Ở Israel, cha mẹ của những người lính tử trận đang thúc đẩy quyền được làm ông bà trong tương lai. Hiểu đơn giản thì tinh trùng của những người lính này sẽ được chiết ra và tiêm vào trứng của người phụ nữ để thụ tinh. Đứa trẻ sinh ra sẽ không có cha nhưng có ông bà bên cạnh. Các nhà phê bình gọi đó là tình trạng mồ côi có kế hoạch (planned orphanhood).

Sinh ra khi cha đã mất 14 năm

Vào buổi sáng đầu tháng 5 tại một nghĩa trang quân đội ở thành phố Kiryat Shmona, Israel, Lễ Tưởng Niệm các binh lính ra đi trong chiến tranh diễn ra trong sự im lặng mặc niệm của mọi người. Đám đông đặt vòng hoa, phát biểu và khóc thương cho những người nằm xuống.

Trong số những người lính hy sinh vì chiến tranh có German Rozhkov. Anh ra đi cách đây 20 năm, khi mới 25 tuổi xuân. Mẹ anh, Ludmila, một cựu giáo viên. Bà rất biết ơn vì sự hiện diện của mọi người tại ngày lễ. Đi theo bà là cô bé Veronica, 5 tuổi, con gái German.

Veronica chưa bao giờ gặp mặt cha. Và hơn hết, em được sinh ra sau khi cha đã mất 14 năm.

Quay ngược quá khứ về 20 năm trước. Ngày các sĩ quan thông báo tin con trai tử trận, Ludmila kìm nén nỗi đau và yêu cầu mọi người lấy tinh trùng của con trai. Chính bà cũng không biết vì sao mình nghĩ vậy. 

Mới đầu mọi người cho rằng ý tưởng này hơi kỳ cục, nhưng rồi vẫn thực hiện theo ý bà. Tinh trùng của German được chiết ra và bảo quản trong nitơ lỏng, 14 năm sau, tinh trùng được đem ra thụ tinh cho trứng của Irena Akselrod.

Cô gái này chẳng biết German là ai, nhưng cô tình nguyện cưu mang và nuôi nấng con anh sau khi gặp gỡ bà Ludmila. "Tôi xúc động trước câu chuyện của bà ấy. Bà Ludmila sống một mình tại Israel, con trai duy nhất bị tử trận và bà không có đứa cháu nào".

Để thuyết phục thẩm phán cấp cho Ludmila Rozhkov và Irena quyền nhận tinh trùng của German, ngoài sự đồng ý của gia đình còn cần đến bằng chứng xác nhận mong muốn có con của anh.

Ở Israel, không có luật nào liên quan đến hành vi dùng tinh trùng của người đã khuất để sinh con. Vì vậy, thẩm phán tòa án phán quyết: "Khi luật pháp không đưa ra được câu trả lời, tòa án phải dựa vào các nguyên tắc của di sản Do Thái. Trong kinh Cựu Ước, Mẹ Rachel đã kêu lên 'Hãy cho tôi những đứa con, nếu không tôi sẽ chết'. Logic này phản ánh mong muốn con cháu gánh vác giá trị thể chất, tinh thần của bản thân, gia đình và xã hội".

anh-gia-dinh-16722038093851292814141-1672299624334-16722996244351122891017-1672299975007-1672299975163848411504-1672310654316-16723106547241174986780.jpg

Gia đình của người lính German Rozhkov.

Lúc sinh Veronica, Irena đã 42 tuổi. Cô từng ly hôn và có một cậu con trai đang ở độ tuổi thiếu niên. Tháng 9 năm nay, Veronica đủ tuổi vào lớp một. Gia đình nhỏ sống trong khu nhà gần Ludmila Rozhkov. Khi Irena làm việc tại nhà máy, bà Ludmila đến đón cháu gái ở trường. Các sinh hoạt hằng ngày rất giản dị và dường như đã đi vào nề nếp.

Mâu thuẫn và tranh chấp

Thủ tục lấy tinh trùng của đàn ông không phải là điều kỳ lạ trong giới y học. Sau khi một người đàn ông qua đời, tinh trùng của họ vẫn có thể sống tới 72 giờ, lúc này người ta sẽ lấy ra và trữ đông. Giờ đây, lấy tinh trùng của lính tử trận trong quân đội là một chủ đề không còn lạ lẫm ở Israel.

fathoic-167220393838052944249-1672299626031-16722996261342003395455-1672299976622-1672299976769231755784-1672310656166-1672310656310889507694.jpg

Nhiều đứa trẻ sinh ra mà không biết cha mình là ai

Ban đầu, chính phủ và quyết định của tòa án nghiêng về phía cha mẹ của người lính. Nhưng họ bỏ quên mất phía người vợ. Vấn đề bắt đầu nảy sinh từ đây. Có trường hợp, cha mẹ muốn sử dụng tinh trùng của con trai, nhưng người vợ (đã tái hôn, có con với chồng mới) lại không cho phép quyền sử dụng tinh trùng của chồng. 

