Ngày 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội dành trọn 1 ngày làm việc để xem xét về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Sau khi nghe báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày, các đại biểu Quốc hội thảo luận, phân tích làm rõ thêm những kết quả đã đạt được trong công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em; chỉ rõ những tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, qua đó đề xuất các biện pháp khắc phục để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới.

Nêu ý kiến trước Quốc hội, ĐBQH Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, các vụ xâm hại trẻ đã được soi rọi qua nhiều lăng kính, quy định pháp luật, các vụ xâm hại được đưa ra công luận và xử lý tới cùng. Song vẫn còn nhiều góc khuất khác về hành vi xâm hại trẻ em mà một trong số đó vẫn đang diễn ra công khai, thậm chí còn được cổ suý nhưng chưa được nhìn nhận trong báo cáo giám sát lần này vì "có lẽ nó được khoác lên mình lớp vỏ bọc văn hoá".

"Khi cậu bé mới 4 tuổi oà khóc vì không đạt giải nhất trọng Gameshow Biệt tài tý hon thì có người xem nào đặt câu hỏi 'liệu ở đây, ai đã có hành vi xâm hại trẻ em?'. 

Không ai muốn con mình phải khóc, nhưng việc làm cho một đứa trẻ vừa lên 4 phải bật khóc nức nở trên sóng truyền hình vì thua người khác và clip đó tồn tại theo thời gian được hàng triệu người xem trên mạng xã hội thì ở đó có hành vi gây tổn hại đến thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em mà Khoản 5 Điều 4 được định nghĩa về xâm hại trẻ em", đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt vấn đề.

pham-trong-nhan-binh-duong-11550509-1590573648387-1590573648661991009581.jpg

ĐBQH Phạm Trọng Nhân (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương).

Theo ông Nhân, từ Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Người hùng tý hon đến chương trình Người mẫu nhí Việt Nam năm 2019 cho thấy, đó không đơn thuần là sự bùng nổ các gameshow thiếu nhi mà là sự đối đầu của các nhà sản xuất trước lợi nhuận, bất chấp những giá trị đạo đức, khi những người có trách nhiệm để những đứa trẻ hồn nhiên và ngây thơ phải học cách cạnh tranh hơn thua để bước lên ngôi vị cao nhất và bào chữa bằng lời lẽ là tạo sân chơi cho trẻ em.

"Đã có nghiên cứu nào đong đếm những tổn hại mà các em phải gánh chịu so với những gì mà các em và gia đình nhận được sau mỗi chương trình, các kịch bản gameshow đều hướng tới sự cạnh tranh khốc liệt với những chiêu trò nhằm thu hút người xem mà ở đó trẻ em không khác gì những con rối trong tay những nhà sản xuất.

Nhìn những giọt nước mắt khi bị loại khỏi cuộc chơi hay những lúc căng như dây đàn mong đến lúc biểu diễn hoặc chờ đợi kết quả thì tội tình gì những đứa trẻ phải chịu những áp lực mà ngay cả phụ huynh còn phải bật khóc tức tưởi sau cánh gà?

Đâu là tình thương và đâu là sự bất nhân của người lớn đói với tâm hồn những đứa trẻ vừa lên 5 lên 6", đại biểu Nhân bày tỏ.

Đại biểu tỉnh Bình Dương nói tiếp: "Ở một chương trình khác, những đứa trẻ đáng yêu khoác trên mình những bộ quần áo sang trọng, trang điểm sẫm màu, ánh mắt sắc lạnh và sải bước điệu nghệ bằng đôi giày cao gót trên sàn diễn thời trang, bên dưới là những tràng pháo tay tán thưởng. Dù có cố gắng đến mấy cũng không thể hiểu được có những ý nghĩa, thông điệp gì từ những chương trình này.

Liệu việc phải bắt chước dáng đi một người mẫu và không được sống đúng với bản chất tinh thần một đứa trẻ trong những chương trình như vậy thì có phải là hành vi gây tổn hại về thể chất tinh thần, xâm hại trẻ em hay không?"

Chưa hết, theo ông Nhân, bước ra từ những cuộc thi này, những đứa trẻ còn được hứa hẹn trở thành gương mặt đại diện cho các nhãn hàng nổi tiếng thì đây có phải là môi trường phù hợp để các em được sống an toàn và lành mạnh theo quy định của pháp luật?

