Chị Nguyễn Thanh Nga (sinh năm 1990) sống và làm việc tại Fukuoka, Nhật Bản bổ sung dinh dưỡng cho con bằng cách cho bé uống sữa hạt một ngày 3 lần, liều lượng tăng dần từ nhỏ đến lớn và dừng ở mức 600 đến 700ml/ ngày. Trộm vía con tăng cân đều, phát triển tốt, tiêu hóa ổn định, hiếm khi ốm, chưa từng đau bụng, ngày đi ngoài 1 lần, không bao giờ trớ. Tới bữa ăn thì vẫn ăn ngon miệng, dễ dàng. Bé gái 40 tháng, cao 1m01, nặng 16kg, hiếu động vô cùng.
Trải qua hơn 2000 lần thao tác, chị Nga rút ra kinh nghiệm nấu sữa hạt cho con. Đó là: nấu thật loãng (50gr hạt/1 lít sữa), pha thật ngon (nịnh miệng con), nấu đơn (không mix nhiều loại hạt một lần) nhưng dùng đa dạng nhiều loại hạt. Bà mẹ trẻ đã nuôi con bằng sữa hạt cũng 3 năm rưỡi. Mỗi ngày đều nấu, tính ra cũng kha khá lần trải nghiệm với loại thức uống bổ dưỡng và lành mạnh này. Dưới đây, chị Nga chia sẻ một số kinh nghiệm về việc nấu sữa hạt cho con.
2 "khách hàng" trung thành uống sữa hạt của mẹ mỗi ngày.
Thao tác chế biến sữa hạt
- Về liều lượng: vì dùng nhiều và thường xuyên, mình luôn khuyến cáo các bạn hãy nấu loãng, không nên tham, bạn ăn một lần cùng lắm năm bảy hạt, nhưng khi bạn uống, bạn khó mà kiểm soát được trong khi chúng ta còn ăn biết bao nhiêu thực phẩm khác. Mình ấn định công thức của mình là 50gr hạt khô/lít sữa hoặc 100gr hạt tươi cho 1,2 lít, một số hạt đặc biệt thì có thể khác một chút thôi.
- Về việc lọc hay không lọc: các loại nhiều dầu như óc chó, mắc ca, hạnh nhân, hạt phỉ, hồ đào, brazil nut mình luôn lọc, ép qua túi lọc sữa để loại bỏ hoàn toàn bã hạt. Dù máy đã xay mịn nhuyễn, nhưng bã hạt dễ dính vào vòm cổ bé gây ho. Thêm nữa không lọc, sữa sẽ mau hư hơn.
- Hạt nhiều dầu mình sẽ không nấu, chỉ xay bằng nước sôi rồi lọc. Đối với các loại đậu ta như đậu xanh, đỏ, trắng, đen... mình sẽ nấu chế độ sữa đặc và không cần lọc, trừ đậu nành (mình không nấu).
- Có nên bóc vỏ hay không: Có 3 trường hợp:
+ Hạt dầu: không bóc vỏ lụa.
+ Đậu ta (khô): không cần đãi vỏ đối với hạt nhỏ (giống thuần chủng) nên bóc với hạt to.
+ Đậu tươi: nên bóc vỏ. Đậu phộng cũng nên bóc.
- Về việc dùng sữa đặc: Sữa đặc có giúp cho sữa hạt ổn định hơn, đỡ tách nước và cho sữa tròn vị, nịnh miệng hơn. Mình dùng 1 muỗng cho 1 đến 1,2 lít sữa.
- Về việc mix hạt: Việc mix hạt lung tung là không nên. Là bởi bạn chưa biết được từng loại hạt cho ra mùi vị thế nào, kết hợp có gây khó tiêu, đầy bụng hay không, rồi trong ngày mình ăn uống liệu có vấn đề gì...
- Về việc trộn sữa hạt với sữa tươi hay sữa bột, mật ong, nước quả: mình không có ý kiến, bản thân mình chọn sữa hạt thuần tuý, nhưng trước khi trộn bất cứ thứ gì vào sữa, hãy cân nhắc thật kĩ.
Quy trình nấu sữa
1. Các loại hạt nhiều dầu
- Cân 50gr nhân hạt (óc chó, hạnh nhân, mắc ca, hạt phỉ, hồ đào, brazil nut) đem rửa sạch rồi ngâm theo thời lượng khuyến cáo.
- Xả sạch, cho vào cối cùng 800ml nước sôi, cho một chút muối vào, xay cho thật nhuyễn mịn đến đồng nhất.
- Trong lúc máy xay, ta đi tiệt trùng chai lọ, súc rửa bằng nước sôi, vẩy ráo.
- Sau khi xay xong, ta đổ sữa ra một cái ca, dùng một cái rây lớn đặt lên miệng cái cối, trùm khăn màn hoặc túi lọc sữa lên, đổ ca sữa vào lọc.
- Lúc này lượng sữa còn tầm 600ml. Ta lấy 200ml nước sôi đổ lên túi bã rồi dùng một cái ly đế bằng ép cho sữa chảy kiệt ra. Dùng tay sẽ rất nóng mà không hiệu quả bằng.
Cho 50gr hạt vào cối kèm 800ml nước sôi (mình nấu mắc ca). Xay xong thì đổ sữa ra ca, đặt rây và túi lọc vào vị trí. Tiếp theo đổ 200ml nước sôi vào túi bã cho ra hết sữa. Dùng ly đế bằng để ép. Bã sau khi lọc xong có thể đem rửa mặt, bón cây, cho heo gà ăn. Cuối cùng thì cho đường vào ca, đổ 200ml nước sôi vào khuấy cho tan hết rồi đổ vào cối.
- Bây giờ ta có 800ml sữa trong cối, ta cho 1 muỗng đường và 1 muỗng sữa đặc vào ca, cho vào 200ml nước sôi và hòa cho tan hết.
- Cuối cùng đổ nước đường vào sữa rồi cho ra chai, chờ cho chai nguội còn âm ấm hoặc nguội hẳn thì đậy nắp, cất tủ lạnh.
- Dọn rửa. Toàn bộ quá trình mất đúng 15 phút.
2. Các loại đậu ta
- Đậu xanh, đỏ, đen, trắng,... dùng 50gr ngâm cho đúng thời gian khuyến cáo.
- Xả sạch, cho vào nấu chế độ sữa đặc kèm 800ml nước sôi (cho nhanh).
- Sau khi nấu xong, dùng muỗng khuấy kiểm ra độ sánh, pha đường và sữa đặc với một lượng nước sôi hợp lý để có kết cấu mong muốn rồi đổ vào.
Tham khảo thời gian ngâm hạt để chế biến hiệu quả hơn
Đậu khi nguội sẽ sánh đặc hơn lúc nóng, nên pha loãng để trừ hao.
3. Các loại đậu tươi
- Hạt sen, đậu ngự, đậu mèo, đậu cúc... 100gr, rửa sạch, ngâm, bóc vỏ, rửa lại rồi cho vào nấu.
- Đậu này không trương nở nhiều nên không cần trừ hao, chỉ cần pha loãng đủ uống là được. Thường thì 100gr thu được 1,2 hoặc 1,3 lít sữa.