Sinh ra ở Hà Nam (Trung Quốc), ông Hắc Ấu Long từng đảm nhận chức Giám đốc công ty máy bay Hughes, Phó tổng giám đốc công ty Acer Đài Loan (Trung Quốc), Phó giám đốc công ty truyền thông Kuangchi... Sự nghiệp thuận buồm xuôi gió nhưng cuộc sống gia đình không được như vậy.
Hắc Ấu Long có bốn người con, ngoại trừ con trai lớn coi như có chút hiểu chuyện, ba đứa trẻ còn lại được miêu tả "không khác gì ác mộng".
Ông Hắc Ấu Long.
Có một lần cả nhà đi siêu thị, con trai thứ hai của ông lén trộm một đôi găng tay, bị nhân viên bắt được tại chỗ. Điều này làm cho vợ của Hắc Ấu Long khóc như mưa, không rõ vì sao con trai mình lại làm ra loại chuyện đáng xấu hổ này. Suốt nhiều năm, đứa trẻ duy trì thứ hạng "ổn định" là 47 trong một lớp 50 học sinh.
Con gái thứ ba của ông từ nhỏ đã trau chuốt cách ăn mặc. Cô bé bắt đầu trang điểm từ năm lớp 5, mỗi sáng thức dậy đều uốn tóc và bôi son phấn rất đậm. Sau khi lên trung học cơ sở, cô bé càng quan trọng chuyện "ăn diện", còn kết giao vài bạn trai.
Đứa con út tuy không gây ra chuyện gì quá đáng, nhưng tính cách lại khá cứng đầu, nghe không lời người lớn nói, luôn cho mình là nhất.
Điều bất ngờ là cuối cùng, bốn đứa trẻ đã được nhận vào các trường đại học nổi tiếng thế giới như ĐH Stanford, ĐH Yale, trở thành "con nhà người ta" trong mắt cha mẹ khác. Tất cả thành quả này không thể tách rời khỏi khái niệm nuôi dạy con cái đặc biệt của Hắc Ấu Long.
Đừng đánh giá cuộc sống của con bạn quá sớm
Quy luật nuôi dạy con của Hắc Ấu Long kỳ thật chỉ có một chữ, đó chính là "Chậm". Hắc Ấu Long cho rằng, chỉ có chậm lại, trong quá trình nuôi dạy con cái không bốc đồng thì mới có thể khống chế cảm xúc; kiềm chế lo lắng của mình thì mới hiểu được nội tâm của đứa trẻ.
Những đứa trẻ nhà Hắc Ấu Long thời niên thiếu thường hay quậy phá, cư xử mất trật tự. Nhưng ông bố này tin rằng đây chỉ là giai đoạn trưởng thành chuyển tiếp. Ông sẵn sàng yêu thương, kiên nhẫn chờ đợi các con đi qua "giông tố tuổi trẻ" và tìm ra con đường đúng của chính mình. Khi con đem điểm 0 về nhà, ông chỉ nói một câu: "Con thi lần này không đậu, lần sau con cố gắng làm tốt hơn nhé!".
Khi con trai thứ hai muốn làm diễn viên, ông cảm thấy hơi thất vọng, nhưng vẫn bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của đứa trẻ. Đây là điều Hắc Ấu Long gọi là "nuôi dạy chậm", kiểm soát cảm xúc, hạ thấp kỳ vọng của bản thân và tôn trọng mọi quyết định của trẻ, để giúp trẻ xây dựng sự tự tin. Trên cơ sở này, hướng dẫn con hành xử đúng đắn.
Kết quả cuối cùng là hiển nhiên, con ông từ từ thay đổi tính cách, hiểu được đâu là "lẽ phải". Điều đáng quý hơn là rằng tất cả đều có tính cách lạc quan, dễ thương đáng mến.
Ông nói: "Tôi không nghĩ rằng hành vi nhất thời của một đứa trẻ có thể quyết định liệu nó sẽ tốt hay xấu trong tương lai. Có nhiều người khi còn trẻ có thể không ngoan, nhưng cũng có rất nhiều người khi còn nhỏ nghịch ngợm, học hành cũng dở, nhưng lớn lên lại rất tử tế. Thực sự đừng đánh giá cuộc sống của con bạn quá sớm.
Một số gia đình có thể cố tình khen ngợi những đứa trẻ ngoan và chê bai các con có vẻ chưa tốt; vợ chồng tôi sẽ không bao giờ làm điều đó. Tất nhiên, chúng tôi không thích hành vi xấu nhưng cũng không trừng phạt bằng "tình cảm". Tình yêu thương của chúng tôi với các con là giống như nhau".
Bốn đứa trẻ đã được nhận vào các trường đại học nổi tiếng thế giới, trở thành "con nhà người ta"
Một quy tắc nuôi dạy con cái như vậy xứng đáng với tất cả các bậc cha mẹ tìm hiểu và áp dụng.
Cha mẹ nên làm gì để "chậm lại"?
(1) Không so sánh
Cha mẹ muốn "chậm lại" trong giáo dục, bước đầu tiên là không so sánh thành tích học tập của con cái với "con nhà người khác". Tâm lý so sánh sẽ làm cho phụ huynh cảm thấy lo lắng nghiêm trọng, dẫn đến yêu cầu ngày càng tăng với con cái, tạo áp lực lớn, gây tác dụng ngược.
(2) Cho con tự do trong khuôn khổ
Cha mẹ không thể "giam cầm" con cái xung quanh mình, càng không thể nhân danh cha mẹ, bóp nghẹt sở thích của đứa trẻ. Chỉ bằng cách cung cấp cho trẻ tự do nhất định, trẻ mới có thể phát triển khỏe mạnh và hạnh phúc.
(3) Không đặt tất cả các trọng tâm của bạn trên trẻ
Cha mẹ phải hiểu rằng mặc dù con cái là quan trọng, nhưng một ngày nào đó trẻ sẽ có cuộc sống độc lập của riêng mình. Vì vậy, dù thương con đến đâu, cũng đừng đặt tất cả mọi sự quan tâm và thời gian của cuộc đời mình lên con cái. Hãy cho mình một chút không gian, chỉ cần làm tròn trách nhiệm cha mẹ là đủ.