"Có chăng nó chỉ trang trí và và thoả mãn cho sự hãnh tiến của các bậc phụ huynh, khoản lợi nhuận không hề nhỏ cho nhà sản xuất, nhà đài và sự vô trách nhiệm của nhà quản lý", đại biểu Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn khác, vị đại biểu tỉnh Bình Dương cho hay, các tác phẩm điện ảnh mà cảnh nóng của cô bé 13 tuổi trong một bộ phim từng gây tranh cãi cũng là một điển hình cho lớp vỏ của văn hoá.

vo-ba-12072319-1590573659655-159057365981652575990.jpg

Nữ diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nóng trong phim "Vợ ba" gây bức xúc dư luận.

"Thật khó khăn khi nhắc lại câu chuyện này, một cô bé 13 tuổi chưa thể nào nhận thức được hết những nguy hiểm của hành vi đó nhưng chắc chắn một điều cả ekip sản xuất và người thân của cô bé không phải là những đứa trẻ vị thành niên. Vậy thì những hành vi trên là gì một khi tình cảm, tâm lý, danh dự và nhân phẩm của đứa trẻ có thể bị tổn hại?", ông Nhân nói.

Theo đại biểu tỉnh Bình Dương, nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới đã chính thức cấm các chương trình thực tế có trẻ em. Lý do đầy nhân văn mà họ đưa ra là để bảo vệ các em khỏi những nguy cơ tiềm ẩn khi bất ngờ nổi tiếng và cho các em một môi trường bình thường để phát triển.

Tuy nhiên, các gameshow thiếu nhi ở Việt Nam vẫn chưa có điểm dừng khi cơn khát tìm kiếm lợi nhuận của nhà sản xuất và giấc mộng đổi đời từ showbiz chưa có hồi kết.

Chúng ta hay đổ lỗi cho cơ chế thị trường làm phát sinh các bất ổn xã hội nhưng nhìn từ những chương trình này thì ai là người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho các em về hệ giá trị con người, về văn hoá xã hội mà ở đó đã và đang tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn về xâm hại trẻ em.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Bình Dương nêu, mặc dù báo cáo kết quả giám sát đánh giá công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, các phương tiện thông tin khác nhằm phòng chống xâm hại trẻ em đã được quan tâm. Tuy nhiên, các mạng xã hội hiện nay vẫn còn tràn ngập video clip của các đối tượng bất hảo mà xã hội đã lên án.

Các kênh Youtube tự dựng, phỏng vấn với những hình ảnh, nội dung dung tục, phát hành tràn lan với hàng triệu lượt người xem trong đó không tranh khỏi đối tượng là trẻ em và thực tế không ít các em học lấy làm theo những clip này. Trong khi các hành vi trên bị nghiêm cấm ở đời sống thực thì trên không gian mạng nó vẫn tiếp tục ngang nhiên hoành hành, thách thức hành lang pháp lý an ninh mạng.

"Xâm hại trẻ em không chỉ gói gọn ở xâm hại tình dục, bạo lực, mua bán, bắt cóc hay chiếm đoạt hành hạ như báo cáo đã nêu mà có cả các sản phẩm tưởng chừng rất văn hoá như trên chỉ là một điển hình trong số muôn hình vạn trạng những hành vi xâm hại trẻ. 

Chúng ta không thiếu những chương trình, đề án liên quan đến trẻ em, luật trẻ em, Uỷ ban quốc gia về trẻ em, những hành lang pháp lý chặt chẽ cùng những giải pháp kiến nghị của đoàn giám sát... nhưng tất cả những điều đó vẫn chưa đủ nếu thiếu đi một nền tảng ý thực, sự quan tâm và yêu thương các con mà câu chuyện về cô bé học sinh ở Hải Phòng phải đứng ngoài cổng trường vừa qua là ví dụ đau lòng", ông Nhân bày tỏ.

"Chúng ta căm phẫn với những con số trong bản báo cáo và những phân tích của các đại biểu nhưng cũng rất mừng vì chuyên đề giam sát tối cao lần này cho người lớn một cơ hội nhìn lại cách mà chúng đang đối xử với trẻ em.

Có thể thấy các đạo luật chỉ mang tính ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm, việc cần thiết vẫn chính là dành cho trẻ sự nhân hậu, tình yêu thương đúng mực bởi các con chính là chìa khoá để mở vận mệnh tương lai đất nước.

Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau hành động để giữ 'búp luôn được trên cành', trả lại môi trường an lành và đẹp đẽ cho con em chúng ta", đại biểu Phạm Trọng Nhân kết lại.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022