Cô lập luận rằng chồng cũ không muốn có con với bất kỳ ai ngoài cô. Tòa án Tối cao đã đứng về phía góa phụ vào năm 2017. Thẩm phán Esther Hayut trình bày: "Thật không may, nếu không có sự đồng ý của người vợ vào thời điểm ấy, tôi không thể tìm ra cách hợp pháp để phê duyệt quyền sử dụng tinh trùng của người chồng".

Vào tháng 3, một dự luật điều chỉnh đã được thông qua Knesset, quốc hội của Israel. Người bảo trợ dự luật, Zvi Hauser, hy vọng khi Israel luật hóa thông lệ này, các quốc gia khác sẽ làm theo.

Dự luật yêu cầu các nam quân nhân quyết định muốn làm gì với tinh trùng nếu không may hy sinh trong quân ngũ. Hauser cũng mong muốn mở rộng phạm vi trên toàn quốc, nhưng bắt đầu từ trong quân đội trước. 

"Bạn phải phục vụ đất nước của mình theo luật. Nếu có điều gì xảy ra với bạn chúng tôi sẽ chăm sóc bạn chu đáo, và nếu bạn qua đời, chúng tôi sẽ chăm sóc tốt cho gia đình của bạn. Giờ chúng tôi có công nghệ giúp bạn để lại một đứa con", ông nói.

Nếu cha mẹ của người lính tử trận tìm kiếm một người mẹ cho đứa cháu tương lai, họ có thể nhận về rất nhiều phản hồi tích cực. Hàng trăm phụ nữ tình nguyện sinh con của những người lính như một cách thể hiện tình đoàn kết dân tộc. Họ biết mình cũng sẽ được đối xử như con dâu chứ không phải một người đẻ thuê.

anh-nguoi-linh-16722040147472039220318-1672299627470-1672299627582396426782-1672299978369-1672299978515683371239-1672310657654-1672310657791804788431.jpg

Hàng trăm phụ nữ tình nguyện sinh con của những người lính đã khuất

Tuy nhiên, cũng có người thấy rùng mình. Vài người cho rằng điều này không hợp quân đội, số khác thì có cảm giác đây giống như hành vi lợi dụng, ngược đãi trẻ. 

Gil Siegal, người đứng đầu Trung tâm Luật Y tế, Đạo đức Sinh học và Chính sách Y tế tại Trường Cao đẳng Học thuật Ono cho biết: "Không có gì bất ngờ khi hầu hết quốc gia không phổ biến điều luật này. Đứa trẻ được hưởng lợi ích tốt nhất khi sinh ra với cả cha và mẹ đều còn sống. Những cuộc tranh luận xoay quanh khả năng sinh đẻ phải bắt đầu từ cha-mẹ-con chứ không phải ông-bà-con. Khi bạn lấy tinh trùng từ một người đàn ông đã chết, bạn như đang cố gắng khôi phục lại một thứ đã lạc mất trong bi kịch".

Ở một số quốc gia, Đức, Ý và Thụy Điển, hành vi này bị cấm. Ở Hoa Kỳ, tùy bang sẽ có quy định khác nhau, hình thức này chủ yếu dành cho những góa phụ có thể chứng minh chồng họ muốn có con theo cách này. Một trong những trường hợp nổi tiếng xảy ra vào năm 2014, khi cảnh sát thành phố New York Wenjian Liu bị giết. Vợ anh đã lấy tinh trùng và sinh một cô con gái, Angelina vào năm 2017. Một công ty tên là PMSR Network bắt đầu cung cấp dịch vụ vào năm 2021 tại California. Mel Cohen, giám đốc điều hành, có kế hoạch mở rộng ra toàn quốc vào năm tới. Công ty có tới 27 bác sĩ được đào tạo cẩn thận về quy trình chiết xuất tinh trùng.

Peter Schlegel, giáo sư về tiết niệu và y học sinh sản tại Weill Cornell Medicine, New York là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Ông ước tính có hàng chục trẻ em đã được sinh ra ở Mỹ theo cách này. Ông nói: "Vấn đề lớn nhất là cần bằng chứng cho thấy người đàn ông muốn có con theo cách này".

