Hiện nay, tình trạng dậy thì sớm ở trẻ em đang diễn ra vô cùng phổ biến khiến các phụ huynh có con nhỏ không khỏi lo lắng. Với các bé gái, thay vì có kinh nguyệt vào năm lớp 8, 9 hoặc muộn hơn thì hiện tại nhiều bé đã "bị" vào năm lớp 4, 5, thậm chí là sớm hơn nhiều. Việc này ảnh hưởng rất nhiều tới tâm sinh lý, sức khỏe và đặc biệt là chiều cao của con. Bé thấp lùn trong tương lai có thể khiến con tự ti, buồn bã...

Mới đây, chị Hậu (sống tại Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện của con gái khiến nhiều phụ huynh giật mình. Cụ thể, vào tháng 11/2020, chị Hậu đưa con gái 7 tuổi đi khám do bé kêu bị đau ngực. Kết quả cho thấy bé phát triển xương sớm hơn 1 chút còn mọi thứ còn lại đều bình thường. Bác sĩ dặn chị Hậu hạn chế cho con ăn đậu phụ và không cho bé xem phim người lớn rồi hẹn 3, 4 tháng sau khám lại. Lúc này tuổi xương của bé đã tương đương với 9 tuổi. 

2935934893698709653470788680297021136614225n-1660189425478400999789.jpg

Kết quả đi khám lần đầu của con chị Hậu, lúc đó bé 7 tuổi, được chẩn đoán tuổi xương tương đương 9 tuổi.

Tuy nhiên, do thời gian sau dịch Covid-19 ập đến, mọi thứ bị trì hoãn nên việc đi khám của con gái chị Hậu cũng tạm hoãn lại. Khoảng 7 tháng sau, bà mẹ trẻ cũng chủ quan không cho con đi khám. Con gái chị Hậu cảm thấy lúc đau lúc không nên gia đình dự định hết dịch mới tái khám. 

Tuy nhiên, cuối năm 2021, khi con gái chị Hậu được 8 tuổi. Trong một lần tắm, bà mẹ trẻ phát hiện ở vùng kín của con có một vài sợi dài và xoăn. Chị giật mình đưa con đến viện khám dù lúc đó dịch vẫn khá căng thẳng. 

"Khám xong trời đất như sụp đổ. Bác sĩ nói xương con mình đã tương đương 11 tuổi. Họ nói thêm bé đã 8 tuổi rồi nên giờ tiêm cũng không có tác dụng gì. Việc can thiệp lúc này chỉ làm chậm quá trình kinh nguyệt thôi chứ không thể cao lên được nhiều, thậm chí dự đoán con sau này chỉ cao 1m48 là tối đa thôi. Mình đã khóc rất nhiều, ngoài ra bác sĩ còn nhấn mạnh rằng con có thể bị kinh nguyệt bất cứ lúc nào kể cả ngày mai.

29485458719043205231006503197384818809351243n-1660189425500792641750.jpg

Kết quả khám lần 2, bé được chẩn đoán dậy thì sớm.

Giây phút ấy mình rụng rời chân tay, nghĩ thương và xót con vô vàn vì con còn bé quá chưa hiểu hết được. Mình cũng tự trách bản thân vì làm mẹ mà quá chủ quan, không quan tâm đến sức khỏe của con, để đến khi 8 tuổi mới cho khám lại. Giá mà biết sớm can thiệp sớm thì có phải con có chiều cao tốt và không bị kinh nguyệt quá sớm không...", chị Hậu áy náy kể lại. 

Thời gian sau đó, bà mẹ trẻ tự trách bản thân mình, "có bệnh thì vái tứ phương", đi hỏi khắp mọi người xem có ai có cách gì hay chị đều mang về áp dụng cho con. Kể cả đưa con đến một bệnh viện uy tín khác mong kết quả khả quan hơn nhưng cuối cùng vẫn không thay đổi được chuyện này. Thậm chí, con gái mới 8 tuổi nhưng ổ bụng tử cung đã phát triển và có nang trứng...

