Cụ bà 86 tuổi vẫn sống khỏe dù từng mắc 2 loại ung thư

Mỗi khi nhắc đến bệnh ung thư nhiều người cho rằng đó là "án tử", song theo ThS. BS nội trú Nguyễn Xuân Tuấn (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt): Bệnh ung thư nếu như được phát hiện sớm, điều trị hiệu quả thì sẽ có tiên lượng tốt. Giống như trường hợp của cụ bà dưới đây.

Đầu tháng 7 vừa qua, ThS. BS nội trú Nguyễn Xuân Tuấn tiếp nhận khám, tư vấn sức khỏe cho một cụ bà 86 tuổi. Đáng nói, trước đây cụ từng 2 lần thực hiện phẫu thuật ung thư, một lần vào năm 2012 phẫu thuật ung thư vú và một lần phẫu thuật ung thư dạ dày năm 2022.

Sau khi đọc kết quả khám, bác sĩ Tuấn cho biết tình trạng sức khỏe của cụ bà rất tốt: Chức năng gan thận ổn định; các chỉ số về đường huyết, bạch cầu, tiểu cầu đều ở trong mức bình thường. Đặc biệt không có hạch nào nghi ngờ tái phát hay di căn...

capture1-16893253977241119781125.png

"Bệnh nhân từng mắc 2 bệnh ung thư là ung thư vú và ung thư dạ dày, đã phẫu thuật trên chục năm, đến nay tình trạng sức khỏe vô cùng tốt. Với bệnh ung thư, việc điều trị và giúp người bệnh sống trên 5 năm thì được coi như điều trị thành công", ThS. BS nội trú Nguyễn Xuân Tuấn chia sẻ.

Bác sĩ Tuấn cho biết, nhiều người lầm tưởng rằng cứ bị ung thư nghĩa là không còn cơ hội sống, dẫn đến chán nản và từ bỏ cơ hội điều trị. Thực tế là một số loại ung thư có cơ hội được chữa khỏi trên 90% nếu như được phát hiện sớm. Ví dụ như: ung thư tuyến tiền liệt, ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư tuyến giáp... 

Bên cạnh đó, hiện đã có thêm nhiều phương pháp điều trị mới giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư ở giai đoạn muộn.

Để phát hiện ung thư sớm, hãy lắng nghe những tín hiệu từ cơ thể

“Phát hiện sớm, chữa khỏi sớm” là 6 chữ vàng trong điều trị ung thư. Tuy nhiên việc phát hiện bệnh ung thư ở giai đoạn sớm là không dễ dàng. 

Ở giai đoạn sớm, khối u sẽ không có bất cứ triệu chứng nào. Giai đoạn muộn, khi khối u đã bắt đầu xâm lấn, chèn ép hoặc di căn đến các tổ chức xa hơn thì lúc đấy mới gây ra triệu chứng đau. Như vậy có thể thấy rằng, việc chờ đau mới đi khám sẽ khiến chúng ta không thể phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, đánh mất thời gian vàng chữa bệnh.

ThS. BS Nội trú Nguyễn Xuân Tuấn khuyến cáo, mọi người nên thăm khám một cách định kỳ, tầm soát ung thư để phát hiện khối u ở giai đoạn càng sớm càng tốt thay vì chờ triệu chứng đau mới đi khám.

photo-1689331324147-1689331324329632861544.jpeg

Ngoài triệu chứng đau, ung thư cũng có thể gây ra các tình trạng dưới đây:

- Giảm cân đột ngột: Cân nặng giảm mạnh thường gặp ở bệnh nhân ung thư vú, phổi, gan và ung thư ruột. Nếu giảm 10% cân nặng trong thời gian ngắn, không rõ nguyên nhân bạn nên đi khám kịp thời.

- Sốt hoặc nhiễm trùng thường xuyên: Khi các tế bào ung thư xâm nhập vào cơ thể, sức đề kháng sẽ suy giảm khiến con người dễ bị nhiễm trùng và gây sốt. 

- Ho nhiều: Các triệu chứng ho hoặc viêm phế quản có thể là triệu chứng của bệnh bạch cầu và ung thư phổi. 

- Đại tiện nhiều triệu chứng bất thường: Bệnh nhân ung thư ruột sẽ đi đại tiện thường xuyên và có cảm giác không sạch sẽ. Phân màu trắng và có mùi hôi có thể là do ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu.

- Xuất hiện nốt ruồi bất thường: Nếu da bạn xuất hiện nhiều nốt ruồi mới, những nốt ruồi này thay đổi về kích cỡ, màu sắc... đề phòng có thể có biểu hiện ung thư da.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022