Mã Gia Trại là một ngôi làng hẻo lánh ở Đông Bắc tỉnh Quý Châu, gần ranh giới với tỉnh Hồ Nam, được đặt theo tên của một vị tướng thời nhà Minh: Mã Bảo. Khác với suy nghĩ của nhiều người, dân trong làng đều mang họ Ngô, thay vì họ Mã. Đó là một câu chuyện bí ẩn về sự nổi dậy, sự suy tàn của một vương triều và số phận của Trần Viên Viên, một trong những nàng kỹ nữ nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc. 

Theo các ghi chép lịch sử, Trần Viên Viên vốn có tên họ là Hình Nguyên, ra đời vào khoảng năm 1623 trong một gia đình nông dân ở Giang Tô và sớm trở thành trẻ mồ côi. Bà sau đó được người thân đưa về Tô Châu. Lớn lên bà mang họ Trần, theo họ của chồng người dì ruột đã có công nuôi dưỡng bà thành thục cầm, kỳ, thi, họa. Khi trưởng thành, Trần Viên Viên trở thành một danh kỹ với nhan sắc khuynh thành, hát hay múa đẹp. 

Lúc bấy giờ, vua Sùng Trinh (vị hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Minh) đang sủng ái Điền Quý phi, khiến Chu Hoàng hậu ghen tức nên đã cùng ngoại thích lập mưu đưa Trần Viên Viên tiến cung. Vua Sùng Trinh nhanh chóng rơi vào lưới tình với mỹ nhân nổi tiếng bậc nhất này. Tuy nhiên, cuộc đời bà lại rẽ sang một hướng khác khi gặp được Ngô Tam Quế. Sau nhiều biến cố, Trần Viên Viên được gả cho Ngô Tam Quế, trở thành ái thiếp của ông. Dù được họ Ngô sủng ái nhưng khi ông được cử đến Sơn Hải Quan chống lại quân Mãn Châu, bà không theo ra trận mà ở lại Bắc Kinh. 

42c9cbd6-6d8a-11e9-994e-1d1e521ccbf6972x131443-1574398888819296982700.jpg

Một bức họa Trần Viên Tiên từ thế kỉ 17.

Ngày 26/5/1644, triều Minh sụp đổ, Trần Viên Viên bị Lý Tự Thành (tự xưng là Sấm Vương) chiếm đoạt và đưa vào cung. Nghe tin, Ngô Tam Quế liền nổi giận, liên kết với người Mãn Châu, dẫn binh về đánh kinh thành. Cuộc nội chiến đẫm máu xảy ra khiến nhiều binh lính và thường dân thương vong, khắp nơi hoang tàn. Người đời ai ai cũng cho rằng, Trần Viên Viên chính là nguyên nhân dẫn đến việc Ngô Tam Quế dẫn quân Mãn Châu tiến vào Trung Nguyên. Liên quân của Ngô Tam Quế nhanh chóng đánh bại lực lượng Lý Tự Thành, tiếp đó diệt được nhà Nam Minh ở Nam Kinh, được phong là Tây Bình Vương, trấn thủ ở Vân Nam. 

c60b1a3c-6d89-11e9-994e-1d1e521ccbf6972x131443-15743989412741998608816.JPG

Tượng của Trần Viên Viên và Ngô Tam Quế được đặt tại Mã Gia Trại, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.

Kết cục của Trần Viên Viên không rõ ràng, có rất nhiều kết cục khác nhau theo tài liệu lịch sử ghi chép lại và sự truyền miệng của dân gian. Một số người cho rằng Trần Viên Viên đã mất sớm nhưng theo câu chuyện phổ biến nhất, bà đã trốn khỏi vòng vây của cuộc binh biến Loạn Tam Phiên, đưa một người con của bà và Ngô Tam Quế trốn đến một nơi xa xôi ở tỉnh Quý Châu. Tại đây, bà cố gắng gìn giữ dòng máu họ Ngô qua nhiều thế kỷ.

Nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo Vũ Đức Sao Biển từng có đôi lời về Trần Viên Viên như sau: "Cuộc đời của Trần Viên Viên đúng là bi kịch của nhan sắc: hết làm trò chơi cho các danh sĩ và nhà hào phú đất Tô Châu; nàng lần lượt trở thành trò chơi cho Sùng Trinh Hoàng đế, Sấm vương Lý Tự Thành rồi Bình Tây vương Ngô Tam Quế. Cuộc chiến giữa Ngô Tam Quế và Lý Tự Thành tại Nhất Phiến Thạch làm chết cả vạn người, bị dư luận lịch sử Trung Quốc trút lên đầu của Trần Viên Viên. Chỉ có một người thông cảm với kiếp hồng nhan, đã làm một bài thơ để giãi bày hộ Trần Viên Viên. Đó là danh sĩ Ngô Vĩ Nghiệp với "Viên Viên khúc"... Và với một bút pháp kể chuyện có xen mô tả khá tinh tế, nhà văn Kim Dung đã xây dựng một Trần Viên Viên trở thành đệ nhất đại mỹ nhân trong hàng ngàn nhân vật nữ trong tiểu thuyết của mình. Những Tiểu Long Nữ, Nhậm Doanh Doanh, Triệu Mẫn, Tiểu Siêu, Hân Tố Tố, Viên Tử Y, Vương Ngữ Yên... cũng là những đại mỹ nhân nhưng là đại mỹ nhân ở tuổi 18 - 20. Họ không thể sánh bằng Trần Viên Viên ở tuổi 40 tươi đẹp, chân tình, trí tuệ, tài hoa và đau khổ! (trích trong quyển "Kim Dung giữa đời tôi").

c7ceb41e-6d89-11e9-994e-1d1e521ccbf6972x131443-1574399046904489104994.JPG

Ngôi mộ của Trần Viên Viên tại tại Mã Gia Trại, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.

