Nữ nghệ sĩ cải lương nói cô may mắn được Vũ Linh yêu thương như con ruột nên chỉ biết lo lắng, chăm sóc cha nuôi chu đáo hết mức có thể. Ngày Vũ Linh qua đời, cô sát cánh bên người thân, cùng lo hậu sự "ông hoàng cải lương tuồng cổ". Tuy nhiên, cô khẳng định bản thân chưa từng có suy nghĩ dòm ngó đến bất kỳ tài sản nào của cha nuôi. "Một đồng tôi cũng không quan tâm chứ đừng nói là cả gia sản lớn. Sự truyền đạt, dạy dỗ của ba để tôi bước đi vững chắc hơn với nghề mới là tài sản lớn nhất ba để lại cho tôi", cô nói.

Bình Tinh cho biết cô hạnh phúc mỗi khi được khán giả khen "con gái Vũ Linh hát hay quá". Quán quân Sao nối ngôi 2016 là một trong bốn con nuôi của Vũ Linh, được ông chỉ dạy, truyền nghề nhiều năm qua. Ngày Vũ Linh qua đời, Bình Tinh viết trong sổ tang: "Cha ơi, kiếp vẫn quánh vô đít (đánh vào mông) con nha cha". Nghệ sĩ nói sinh thời, cha nuôi luôn muốn cô trưởng thành, nên người. Ông dặn cô phải là một nghệ sĩ bản lĩnh, yêu nghề, phát huy những gì ông truyền dạy.

4-1678339557-7759-1680022026.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Rr_H6NL8GUxtPSqF-C2hdw

Bình Tinh ôm bài vị Vũ Linh trong lễ tang của ông hôm 9/3. Ảnh: Maison de Bil

Tin đồn Bình Tinh được Vũ Linh để lại toàn bộ tài sản lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua. Bình Tinh cho biết nhiều YouTuber đưa tin sai sự thật hiện đã liên hệ, gửi lời xin lỗi nên cô không truy cứu thêm. Trước đó, Hồng Phượng - cháu gái Vũ Linh - cho biết những ngày cuối đời, dù tinh thần tụt dốc, ông không tin mình sẽ qua đời nên không kịp để lại di nguyện nào.

Nghệ sĩ cải lương Vũ Linh qua đời tại nhà riêng vào 12h30 ngày 5/3, sau thời gian điều trị ung thư, hưởng thọ 65 tuổi. Ông tên thật là Võ Văn Ngoan, sinh năm 1958 tại Sài Gòn, xuất thân trong gia đình nghèo khó, việc học hành dang dở. Năm 13 tuổi, gia đình cho ông theo học hát ở trường Văn Phát, sau chuyển qua học ca cổ với thầy Văn Vĩ. Năm 1972, ông theo đoàn hát Đồng Ấu Hoa Thế Hệ lưu diễn các tỉnh. Một thời gian sau, ông về hát cho gánh Hoa Anh Đào Kim Chưởng, được nghệ sĩ Diệu Hiền, Trương Ánh Loan nhận làm đệ tử. Sau này, ông còn thọ giáo nghệ sĩ Minh Tơ, Thanh Tòng để hoàn thiện thêm nghệ thuật diễn tuồng cổ.

Năm 1981, ông trở về TP HCM, lần đầu xuất hiện trên sân khấu đoàn Minh Tơ và Huỳnh Long. Đến năm 1988, ông cộng tác với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang 2. Thập niên 1990, Vũ Linh kết hợp với Tài Linh, trở thành đôi nghệ sĩ "thanh mai trúc mã", được đông đảo khán giả ngưỡng mộ. Họ cùng nhau ghi dấu trong các vở Xử án Bàng Quý Phi (Tống Nhơn Tôn và Bàng Quý Phi), Trảm Trịnh Ân (Triệu Khuông Dẫn và Hàn Tố Mai), Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ (Tiết Ứng Luông và Thần Nữ), Thái Tử Đan giả gái (Thái Tử Đan và Vũ Tuyết Nương).

Thiên Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022