Già hóa trong cơ thể tuổi mới đôi mươi

Ghi nhận tại các bệnh viện chuyên khoa hiếm muộn cho thấy, rất nhiều trường hợp các cặp vợ chồng đến khám tại bệnh viện và phát hiện nguyên nhân khó có con do người vợ bị suy buồng trứng.

Suy buồng trứng sớm là hiện tượng buồng trứng bị lão hóa trước tuổi, dẫn tới ngừng hoạt động chức năng sinh sản trước tuổi 40.

Dù chưa có thống kê chính thức nhưng tình trạng suy buồng trứng sớm có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Thậm chí, có những trường hợp chị em mới ngoài 20 tuổi đã bị suy buồng trứng.

suy-buong-trung-som-1-1686041952854455021765.jpg

Chia sẻ về vấn đề này, Ths.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo (BV Phụ sản TW), cho biết, anh đã từng tiếp nhận ca bệnh hiếm muộn đặc biệt. Đó là trường hợp của một nữ điều dưỡng ở Thanh Hóa. Mặc dù mới 25 tuổi nhưng cô đã bị suy buồng trứng. Được biết, nữ điều dưỡng lập gia đình 3 năm trước nhưng do đang trong giai đoạn thử việc nên vợ chồng cô đã trì hoãn việc sinh con. Cho đến khi công việc ổn định, hai vợ chồng quyết định có con thì lại... mãi không thấy tin vui.

Khi khám cho bệnh nhân, BS Thành đã "không tin vào mắt mình". Trên hình ảnh siêu âm buồng trứng của bệnh nhân gần như không còn các nang trứng. Kết quả xét nghiệm hormone dự trữ buồng trứng AMH còn rất thấp. Bệnh nhân được chẩn đoán suy buồng trứng sớm.

Sau khi được dùng thuốc kích trứng, điều trị hiếm muộn bằng cách bơm IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung), bệnh nhân đã có thai tự nhiên. Theo BS Thành, nữ điều dưỡng này may mắn vì đến khám và điều trị khi chưa bị mãn kinh hoàn toàn nên mới có thể can thiệp. Nếu để thêm 1-2 năm mới đi khám, khi đó bệnh nhân mãn kinh thì nguy cơ lão hóa nhanh, cơ hội sinh sản cũng thấp.

Không còn nang trứng dự trữ, người phụ nữ sẽ không có khả năng sinh sản

BS Phan Chí Thành cho biết, buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng nhất của nữ giới. Buồng trứng đảm nhận 2 chức năng cơ bản là sản xuất ra các hormone sinh dục (sinh lý nữ) và sản xuất trứng phục vụ quá trình sinh sản. Một buồng trứng hoạt động bình thường sẽ giúp người phụ nữ có đời sống sinh dục, sinh lý và sinh sản bình thường.

Mỗi phụ nữ sinh ra sẽ có khoảng 1 triệu đến 2 triệu trứng. Số lượng này sẽ giảm dần và khi bước vào tuổi dậy thì chỉ còn khoảng 300.000 - 400.000 trứng.

suy-buong-trung-som-3-1686041952913213633627.jpg

Theo chu kỳ kinh hàng tháng, các nang trứng sẽ phát triển, rụng trứng hoặc thoái hóa dần làm cho số lượng nang trứng dự trữ giảm dần. Thường là sau 45 tuổi, số lượng nang trứng giảm đến mức "cạn đáy" và phụ nữ chuẩn bị bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh. Khi không còn nang trứng dự trữ, người phụ nữ sẽ không có khả năng sinh sản.

Qua trường hợp của nữ điều dưỡng nói trên, BS Thành khuyên các cặp vợ chồng khi kết hôn nếu trì hoãn việc sinh con vì bất kì lý do nào đó thì cũng nên đi khám sức khỏe sinh sản trước. Đối với trường hợp có nguy cơ mãn kinh sớm thì bắt buộc phải điều trị nội tiết tố thay thế để không bị lão hóa sớm.

Với những chị em có ý định lập gia đình muộn (sau 35 tuổi), BS Thành khuyên nên đi khám phụ khoa để xem chất lượng trứng còn tốt hay không. Với những phụ nữ có khả năng tài chính tốt, nếu muốn bảo tồn khả năng sinh sản thì có thể chọn phương pháp dự trữ trứng.

Biểu hiện của suy buồng trứng sớm

Suy buồng trứng sớm là hiện tượng buồng trứng bị lão hóa trước tuổi, ngừng hoạt động chức năng ở phụ nữ sau tuổi dậy thì và trước 40 tuổi.Suy buồng trứng sớm thường có biểu hiện tương tự như những phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh với các dấu hiệu điển hình:

- Rối loạn kinh nguyệt: Kinh nguyệt ít dần, kinh thưa không đều thậm chí mất kinh.

- Giảm ham muốn chuyện vợ chồng.

- Rối loạn vận mạch: Xuất hiện các cơn bốc hoả, nóng bừng mặt, hay đổ mồ hôi trộm.

- Ngoài ra còn có biểu hiện rối loạn tiết niệu, loãng xương, khó tập trung, dễ kích động…

Tuy nhiên, có những trường hợp suy buồng trứng đến rất từ từ không có triệu chứng gì, bệnh nhân chỉ phát hiện ra khi thăm khám vì hiếm muộn.

Làm sao để hạn chế suy buồng trứng sớm?

Để bảo vệ sức khỏe của buồng trứng, chị em cần làm những điều sau:

- Luôn giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ để phòng bệnh phụ khoa có thể ảnh hưởng đến buồng trứng.

- Không lạm dụng các loại thực phẩm có tính kích thích.

- Luôn giữ cân bằng tâm lý trong công việc, cuộc sống.

- Nên thăm khám phụ khoa thường xuyên hoặc định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm dấu hiệu bệnh.

- Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, giúp tăng cường estrogen và cân bằng nội tiết tố trong cơ thể...

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022