Nhìn từ xa, Mã Gia Trại hiện ra như một cụm các ngôi nhà gạch hơn 100 năm tuổi dưới chân ngọn đồi dốc. Phía trước là những cánh đồng màu mỡ trải dài đến chân trời. Các ngôi nhà trong làng được sắp xếp theo hình dạng "cửu cung bát quái trận", cấu trúc khép kín, người ngoài khó lòng xâm nhập. 

247-1574407988974989936118.jpg

Mã Gia Trại hiện tại.

Trong hàng trăm năm qua, giới học thuật đã tranh cãi rất nhiều về số phận của Trần Viên Viên và nơi chôn cất Ngô Tam Quế. Đây được xem là một trong những bí ẩn không lời giải đáp trong quá trình nghiên cứu lịch sử triều nhà Thanh. Năm 1983, một người giấu tên đến từ Mã Gia Trại đã tiết lộ thông tin: việc sử dụng tên của tướng Mã Bảo là nhằm che giấu việc Trần Viên Viên là người thành lập ngôi làng này, cũng như bà được chôn cất ngay tại đây. Họ chưa bao giờ tiết lộ điều này cho người ngoài làng, cũng như truyền miệng qua các thế hệ. Sự thận trọng của họ đã bảo vệ ngôi làng qua nhiều cuộc nội chiến và biến động chính trị trong suốt thế kỉ 19 và 20.

d010e372-6d89-11e9-994e-1d1e521ccbf6972x131443-15744042306261578747398.JPG

Mộ phần của Ngô Tam Quế tại Mã Gia Trại.

Hơn 30 chuyên gia và học giả lịch sử triều Thanh đã tham gia nghiên cứu và thảo luận trong một thời gian dài để kiểm chứng thông tin này. Hoàng Thấu Tùng, nhà sử học và nhà văn quá cố, là một trong những người đầu tiên phát hiện ra lăng mộ của Ngô Tam Quế và Trần Viên Viên, đã cùng các đồng nghiệp thu thập chứng cứ thuyết phục giới sử gia trong nước. Kết quả là năm 2005, mộ phần của Trần Viên Viên được công nhận và đến năm 2010, mộ phần của Ngô Tam Quế cũng được kiểm chứng.

Vậy, tại sao nơi hậu duệ dòng họ Ngô sinh sống lại được đặt tên theo tướng Mã Bảo?

Mã Bảo là một trong vị tướng trung thành nhất của Ngô Tam Quế, sau khi Ngô Tam Quế chết, ông vẫn tiếp tục chiến đấu đến khi bị người Mãn đánh bại ở Vân Nam năm 1861. Việc đặt tên ngôi làng theo theo tên tướng Mã Bảo chắc chắn sẽ tạo ra một mối liên kết đến Ngô Tam Quế, khiến triều đình có thể tìm đến đây. Nhưng dòng họ Ngô vẫn quyết định làm vậy vì muốn tôn vinh công ơn của ông. 

Trần Viên Viên từng khuyên Ngô Tam Quế không nên nổi dậy chống lại người Mãn nhưng ông không nghe theo. Đoán trước nguy cơ thất bại dẫn đến gia tộc có thể bị tiêu diệt, bà đã quyết định rời đến nơi an toàn dưới sự bảo vệ của Mã Bảo. Và điểm đến của họ chính là Mã Gia Trại. 

cf4ffdd8-6d89-11e9-994e-1d1e521ccbf6972x131443-15744037337751749706512.JPG

Lồng đèn chữ Ngô ở Mã Gia Trại.

Nhiều người dân địa phương tin rằng, sau khi đưa gia tộc đến nơi an toàn, Trần Viên Viên đã đi tu, sống ẩn dật những năm cuối đời tại một ngôi đền gần đó và mất vào năm 1695. Ngôi đền này đã từ lâu không còn một chút dấu tích. 

Nhưng cũng không có gì ngạc nhiên nếu Trần Viên Viên chọn cuộc sống ẩn danh bởi tháng ngày trước đó với bà thật sự quá cay đắng: mồ côi từ nhỏ, bị bán vào kĩ viện, trở thành một con cờ chính trị khi bị đưa vào cung, bị bắt làm con tin, bị người tình bỏ rơi và cuối cùng trốn chạy đến một nơi hẻo lánh ở Quý Châu như thế này. 

Nguồn: South China Morning Post, Baidu, Sina, The Paper

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022