Văn hóa Do Thái Israel khuyến khích gia đình đông con

Trong văn hóa của người Do Thái Israel, có 2 điều mà đại đa số đồng ý: tầm quan trọng của việc sinh con và sự thiêng liêng của quân đội.

Trong số 38 thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, bao gồm các quốc gia thịnh vượng trên thế giới, Israel cho đến nay là quốc gia dẫn đầu về mức sinh, cứ một người phụ nữ lại có đến 3 đứa con. Các quốc gia tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico. Thời điểm gần nhất mà các quốc gia lớn duy trì tỷ lệ sinh như của Israel là vào đầu hoặc giữa thế kỷ 20. Ví dụ ở Mỹ là năm 1960, ở Ý là 1914 và ở Anh là 1908.

Dân số Israel đã tăng khoảng gấp đôi trong 30 năm qua, lên 9,5 triệu người. Dự kiến vẫn tăng gấp đôi trong 30 năm tới. Israel đang "phình" lên sau mỗi thập kỷ. Điều này có thể gây ra thảm họa vì giá nhà, giá đất sẽ tăng vọt chóng mặt. Tại Tel Viv, giá bất động sản tăng nhanh đến mức thành phố này sắp vươn lên vị trí thành phố đắt đỏ nhất thế giới.

Israel có truyền thống khuyến khích gia đình đông con, họ mong muốn tạo ra lượng dân số hùng hậu cho một quốc gia hùng mạnh. Các chính sách hỗ trợ thai sản rất hào phóng, nhiều dịch vụ tiêm và khám chữa bệnh miễn phí. 

Năm 1996, Israel đã thông qua luật mang thai hộ đầu tiên trên thế giới, quy định những người mang thai hộ phải được trả tiền và không được có quan hệ di truyền với cha mẹ. Ban đầu luật giới hạn cho các cặp vợ chồng dị tính vô sinh và sau được mở rộng cho cả các cặp đồng giới.

Không giống như lấy trứng, lấy tinh trùng đơn giản và tương đối rẻ - 1000 đô cho quy trình và 100 đô một năm cho việc lưu trữ (quân đội hỗ trợ chi phí cho người lính). Người ta có thể yêu cầu bất kỳ thời gian nào. Giáo sư Ron Hauser là người quản lý một trong những cơ sở lớn nhất tại Trung tâm Y tế Tel Aviv Sourasky. Anh ấy bị đánh thức nhiều lần vào lúc nửa đêm và phải lên đường thực hiện ngay.

621afterlifebabies678x320front-1672203993054710633083-1672299628886-16722996289791467774802-1672299979911-1672299980066815577117-1672310659127-16723106592561320295889.jpg

Không giống như lấy trứng, lấy tinh trùng đơn giản và tương đối rẻ

Hauser nói: "Chúng tôi lấy một phần mô tinh hoàn rồi đông lạnh. Tốt nhất nên hoàn thiện quá trình trong vòng 24 giờ, nhưng nếu thi thể được bảo quản ở nhiệt độ lạnh thì có thể thoải mái hơn. Chúng tôi lấy càng ít tinh hoàn càng tốt vì muốn tôn trọng phẩm giá của nạn nhân". 

Nếu lỡ lấy quá nhiều, phần thừa sẽ được trả lại và chôn cùng xác. Tại ngân hàng tinh trùng của Hauser, các tế bào được giữ ở nhiệt độ –196 độ C (-321 độ F). Về lý thuyết, tinh trùng có thể được trữ đông vĩnh viễn, nghĩa là các cặp ông bà có nhiều thời gian hơn để tìm một người mẹ phù hợp cho cháu mình.

Vào năm 2020, Triger và Yael Hashiloni-Dolev, một nhà xã hội học của Đại học Ben-Gurion, đặt ra thuật ngữ "quan hệ ông bà sau khi chết" (posthumous grandparenthood), so sánh hành vi này giống với tập tục thời xưa khi cha mẹ chọn bạn đời cho con dựa trên tính hòa hợp về địa vị kinh tế và xã hội. Nhưng không giống thời xưa, họ chọn cho con trai mình mà cho chính họ. Họ nói thêm, Israel là quốc gia duy nhất mà hiện tượng này được "cho phép hợp pháp và được thực hành nhiều lần".