Ngoài ra, bác sĩ cũng dặn dò gia đình phải để ý đến chế độ ăn uống cũng như tập luyện của con. Cho bé ăn hải sản, tôm cá, trứng, uống sữa, tập luyện thể thao nhiều cho xương phát triển. 

Đi đến đâu, chị Hậu cũng tìm những người có chiều cao thấp rồi hỏi về thời gian người đó dậy thì, tuy nhiên có vài bạn thấp dù lớp 8, 9 mới "bị", ngược lại cũng có những người cao nhưng đều "bị" sớm từ lớp 4, 5. Bà mẹ trẻ cho rằng chiều cao của con còn phụ thuộc vào gen, thế nên điều quan trọng hiện giờ là cố gắng bổ sung chế độ ăn uống cho con sao cho phù hợp. 

2970918565644892986453768092123652574609291n-16601895123002147307902.jpg

Nhờ mẹ thay đổi chế độ ăn uống, rèn luyện thể thao, sau 1 năm khám, sức khỏe của bé vẫn đang ổn định.

"Mình tự an ủi bản thân là mình 1m6, bố nó 1m78 thì không có chuyện con thấp lùn được. Sau đó, những món ăn như xúc xích, bánh kẹo, đồ chiên rán, trà sữa, đồ ăn nhanh... mình đều cắt hết trong khẩu phần ăn của con. 1 tháng cho bé ăn 1, 2 lần cho đỡ thèm thôi chứ không được ăn nhiều như trước. Đồ dầu mỡ, đồ ngọt mình cũng cắt hết. 

Thực ra trước đó bé còn kêu nhức mỏi xương nữa mà mình chủ quan không để ý. Giờ các con phát triển rất nhanh nên bố mẹ cần chú ý quan sát, đưa con đi khám sớm. Mỗi năm có thể khám tổng quát 1-2 lần để phát hiện sớm nếu có thể. Khi mà bé đã kêu đau một bộ phận nào đó thì nhiều khả năng cơ thể con đang "báo động" là có vấn đề rồi", chị Hậu nói thêm. 

Hiện tại con gái chị Hậu đã 9 tuổi, có chiều cao là 1m41 và chưa có kinh nguyệt. Bà mẹ trẻ vẫn tiếp tục duy trì chế độ ăn uống và rèn luyện để con có sức khỏe cũng như sự phát triển tốt nhất. 

Dậy thì sớm là khi cơ thể trẻ bắt đầu thay đổi thành người trưởng thành (dậy thì) quá sớm. Khi dậy thì bắt đầu trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai, nó được coi là dậy thì sớm.

Tuổi dậy thì bao gồm sự phát triển nhanh chóng của xương và cơ bắp, thay đổi hình dạng, kích thước cơ thể và phát triển khả năng sinh sản của cơ thể.

Nguyên nhân của dậy thì sớm thường không thể được tìm thấy. Hiếm khi, một số điều kiện, chẳng hạn như nhiễm trùng, rối loạn hormone, khối u, bất thường hoặc chấn thương não, có thể gây ra dậy thì sớm. Điều trị cho dậy thì sớm thường bao gồm thuốc để trì hoãn sự phát triển hơn nữa.

Khi phát hiện con dậy thì sớm, hãy cho con bạn một lời giải thích đơn giản, trung thực về những gì đang xảy ra. Giải thích rằng những thay đổi này là bình thường đối với trẻ lớn và thanh thiếu niên, nhưng có khác biệt là cơ thể bé bắt đầu phát triển quá sớm. Bên cạnh đó, bố mẹ cần đồng hành và hỗ trợ con trong việc can thiệp (nếu có) dưới sự hướng dẫn của các chuyện gia y tế, các bác sĩ có chuyên môn.

https://afamily.vn/me-rung-roi-chan-tay-khi-biet-con-gai-moi-8-tuoi-nhung-xuong-tuong-duong-11-tuoi-chi-cao-1m48-la-toi-da-bac-si-canh-bao-se-co-kinh-nguyet-bat-cu-luc-nao-20220811101724738.chn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022