Nha đam từ lâu đã được xem như "thần dược" tự nhiên trong lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc da nhờ khả năng cấp ẩm, làm dịu và hỗ trợ phục hồi da. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách, nha đam – đặc biệt là nha đam tươi – có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí khiến làn da tổn thương nghiêm trọng hơn.
Những công dụng nổi bật của nha đam đối với làn da
Không chỉ là nguyên liệu dưỡng ẩm quen thuộc, gel nha đam còn sở hữu nhiều lợi ích khác cho làn da:
Ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị mụn: Nha đam chứa acid salicylic, kẽm, vitamin A và nhiều hoạt chất kháng viêm, kháng khuẩn giúp giảm tình trạng viêm mụn, hỗ trợ phục hồi vùng da tổn thương và giúp lỗ chân lông thông thoáng, hạn chế tình trạng bít tắc gây mụn.
Làm dịu da, chữa cháy nắng: Với thành phần giàu nước và acid amin, gel nha đam giúp làm mát và xoa dịu làn da bị tổn thương do ánh nắng. Đồng thời, nó còn kích thích tái tạo collagen – yếu tố quan trọng giúp da mềm mại và đàn hồi.
Ngăn ngừa lão hóa, giảm nếp nhăn: Nhờ chứa các loại vitamin như A, C, E, B12 và hơn 20 loại acid amin, nha đam giúp tăng cường độ đàn hồi, cải thiện các nếp nhăn vùng môi, mắt và cổ – những vị trí dễ bị tác động của lão hóa.
Giảm triệu chứng chàm da: Tác dụng cấp ẩm tự nhiên của nha đam góp phần cải thiện tình trạng khô, ngứa và hạn chế sự tái phát của bệnh chàm da nhờ vào các khoáng chất như kẽm và vitamin có trong gel.
Những lưu ý quan trọng khi dùng nha đam tươi chăm sóc da

Dù mang đến nhiều công dụng, việc sử dụng nha đam tươi tại nhà vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được xử lý đúng cách. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng mà bạn cần ghi nhớ:
Sơ chế cẩn thận, giữ vệ sinh: Khi gọt vỏ nha đam, cần đảm bảo tay và dụng cụ thật sạch để tránh vi khuẩn bám vào gel. Nếu không đảm bảo vệ sinh, sản phẩm sẽ dễ bị nhiễm khuẩn và gây kích ứng da.
Kiểm tra dị ứng trước khi dùng: Với những người có làn da nhạy cảm, viêm da cơ địa hoặc viêm da tiếp xúc, việc thử một lượng nhỏ nha đam lên vùng da mỏng như cổ tay trước khi sử dụng là vô cùng cần thiết.
Không đắp mặt nạ quá lâu: Mặt nạ nha đam chỉ nên đắp tối đa 20 phút mỗi lần. Việc để quá lâu có thể làm da mất nước và gây phản tác dụng.
Loại bỏ nhựa vàng tác nhân gây kích ứng: Nhựa vàng (aloin) trong lớp vỏ nha đam có thể gây ngứa, nổi mẩn hoặc khiến da bị khô rát nếu không được loại bỏ kỹ lưỡng.
Sử dụng vào buổi tối và che chắn da ban ngày: Nên dùng nha đam vào ban đêm, sau khi đã làm sạch da mặt. Ban ngày, da cần được bảo vệ kỹ lưỡng bằng kem chống nắng, mũ và kính râm vì nha đam khiến da dễ bắt nắng hơn.
Tránh dùng trên da bị tổn thương nghiêm trọng: Không nên bôi nha đam lên các vùng da có vết thương hở, mụn viêm mủ hoặc đang trong giai đoạn nhiễm trùng để tránh làm tình trạng da trở nên tồi tệ hơn.
Không để nha đam dính vào mắt: Khi đắp mặt nạ hoặc bôi gel, cần thận trọng để gel không tiếp xúc với vùng mắt – khu vực da nhạy cảm nhất trên khuôn mặt.
(Tổng hợp)