp gỡ bạn bè nhưng sẽ lên trước kế hoạch và lựa chọn địa điểm phù hợp với ngân sách đã định nên riêng khoản chi cho ăn uống không phải vấn đề đáng lo ngại.

Song, có 1 mẹo nhỏ cho các bạn muốn tiết kiệm chi tiêu khi ở TP. HCM đó là nên đi siêu thị mua đồ ăn vào lúc 21h30' vì thời điểm này dễ mua được giá hời với nhiều khuyến mãi mà ban ngày bạn khó mà kiếm được. Theo Hằng, các bạn có thể tham khảo 1 số siêu thị như: Big C, Aeon, Coop Mart.

img4460-1669303660210644042096.jpgimg4179-1669303660106874578545.jpgimg4493-1669303660353510059574.jpg
img4622-16693036605792016551407.jpgimg4589-1669303660461460436983.jpg

Ở TP. HCM có nhiều món ăn ngon với đủ các mức giá từ đắt tới rẻ, do đó, đây có lẽ không phải khoản chi bạn quá lo lắng. Vì chỉ cần bạn xác định được ngân sách của mình, ắt sẽ tìm được món ăn phù hợp giá tiền.

Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý chỉ mua đồ ăn khô, không nên mua các món nước như: hủ tiếu, phở, bánh canh và đồ chiên; đặc biệt không mua các món có đồ chua. Đồng thời, nếu hay đi mua đồ ở các cửa hàng tiện lợi, hãy đăng ký làm thành viên trên app của các cửa hàng tiện lợi đó vì mỗi ngày đều có khuyến mãi dành cho thành viên. Nhờ đó bạn có thể tiết kiệm được kha khá chi phí sinh hoạt từ các khuyến mãi này.

Và cuối cùng, vì TP. HCM có rất nhiều món ăn ngon và các điểm vui chơi hấp dẫn nên bạn dễ bị chi tiêu mất kiểm soát cho chi phí này. Vì thế, nếu chi phí không quá dư dả, hãy cân nhắc thật cẩn thận.

Yêu tự do - thích khám phá, nhiều người trẻ chọn cách bứt ra khỏi nơi ở hiện tại và coi đó như 1 trải nghiệm tuyệt vời nên có trong hành trình tuổi trẻ của mình.

Được mệnh danh là "thành phố hoa lệ", TP. HCM đông đúc và nhộn nhịp, ngập tràn những điều dễ thương, cũng đầy ắp những cơ hội cho các bạn trẻ. Nghe thì có vẻ cứ chuyển vào TP. HCM là cuộc sống dễ thở và sung sướng gấp vạn lần.

Tuy nhiên, có 1 sự thật là, dù ở bất kỳ đâu đi chăng nữa, hãy đảm bảo mình có đủ tài chính để sống mà ngay cả khi không làm việc trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm.

(Ảnh: NVCC)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022