Hãy thử nhìn vào trường hợp của Irit và Asher Shahar. Con trai họ qua đời trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhưng mất vì tai nạn xe máy chứ không phải chiến tranh. Cả hai yêu cầu tòa cho phép sử dụng tinh trùng để thụ tinh với trứng của một người hiến tặng ẩn danh, sau đó thuê người mang thai hộ. 

Một tòa án đồng ý, nhưng tòa án cấp quận đã lật ngược phán quyết vì không tìm được bằng chứng cho thấy người đàn ông đã chết muốn sinh con. Asher bực tức: "Tại sao nhà nước lại quan tâm chuyện gì sẽ xảy ra với tinh trùng của con trai tôi? Tại sao họ gọi tôi ngay khi con trai tôi qua đời để hỏi xin yêu cầu được sử dụng nội tạng, nhưng bản thân tôi lại không được phép sử dụng tinh trùng của con trai mình?".

Người đứng đầu hiệp hội giáo viên, Ben Ygal sống một mình ở Ramat Gan, ngoại ô Tel Aviv. Từ sau khi con trai Amit của ông qua đời, ông giữ nguyên căn phòng của con và dự định cải tạo lại căn phòng cho đứa cháu. Hiện tinh trùng của Amit đang được bảo quản lạnh.

800x-1-16722039703961924001605-1672299630983-16722996311091442559597-1672299981600-1672299981745326836643-1672310660518-1672310660681958100622.jpg

Ben Ygal trong phòng của con trai

Ben Ygal dành rất nhiều thời gian và nỗ lực để vận động hành lang về biện pháp chiết xuất tinh trùng khi qua đời. Ben Ygal nói: "Một khi con trai bạn nhập ngũ, con không chỉ thuộc về bạn mà còn thuộc về cả quốc gia. Khoảng 50.000 người đã đến dự đám tang con tôi. Hàng ngàn phụ nữ đã liên hệ để được làm mẹ của con Amit. Tôi đã phỏng vấn khoảng 100 phụ nữ, ghi chú đầy đủ tên, thông tin liên lạc và đưa cho thủ tướng. Nhưng tôi đang chờ luật được thông qua".

Shira Pilus, một trong những "ứng viên" của Ben Ygal, tin rằng cô đang đứng đầu danh sách chờ. "Tôi đã ly hôn và trải qua nhiều tổn thương trong cuộc sống, và điều tôi mong muốn nhất lúc này là một đứa con. Tất nhiên tôi có thể đến ngân hàng tinh trùng, nhưng tại đó, tôi không biết ai là cha đứa trẻ. Khi thấy Ben Ygal trên TV, tôi đã gửi cho ông bức thư. Tôi sẽ mang đứa con của một vị anh hùng dân tộc. Thay vì tìm bạn đời rồi sinh con, tôi sẽ bắt đầu với đứa trẻ trước".

Bộ Quốc phòng hiện đang hỗ trợ con cái của những người lính tử trận (trợ cấp hằng tháng, học phí đại học, hỗ trợ thế chấp) nhưng chưa có điều luật tương tự với đứa trẻ sinh ra từ tinh trùng của người cha đã tử trận. Zvi Hauser e ngại khi điều luật được thông qua, sẽ có nhiều người lợi dụng chính sách này để cố gắng sinh con và nhận trợ cấp của chính phủ.

Nhưng một số gia đình đang đấu tranh để có được quyền lợi này. Luật sư đại diện của gia đình Veronica đang kiện Bộ vì không cung cấp cho em nguồn hỗ trợ tài chính như những đứa trẻ khác. Và gia đình đã thắng vụ kiến đầu tiên.

Ludmila Rozhkov rời Ukraine và đến Israel để được sống gần con trai mà bà đã tự mình nuôi nấng. German mời mẹ đến sống trong căn hộ của anh. Hai mẹ con rất gắn bó với nhau. Thời điểm anh qua đời, Ludmila đã vật lộn đau khổ suốt nhiều năm. Mọi chuyện chỉ dần thay đổi khi Veronica sinh ra. Cô bé có khuôn mặt và tính cách như của con trai bà.

Sức khỏe của Ludmila đang đi xuống và vài tháng trước bà còn phải phẫu thuật. Khi nằm trên bàn mổ, bà đã lường trước tình huống xấu nhất: có thể mình không bao giờ tỉnh lại. Nhưng bà lại nghĩ đến con trai, chắc hẳn German muốn bà sống thật khỏe mạnh để nuôi dưỡng con mình. "Đúng là Veronica sẽ không có cha, nhưng ít ra, con bé có một người mẹ và người bà yêu thương hết mực".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022